Theo dõi trên

Muối Chí Công (Tuy Phong): Lại “được mùa mất giá”

29/07/2016, 10:09

* Người làm muối thu nhập chưa đến 10.000 đồng/ngày. 

Rớt giá…

BT- Chưa năm nào mà đồng muối Chí Công có nhiều ruộng muối ngừng sản xuất nhiều như năm nay. Trong lúc đó, nhiều ụ muối cao chất ngất lại đang chờ người hỏi mua, nhưng lâu rồi không thấy ai gọi điện hoặc đến xem muối như mấy năm trước. Muối tồn đọng là chuyện đang xảy ra ở Chí Công. Ông Nguyễn Bình (thôn Thanh Lương) thở than: “Giá muối chỉ còn 300 đồng/kg, giảm 2 - 3 lần so với trước, cô ơi. Năm nay nắng tốt, bà con chưa kịp mừng thì muối rớt giá”. Gắn bó với nghề hơn 10 năm, ông Bình chưa bao giờ thấy muối “đắng” như hôm nay. Năm 2013, muốn nâng cao sản lượng muối, ông  cùng  một số diêm dân sản xuất muối (trải bạt) trên diện tích 750m2. Tưởng rằng muối sạch sẽ giúp gia đình ông cho thu nhập ổn định, nhưng không… mọi chuyện đã khác đi nhiều.

                              
Gánh muối trở nên nặng hơn bao giờ hết với    người làm ra nó.
   
Muối chất thành đống nhưng chưa có người mua.

Theo tính toán của diêm dân Chí Công, thời tiết thuận lợi, 1 sào ruộng muối sẽ thu hoạch khoảng 5 tấn muối/năm. Song, với giá muối 300 - 500 đồng/kg như hiện tại, người làm muối chỉ thu được 1,5 - 2,5 triệu đồng/sào/năm. Nghĩa là thu nhập chưa đến 10.000 đồng/ngày. 

Toàn xã Chí Công có hơn 60ha muối, nhưng những tháng đầu năm nay có hơn 50% diện tích ruộng muối ngừng sản xuất, tổng sản lượng muối thu hoạch chỉ đạt 2.633 tấn. Nhiều diêm dân đành chuyển sang làm  nghề khác kiếm sống, kể cả đi làm xa… Ngoài lượng muối diêm dân đang thu hoạch, Chí Công còn tồn khoảng 2.500 tấn muối. Vì giá thấp, diêm dân cũng chẳng buồn che đậy kỹ, chỉ dùng bạt hoặc lá dừa che tạm nắng mưa.

 Nghịch lý

Khó khăn của diêm dân Chí Công không nằm ngoài khó khăn chung, khi muối tồn kho khắp nơi, trong khi năm nào nước ta cũng nhập khẩu muối, với  lý do  muối sản xuất thủ công không đảm bảo chất lượng. Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chỉ đạo Tổng công ty Lương thực miền Bắc thu mua tạm trữ muối,  để bình ổn thị trường. Việc mua tạm trữ muối, ưu tiên cho những địa phương có lượng tồn đọng lớn, và giá muối mua theo giá thị trường, giúp người sản xuất  có thể tái sản xuất.

 Không biết khi nào diêm dân huyện Tuy Phong tiếp cận được chương trình nhiều ý nghĩa này khi hơn 2.500 tấn muối trên các đồng vẫn chất cao như núi. Năm nào diêm dân Tuy Phong cũng hy vọng, rồi lại thất vọng khi vụ muối này đến vụ muối khác phải “tự sản, tự tiêu”.

Minh Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Muối Chí Công (Tuy Phong): Lại “được mùa mất giá”