Thời gian và không gian này thích hợp cho mọi người ngồi quanh lò bánh căn ấm áp than hồng.
Đó là chiếc lò bằng đất nung hình tròn có mười hay mười hai cái khuôn tròn vành vạnh xinh xắn với chừng ấy cái vung núm mũm mĩm dễ cầm nắm. Bột gạo xay nhuyễn pha loãng vừa phải, khi xay cho thêm một chén cơm nguội vào để chiếc bánh tơi xốp có tàn ong. Ngày xưa, các mẹ dùng cái gáo dừa bé con múc bột vừa đủ cho mỗi khuôn bánh, nay thường dùng cái vá nhôm hay cái bình trà để bột chảy dễ dàng qua chiếc vòi mà không vương vãi.
Lò than hừng. Khuôn đất nóng hút nước làm chiếc bánh mau chín giòn, vàng rộm vỏ ngoài mà trong lòng bột chín đều không vón cục. Nước chấm bánh căn phong phú nhiều loại tùy ẩm thực vùng miền, tùy sở thích mỗi người. Nếu ở Phan Thiết người ta thường dùng bánh căn với nước mắm chanh ớt pha loãng hay nước cá kho nhạt, ăn cùng trứng vịt luộc hay xíu mại, da heo cho thêm đậm đà, thêm chút xoài sống cắt sợi chua chua; thì ở Phan Rang có thêm nước mắm cá xay cho mặn mòi, hay soong cá kho có những quả dưa hồng nhỏ bồng bềnh. Bánh căn Phan Rang không chỉ đổ cùng trứng vịt đánh tan trong bột mà còn có nhân là khoanh mực tươi, con tôm đỏ au hay thịt heo bằm nhuyễn.
Nhiều khách TP.HCM hay Tây nguyên đến Phan Thiết rất thích ăn cá biển, món bánh căn với cá kho hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu này. Một đĩa vài con cá nục hay cá bạc má kho với chục cái bánh căn giòn rụm trong một chiều mưa rây lạnh đủ để nhớ về một miền biển từng bước chân qua. Hay một đĩa bánh căn có nhân tôm, mực cũng là một sự thỏa mãn cho những thực khách ngại dầu mỡ. Bánh căn là món ăn dân dã quê mùa nhưng đậm đà hương vị trong lòng những ai đã từng dùng nó. Với người dân biển ăn khỏe quê tôi, bao giờ ăn bánh căn họ cũng lấy nhiều nước mắm hay nước cá, để khi trong bát hết bánh căn, họ cho cơm nguội vào ăn thêm. Hình như chút mỡ hành vương vất trong bát sẽ làm cho những hạt cơm trắng ngon miệng hơn.
QUỲNH LIÊN