Tính tới thời điểm hiện tại, ngoài 3 nghi phạm bị tiêu diệt, đã có 21/28 người liên quan đến vụ ám sát Tổng thống Haiti đã bị bắt giữ; trong đó bao gồm một nghi phạm được coi là chủ mưu vụ ám sát, có tên là Christian Emmanuel Sanon, người đàn ông Haiti 63 tuổi, làm việc trên danh nghĩa bác sĩ sống tại bang Florida (Mỹ).
Ảnh: Reuters
Trên trang Twitter của người này, từng có dòng tweet kêu gọi một “chính phủ chuyển tiếp” tại Haiti, song đã bị xóa sau đó. Theo cảnh sát trưởng Haiti Leon Charles, Emmanuel Sanon và một số người khác liên quan đến vụ ám sát Tổng thống, đã bay đến Haiti trên một máy bay tư nhân vào đầu tháng 6 vì “mục tiêu chính trị”.
Ngoài Emmanuel Sanon, 2 kẻ tình nghi khác cũng được xem là chủ mưu vụ ám sát đến nay vẫn chưa được bắt giữ.
Theo đề nghị của chính quyền lâm thời Haiti, phái đoàn quan chức Mỹ, gồm đại diện Bộ Tư pháp, Bộ An ninh Nội địa, Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia ngày 12/7 đã đến Haiti để hỗ trợ điều tra. Phái đoàn đã gặp cơ quan cảnh sát Haiti – đơn vị đang tiến hành cuộc điều tra vụ ám sát, đồng thời xem xét hệ thống hạ tầng an ninh của Haiti.
Phái đoàn cũng gặp các nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu của Haiti, bao gồm Thủ tướng lâm thời Claude Joseph, Chủ tịch Thượng viện Joseph Lambert và Thủ tướng được Tổng thống bổ nhiệm song chưa tuyên thệ - ông Ariel Henry; kêu gọi Bộ ba “đang tranh giành quyền lực” thống nhất các bước đi chính trị trong thời gian tới.
Từ Washington, cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 12/7 cũng lên tiếng kêu gọi giới lãnh đạo Haiti đoàn kết, có một tầm nhìn toàn diện và an toàn hơn; hướng tới việc tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống trong năm nay.
“Chúng tôi đang theo dõi sát những diễn biến ở Haiti sau vụ ám sát tổng thống kinh hoàng vừa diễn ra. Người dân Haiti xứng đáng nhận được hòa bình và an ninh. Giới lãnh đạo Haiti cần xích lại gần nhau vì lợi ích của đất nước”, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết.
Còn theo Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki và người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby, hiện Mỹ cũng đang xem xét yêu cầu gửi quân đội tới Haiti của Thủ tướng lâm thời Claude Joseph, để giúp đảm bảo cơ sở hạ tầng quan trọng cũng như hỗ trợ công tác tổ chức các cuộc bầu cử vào ngày 26/9 tới.
Lời đề nghị Mỹ và Liên Hợp Quốc gửi quân tới Haiti được chính quyền của Thủ tướng lâm thời Claude Joseph đưa ra trong bối cảnh vụ ám sát Tổng thống lộ rõ những lỗ hỏng an ninh; thêm vào đó nhiều người dân Haiti và một bộ phận chính trị gia nước này phản đối ông nắm quyền, dự định tổ chức các cuộc biểu tình phản đối trong tuần này. Tình trạng hỗn loạn chính trị cũng như bạo lực gia tăng giữa các băng đảng đang làm cho xã hội Haiti chia rẽ, đời sống người dân thêm phần khó khăn hơn.
Đình Nam/VOV