Thế nhưng, thường người ta lo măng, chuẩn bị măng là khi còn ít lâu nữa đến tết, bởi trữ măng tươi, măng khô dù được chế biến công phu, kỹ càng thế nào để lâu quá cũng dễ mốc mà mốc rồi họa bằng bỏ đi vì ăn vô gần như ăn độc. Vậy nên, vào một ngày mưa gió dập dùi do ảnh hưởng bão, đang đi trên đường 719 cùng nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngọc Lân, phải tìm chỗ trú mưa trong nhiều giờ, nghe cô chủ quán dáng chừng ngoài 35, da trắng hồng, cổ tay đeo bộ còng “si men” nhiều chiếc, thoăn thoắt dùng chiếc dao nhỏ, bóc vỏ măng, nói chuẩn bị măng tết thì không khỏi ngạc nhiên. Ngạc nhiên hơn nữa đó là măng le, thứ măng chỉ có trong rừng le gần gũi với rừng xanh, núi cao. Cô chủ quán kể, măng vừa được chồng cô lấy trên núi Bà Đặng ở phía Tây đường 719 mà những ai đi qua xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam đều nhìn thấy. Để lấy măng, chồng cô đi từ lúc mờ sáng, bởi mùa măng le nào cũng đông người quanh đây đi lấy. Măng le núi Bà Đặng nổi tiếng là ngọt, không phơi khô dùng ngày tết thì có thể bán tươi cho mấy nhà hàng ở Phan Thiết để họ xáo măng với thịt vịt. Riêng chủ quán, chị vẫn thích trữ măng khô cho tết hơn, bởi khi ấy vào mùa khô, cây le xơ xác, tìm cả ngày không ra một mụt măng, trong khi đó măng chợ thường là măng tre, dày thịt thì có dày nhưng không ngọt, mềm bằng măng le.
Bóc vỏ măng le đầu mùa. Ảnh: Ngọc Lân |
Chuyện về măng cứ thế kéo dài, anh ngồi nghe chủ quán nói, trông cái cách chị bóc vỏ măng, lại nghĩ về em Bích Liên à. Anh trông cảnh nhớ người chăng? Mà phải thôi. Anh làm sao quên được loại măng trắng phớt, hơi chút xanh xanh mà nhờ nó anh đã qua những lúc đói. Anh làm sao quên được hình ảnh em ngồi bóc vỏ măng, tóc hơi dài, và da con gái sau nhiều trận sốt rét rừng có phần tái đi. Vâng vậy đó. Anh đang nhớ em và mùa măng le ở Tây nguyên, cho dù từ ngày ấy đến nay đã mấy mươi năm, cũng như hai đứa mình có duyên thì ngày nay chắc chắn đã có một lũ con cháu.
* * *
Anh nhớ em đã theo Trung đoàn Hà Bắc vào Tây nguyên trước anh hai năm. Hồi ấy, sau giải phóng miền Nam vài năm, rừng xanh còn bạt ngàn, xe ủi cứ ủi những cây gỗ to bằng vòng tay của hai người ôm để trung đoàn có đất trồng lúa, trồng bắp. Đất mới hứa hẹn những vụ mùa bội thu, nhưng do nhiều cánh đồng chưa chủ động thủy lợi, những gì chúng ta gieo trồng xuống khi thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Bộ đội vẫn phải cân đong định lượng lương thực cho từng bữa ăn, vẫn phải đèo ba lô lên trung đoàn gùi bắp, gùi sắn, những thứ được đưa về từ sư đoàn xây dựng kinh tế 333 Tây nguyên. Đúng vào thời điểm ấy, anh được bổ sung vào đại đội, cùng chịu cảnh khốn khó với em, cùng dán lên mũ của mình những câu duy ý chí: “Con dao gắm, nắm rau rừng, tất cả với tấm lòng cộng sản”. Vào thời điểm ấy, chúng ta là người lính nên chấp hành răm rắp mọi mệnh lệnh, lao vào các chiến dịch thi đua ngắn ngày, dài ngày, làm thêm những ngày chủ nhật. Vì thế, có những lúc những thằng lính vừa rời ghế nhà trường ra như anh kiệt sức. Đúng vào lúc đó, em thường xuyên trò chuyện với anh. Em rủ anh đi hái măng le vào những ngày nghỉ hiếm hoi của mình. Chúng mình theo con đường mòn xuyên rừng đến ngọn đồi rất nhiều le cách đó vài cây số. Em giải thích: Măng le vừa mềm vừa ít đắng hơn măng tre, có thể ăn nhiều ngày được. Hôm đó, lần đầu tiên sau một năm ở rừng, anh phát hiện rừng le về mùa mưa rất nhiều muỗi. Muỗi đậu sau mặt lá xanh nhọn như ngòi viết của cây le, trong các lùm tối, khoảng trống giữa các cây le, sẵn sàng bay ra, chích vào da thịt những ai bước chân vào rừng. Lúc đó Bích Liên hỏi anh có nhớ bài ca “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây không?”