Nửa tháng kể từ ngày chồng mất, chị Nguyễn Thị Định - vợ anh Công Anh vẫn không nguôi bàng hoàng, đau xót trước sự ra đi vì một nguyên nhân không thể ngờ của chồng do anh bị chó dại cắn.
Chị cho biết, vào tháng 4/2018 anh bị con chó nhỏ nhà hàng xóm cắn vào lòng bàn tay khi đang chơi đùa với nó, vết thương nông và chảy máu. Do nghĩ sẽ không sao, lại không có kiến thức xử lý vết thương tại chỗ và tiêm phòng dại sau đó. Anh vẫn bình thường, cho đến đầu tháng 2/2019 thì xuất hiện một số triệu chứng như mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, mất ngủ, sợ nước.
Chị Định bên bàn thờ chồng mới mất.
Đến ngày 26/2, anh Công Anh lên cơn co giật và được bệnh viện đa khoa khu vực La Gi chuyển viện vào Bệnh viện Nhiệt Đới TP. HCM. Tại đây, bệnh viện đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm bệnh phẩm, kết quả, anh dương tính với vi rút dại. Tuy nhiên, do triệu chứng bệnh dại đã bộc phát nên không còn cơ hội chữa trị. Ngày 28/2 chị Định yêu cầu cho chồng xuất viện và đến ngày 1/3 anh tử vong. Được biết, con chó này đã cắn 2 người nhà trước đó, nhưng không biểu hiện triệu chứng dại. Hơn 1 tháng sau ngày cắn anh, con chó bị chết, tuy nhiên chủ nhà nuôi chó không báo với gia đình anh. Ngày còn sống, anh làm thợ hồ, cùng vợ phụ hồ, có lúc thu mua ve chai nuôi 4 người con đều đang tuổi ăn học. Con lớn của anh chị hiện đang học lớp 10 tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên La Gi, bé học lớp 9, lớp 5 và bé nhỏ nhất học lớp 3 tại trường tiểu học Tân An 3. Sự ra đi đột ngột của anh để lại sự mất mát lớn cho chị Định về gánh nặng kinh tế gia đình và tương lai các con.
Trường hợp xảy ra đối với anh Nguyễn Công Anh là lời cảnh báo cho chúng ta không được lơ là, chủ quan khi bị vật nuôi cào/cắn. Người dân nên hạn chế nuôi chó, mèo. Nếu nuôi cần tiêm phòng bệnh dại định kỳ theo hướng dẫn của thú y. Đặc biệt lưu ý không cho trẻ nhỏ trong gia đình đùa nghịch với chúng nhất là khi chúng đang ăn. Khi không may bị động vật cào/cắn, cần theo dõi con vật và nạn nhân nhất thiết phải tiến hành tiêm chủng càng sớm càng tốt ngay sau đó.
Trúc My