Theo dõi trên

Mưu sinh nhờ măng rừng

25/08/2022, 09:41

Ngoài mật ong, nấm, các loại trái... thì măng rừng Tánh Linh được coi là một trong những sản vật phong phú mà thiên nhiên núi rừng ban tặng. Với đặc điểm là huyện miền núi với bao la các cánh rừng, có nhiều loại họ tre cho măng như: lồ ô, le, lan anh…

Vào mùa mưa, thường từ tháng 7 - 10 cũng là mùa măng mọc nhiều nhất. Đây cũng là thời điểm người dân trong huyện mà nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số xã La Ngâu bước vào mùa hái măng rừng. Đối với bà con nơi đây, măng không chỉ là lương thực dự trữ lâu nay của bà con mà còn là sản phẩm mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình vào mùa mưa.

chuan-bi-vao-rung-hai-mang.jpg

Trời vừa hừng sáng, sau bữa cơm sáng đủ no, tại trung tâm xã La Ngâu, nhóm khoảng 6-8 người, trong đó có nhiều người là cặp vợ chồng, trên những chiếc xe máy mang theo dụng cụ chuyên dùng như liềm, bao, gùi và một phần cơm trưa, xuất phát trên quốc lộ 55 hướng về vùng núi cao của xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc, bắt đầu một ngày mưu sinh bằng nghề hái măng rừng. Từ trung tâm xã đến nơi hái măng khoảng 15 km. Khu vực này họ gọi là Đan Quách, thuộc xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc, là làng cũ của bà con sinh sống và chiến đấu trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Từ đây họ rẽ vào một con đường đất dẫn vào rừng và chia nhau ra đi tìm măng.

mang-rung.jpg

Ông B’Đức Rem, ở bản 1 - xã La Ngâu là người có thâm niên hàng chục năm hành nghề hái măng rừng cho biết: Công việc hái măng cũng không đơn giản. Vì măng mọc giữa các cây tre lồ ô to lớn, do đó người dân gặp khá nhiều vất vả mới hái được măng. Còn đối với những bụi tre gai thì bị tai nạn do những gai tre đâm phải khi hái măng là không phải ít. Rồi có khi bị trượt chân, té ngã trong lúc đi rừng hái măng vẫn xảy ra. Những bụi cây rậm rạp sau những đợt mưa cũng là nơi “trú ngụ” lý tưởng của nhiều loại côn trùng như muỗi, rắn, rết, vắt... nên bà con phải rất thận trọng. Để hái được một mụt măng cũng đòi hỏi phải có kỹ thuật, đôi mắt phải sáng, linh hoạt mới phát hiện ra măng. Công việc đòi hỏi sự cần cù, chịu khó và cả đôi bàn tay khéo léo để hái được măng hay bóc tách các lớp lá áo. Hôm nào trời mưa to, mưa lâu thì ướt sũng cả ngày, lạnh tê tái nhưng lượng măng hái được lại ít. Năm nay lượng mưa ít hơn các năm trước nên măng ra muộn, tầm cuối tháng 6 âm lịch mới bắt đầu có.

Từ đầu mùa đến nay có rất nhiều người đi hái măng nên phải đi sớm và vào sâu trong rừng thì mới có măng để hái. Thường tầm 3-4 giờ chiều là thời điểm người dân tập kết măng ra khỏi rừng để trở về nhà. Bình quân mỗi ngày 2 vợ chồng ông Rem hái được từ 70 - 100 kg măng. Măng hái về chủ yếu bán tươi cho thương lái. Ở thời điểm này giá măng lồ ô khoảng 7.000 đồng/kg, măng lan anh giá cao khoảng 10.000 đồng/kg, còn măng le khoảng 8.000 đồng/kg… Với giá cả như hiện nay cũng mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập kha khá mỗi ngày.

Dọc theo quốc lộ 55 thuộc xã La Dạ, chúng tôi cũng nhận thấy nhiều người Kinh ở xã Đồng Kho, Huy Khiêm cũng về đây hái măng rừng. Bà Nguyễn Thị Hằng, ở xã Đồng Kho cho biết: Do gia đình có ít đất sản xuất lại không có nghề nghiệp ổn định nên tôi thường đi làm thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Vào mùa mưa bà thường đi hái măng kiếm sống. Năm nay sức khỏe yếu nên tôi chủ yếu men theo quốc lộ 55 để hái măng, mỗi ngày cũng hái được từ 20 – 30 kg măng. Tôi không bán măng tươi mà luộc chín rồi mới bán, vì bán chín giá từ 15.000 – 20.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với bán tươi. Mình chịu khó thì kiếm thêm được vài chục ngàn đồng.

Măng có mặt ở hầu khắp các cánh rừng của Tánh Linh khi mùa mưa đến. Ở đâu có bóng dáng họ cây nhà tre thì ở đấy có những búp măng đang đua nhau nhú lên. Mặc dù năm nào cũng nhiều người hái măng nhưng măng vẫn rất nhiều. Bởi vì sức sống của cây tre rất mạnh mẽ, dẻo dai, tre già thì măng mọc.

Hiện nay, khoa học kỹ thuật có nhiều tiến bộ, con người đã lai tạo ra nhiều giống măng cho thu hoạch quanh năm, nhưng những búp măng rừng vẫn có sức hấp dẫn riêng mỗi khi mùa mưa về. Và đó cũng là món ăn dân dã không thể thiếu của mỗi người dân vào mỗi dịp tết đến xuân về. Cũng nhờ thế mà bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây lại có những ngày hái măng vất vả, nhưng bù lại họ và gia đình có được những bữa cơm đầy đủ, cuộc sống ấm no hơn.

NGỌC KHÁNH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tiền cấp quyền, trúng đấu giá khai thác khoáng sản gần 50 tỷ đồng
Nguồn tin Sở Tài nguyên & Môi trường cho hay, tổng số tiền cấp quyền và trúng đấu giá khai thác khoáng sản trong tỉnh đầu năm đến nay được sở thẩm định gần 50 tỷ đồng.
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mưu sinh nhờ măng rừng