. Cái bài có câu: “Muỗi bay rừng già cho dài tay áo”. Măng le nhỏ, trồi lên trên mặt đất không nhiều nên phải cúi xuống thấp, nếu muốn bẻ. Phải thả tay áo xuống để lá le bớt cắt và muỗi bớt cắn. Làm theo Bích Liên đi!. Buổi chiều hôm ấy chúng mình hái đầy hai ba lô măng. Trên đường về, lúc sắp vượt qua trảng đá thì trời đổ mưa, chúng mình đành phải tìm bụi cây to, giăng ni lông lên ngồi đợi. Lần ấy, vai sát vai và em nói: “Con gái miền Bắc đi bộ đội nghĩa vụ vài năm thì về, nhưng em muốn ở lại miền Nam. Muốn làm dâu của bà mẹ miền Nam. Anh à, bao giờ đi phép lần đầu thì cho Liên đi cùng về Đà Nẵng nghe? Hồi nào đến giờ em chưa biết Đà Nẵng. Từ ngoài Bắc đi là đi thẳng một lèo vào Tây nguyên”. Anh nhớ khi đó anh đã hứa. Lời hứa giữa mưa, giữa rừng núi u tịch đáng tin đến thế nào mà sau đó em cười, tiếp: “Thế nào em cũng sang buôn dân tộc đổi hoặc mua cho mẹ anh một ít nhung nai. Đồng bào Tây nguyên giỏi săn bắn thường chọn lúc đầu mưa, lúc nai tìm ăn cỏ non để săn lấy nhung”.
Măng le núi Bà Đặng. |
Bích Liên ạ! Cuộc đời không như mình mơ. Anh đã không có lần đi phép cùng em. Một buổi trưa tháng mười, sau cái ngày lấy măng le, tiểu đội lính miền Nam bị xé lẻ, trước khi bổ sung vào Trung đoàn 93 của Sư 2. Ngày những chàng lính trẻ rời đi, đại đội tặng mấy anh em con heo nhỏ gọi là liên hoan chia tay. Khi đó đúng phiên em trực ban đại đội đã yêu cầu có món măng le trong buổi tiệc chia tay. Em cũng là người sau đại đội trưởng nói lời chia tay với những người ra đi. Em nói gì còn nhớ không? Em nói mong các anh lành lặn trở về. Người của đại đội 7 sản xuất kinh tế Tây nguyên luôn nhớ những người vào chiến trường, chờ đợi người ở chiến trường. Bích Liên biết không, anh nhớ hoài buổi tiệc chia tay khi đã vào sâu trong chiến trường, nhất là khi đơn vị đóng chốt ven bờ sông Me Kong, trong một ngôi làng sát rừng già, cũng như thỉnh thoảng gặp le rừng, măng le khi đi tuần. Mỗi lần như thế lại nhớ về sông Krong Bách, nhớ đại đội 7 với cánh đồng rộng hơn 200 ha cùng những người lính dãi dầu sản xuất, trong đó có em.
* * *
“Loại măng le này nấu với thịt heo, kho với cá nục, cá bạc má đều ngon. Nó chẳng phải xả nhiều nước như măng tre, ăn vào cứ mềm ra và ngọt, ngọt một cách khó nói lắm. Khách du lịch sành ăn thường ít trả giá khi mua”. Người phụ nữ lúc này đang rửa một ít măng le để bỏ vô nồi cá bắc trên chiếc bếp than gần đó. Cứ nhìn cái cách chị dùng dao chẻ dọc khúc măng làm tư, môi hơi mím lại thì đủ biết măng ngon và quý thế nào. Tôi hỏi để biết thêm măng le ở núi Bà Đặng có dễ lấy thì người chồng nói: “Ngoài muỗi, thêm con vắt dưới lá nên chẳng dễ dàng gì!”. Chuyện sau đó chuyển sang chủ đề khác vì mưa vẫn kéo dài. Ngọc Lân nảy ý chụp vài bức ảnh về măng le. Chủ nhà vui vẻ chụp, thoải mái chụp cũng như cái nét cười của chị cho thấy chị rất tự tin là mình lên ảnh không đến nỗi nào. Bích Liên biết không, khi người phụ nữ đó cười, anh nhận ra thêm cái nét cười ấy có phần giống em. Nét cười như gây men, càng làm nhớ Bích Liên, nhớ về những năm tháng sau hòa bình, có một lớp người trẻ đã cống hiến hết sức mình, không so đo, tính toán, chấp nhận gian khổ như là một sự thử thách. Mọi chuyện sẽ tốt hơn nếu không có chiến tranh Bích Liên ạ... Chiến tranh ở góc độ nào cũng tạo nên những thiệt thòi mất mát cho người trong cuộc. Anh nhớ phải bốn năm sau khi những người lính trẻ ngày nào ít tin tức, em mới đành lòng về quê, lên chuyến đò muộn.
Bích Liên, chiều nay mưa, ở một góc vùng biển anh nhớ về măng le, rừng le và em. Còn em, có khi nào nhớ về một thời đã qua?
H.T.T