Theo dõi trên

Một lần viếng Đền Hùng

16/04/2016, 11:17

BTO - Tôi đến viếng Đền Hùng vào giữa tháng 7/2015. Sau kỳ thi THPT Quốc gia căng thẳng, hiệu trưởng thưởng cho cả trường bằng một chuyến du lịch hướng về đất tổ Phú Thọ, nơi có Đền Hùng. Thực ra kế hoạch cho chuyến đi này trường đã tính từ năm 2014 nhưng vì có nhiều lý do khách quan, kể cả kinh phí nên một năm sau mới thực hiện được. Phải nói là ai cũng háo hức, vì lâu nay  chỉ biết Đền Hùng qua sách báo, truyền hình. Nay được tận mắt thì vui sướng là lẽ tất nhiên. Nhất là thầy cô dạy bộ môn sử như tôi. Chuyến đi là trải nghiệm, còn phục vụ cho việc dạy học.

Đoàn của tôi đến thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ trong buổi chiều lãng đãng của khí hậu tháng 7 tương đối dịu. Ráng chiều đỏ ửng chiếu xuống dòng sông Thao thơ mộng tạo nên một màu sắc huyền diệu. "Thành phố ngã ba sông" (tên gọi thân thương của thành phố Việt Trì) là đỉnh đầu của vùng Tam giác châu thổ Sông Hồng trù phú, lâu đời gắn liền với lịch sử phát triển dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Chúng tôi chưa vội đến đền Hùng mà nghỉ đêm tại Việt Trì, thưởng thức những đặc sản nơi đây như cá lăng sông.

 Buổi tinh mơ hôm sau, cả đoàn bon bon trên con đường Hùng Vương để tiến về núi Nghĩa Lĩnh, cách thành phố 10km (xã Hy Cương, thành phố Việt Trì). Núi cao 175m, nơi phát tích nhà nước đầu tiên Văn Lang với kinh đô là Phong Châu. Dù đây không phải là tháng ba Âm lịch có sự kiện Giỗ tổ Hùng Vương nhưng dòng người viếng Đền Hùng khá đông. Quần thể di tích lịch sử Đền Hùng bao gồm bốn đền chính là đền Hạ, đền Trung, đền Thượng và đền Giếng. Từ cổng đền (đại môn) dưới chân núi, du khách sẽ bước qua nhiều bậc đá lên thắp hương và thăm thú các đền, kết thúc tại đền Thượng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, nơi có lăng mộ vua Hùng thứ 6, tức Hùng Huy Vương.

Phải nói cảnh sắc nơi đây hữu tình, hài hòa: có sông, núi, rừng và chim hót không ngơi nghỉ. Dù phải trải qua những bậc đá, càng lên cao càng mỏi chân, nhưng hầu như gương mặt ai cũng rạng ngời. Đứng trước những ngôi đền, thắp nén hương thành kính tri ân những người có công dựng nước, mà lòng thanh thản vô cùng. Ngoài những ngôi đền chính, một di tích mà tôi đặc biệt chú ý là Nhà bia. Nhà bia nằm ngay cạnh đền Hạ có kiến trúc hình lục giác với 6 mái. Bên trong đặt tấm bia đá khắc dòng chữ quốc ngữ: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Đây là câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Đền Hùng ngày 19/9/1954. Quần thể Đền Hùng còn có các di tích lôi cuốn khác như đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân, đền tổ Mẫu Âu Cơ, Cột đá thề, chùa Thiên Quang… Đến với Phú Thọ, ngoài quần thể di tích Đền Hùng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (6/12/2012), còn có các danh thắng khác như Khu du lịch Bạch Hạc - Bến Cát, đền Tam Giang, di chỉ khảo cổ học Làng Cả…     

Chia tay Đền Hùng, cả đoàn lưu luyến mãi về những danh thắng mình đã đi qua. Dù chỉ ở 2 ngày nhưng đủ để tôi quyến luyến vùng đất tổ. Lòng nhớ mãi hai câu ca dao mà hầu như tất cả người con Việt Nam đều nhớ: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ tổ mùng mười tháng ba”.

         
   

      

   

   Đền    Hạ

   

         

   

   Đền tổ Mẫu Âu Cơ

   

         

   

   Nhà bia

   

         

   

   Bàn thờ các vị vua    Hùng

   

      

      Khuôn viên quần thể Đền Hùng.

 

ĐẶNG TRUNG THÀNH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cử tri xã Phan Điền:
Kiến nghị các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số
BTO-Chiều 23/12, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Thuận ông Lê Quang Huy - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Nguyễn Hữu Thông, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp xúc cử tri tại xã Phan Điền (Bắc Bình), thông báo kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan, lãnh đạo huyện Bắc Bình và xã Phan Điền.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một lần viếng Đền Hùng