Theo dõi trên

Mưa thành phố nhớ mưa rừng!

21/05/2024, 05:19

“… Mưa rừng ơi mưa rừng/ Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên/ Phải chăng mưa buồn vì tình đời/ Mưa sầu vì lòng người duyên kiếp không lâu/ Mưa từ đâu mưa về/ Làm muôn lá hoa rơi tả tơi/ Tiếng mưa gió lạnh lùa ngoài mành/ Lá vàng rời lìa cành gợi ta nỗi niềm riêng…”.

Đó là bài hát “Mưa rừng” rất quen thuộc của tất cả dân miền Nam, chớ không riêng gì những người yêu mến âm nhạc. Bài “Mưa rừng” được nhạc sĩ Huỳnh Anh “Cảm tác qua soạn phẩm ca kịch đường rừng “Mưa rừng” của Hà Triều - Hoa Phượng, và do nữ nghệ sĩ Thanh Nga trình bày trong tuồng”. Câu này được ghi trên nhạc phẩm “Mưa rừng” do Tinh Hoa Miền Nam tái bản năm 1962.

mua-pho.jpg
Ảnh minh họa.

Và bài “Mưa rừng” nhạc sĩ Huỳnh Anh viết riêng cho Thanh Nga, và Huỳnh Anh cũng nặng tình với Thanh Nga, nên ông cũng đã gói trọn “tình yêu” dành cho người đẹp trong ca khúc: “Kiếp cầm ca”, “Lạnh trọn đêm mưa”.

“Mưa rừng” ghi giai điệu là Slow Rumba (thật chậm), nhưng đây là Boléro chính hiệu “Con nai vàng”. Bài hát “Mưa rừng” cũng như “Những bước chân âm thầm”, “Đường xưa lối cũ”… là những giai điệu Boléro rõ nét đã một thời làm cho người nghe, nghe đến ghiền, khó mà “cai” được! Và chính Boléro đã làm nên thương hiệu ba nhạc phẩm này.

Boléro thân thương và gần gũi với người nghe đến nỗi mà người ta đã lấy “Thịt vịt… chấm… mắm gừng…” làm nhịp Boléro, rồi từ đó nhắc tới Boléro là nhớ… mắm gừng, thịt vịt!

Mỗi năm có một mùa mưa, điều này chỉ đúng với những thế kỷ trước, còn bây giờ nghe nói trái đất nóng dần lên, hiệu ứng nhà kính, tầng ô-zôn lủng… nên thời tiết bất thường và những cơn mưa trái mùa làm bầm dập nhà nông, mưa đá làm tả tơi hoa màu… hoặc hạn hán đến nứt cả đất! Và cũng làm sai sót không ít cho những nhà “tiên đoán thời tiết cho 24 giờ sắp tới”. Mưa đến sớm hay muộn còn tùy thuộc vào ông… giời! (cách nói thông thường của dân gian, còn nhà khoa học thì nói theo… khoa học!).

Dù ở thành thị lâu rồi, nhưng cứ đến mùa mưa là tôi nhớ mưa rừng. Nhớ mùi ẩm mốc của lá ủ, nhớ những cây nấm dại mọc trước sân nhà, tiếng ếch kêu quền quệt và những con ếch òn nổi lềnh bềnh khi ngoài đồng ruộng, mưa ngập nước (ếch òn một loại ếch da rất trơn có nhiều màu, thường thì màu nâu đen pha vàng đất, làm thịt không lột da chỉ trụng nước sôi). Cây mưa đầu mùa, những con ếch òn sau những tháng ở trong hang khát nước, nay được dịp say nước, bụng căng tròn làm hụt bốn cái chân chới với muốn nhảy mà không nhảy được. Ếch òn là đặc sản chỉ có đầu mùa mưa, sau mưa là biến mất…

Ở rừng vào những đêm mưa, trời tối như bưng, nghe sờ sợ trong lòng. Cả xóm nhà trong rừng như bị xóa mất, tiếng rào rào của mưa rơi trên lá, tiếng răng rắc nhánh cây khô gãy. Mây phủ rừng, mưa khuất trời, nước tràn đất. Mưa làm long gốc rễ, cành lá oằn mình xuống nằm xếp re.

Mùa mưa là mùa vạn vật sinh sôi nảy nở. Những đêm mưa ở rừng “buồn ơi là buồn”, trẻ con không biết làm gì thường đi ngủ sớm. Ba tôi ngồi dựa cột hút thuốc rê, đốm lửa đầu thuốc lâu lâu bập bập lại lóe lên, còn má tôi bưng cây đèn “hột vịt” tìm trầu. Tất cả đều im lặng…

Dân rừng sống dựa vào mưa và rừng. Mưa không phụ lòng người, nhưng có đôi khi mưa nhiều quá, mưa thúi đất, mưa “làm muôn lá hoa rơi tả tơi” (Mưa rừng -Huỳnh Anh). Mưa đến nỗi những cây khoai mì để dành cứu đói, ngả nghiêng lay củ, mắc nước, ăn nghe thum thủm! Cái mùi thum thủm dễ thương ấy lâu rồi không được ăn cảm thấy nhơ nhớ, vì thật ra nó không phải là mùi mà là vị, ngon chết đi được!

Tôi nhớ những ngày mưa của năm Thìn bão lụt (1952), mưa tối tăm mày mặt, mưa “chưa từng thấy”. Một mùa mưa nhớ đời, và đó cũng là mùa mưa kỷ niệm trước khi dân làng tôi rời rừng hồi cư về nhà cũ làng xưa từ năm 1954. Và mỗi năm, cứ đến mùa mưa tôi lại nhớ mưa rừng.

Có rất nhiều nhạc sĩ viết về mưa, đa nhịp điệu, đa ca từ… Hình như bài hát nào viết về mưa cũng làm lay động lòng người. Nhưng riêng “Mưa rừng”, một bài hát Boléro mưa độc nhất, nghe lại như nghe một nỗi nhớ, nhớ mưa rừng: “… Mưa rừng ơi mưa rừng/ Tìm đâu hỡi ơi bóng ngày qua/ Mỗi khi mưa rừng về muộn màng/ Bóng chiều vàng dần tàn/ Niềm thương nhớ nào nguôi…/ Mưa thương ai mưa nhớ ai/ Mưa rơi như nức nở/ Mưa rơi trong lòng tôi/…”.

Dù xa rừng đã lâu, thành người thành phố, nhưng mỗi năm cứ đến mùa mưa là tôi nhớ ca khúc Mưa rừng: “…Ôi ta mong ước xa xôi/ Nhưng đêm mãi cô đơn gửi tâm tư về đâu?/ Mưa thương ai, mưa nhớ ai?/Mưa rơi như nức nở, mưa rơi trong lòng tôi…”.

TRẦN HỮU NGƯ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Giải bóng đá 5 người trong công chức, viên chức, người lao động
BTO-Liên đoàn Lao động huyện Tuy Phong đang phối hợp với Trung tâm Văn hoá Thể thao - Truyền thanh Truyền hình huyện tổ chức giải bóng đá 5 người trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mưa thành phố nhớ mưa rừng!