Theo dõi trên

Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, vùng Vịnh đã rối càng thêm rối

05/06/2018, 14:07

Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh ngày càng khó có khả năng tìm ra lối thoát.

Vào thời điểm Mỹ hy vọng sẽ có thể gây áp ra lực tối đa với Iran thì khối liên minh khu vực vốn được Washington xây dựng ở vùng Vịnh Arab để chống lại Tehran lại đang ngày càng bị chia rẽ sâu sắc, đúng thời điểm đánh dấu 1 năm xảy ra khủng hoảng ngoại giao Qatar.

                
      
      Khủng hoảng ngoại    giao vùng Vịnh vẫn chưa có lối thoát sau 1 năm bùng phát. Ảnh minh    họa: Visitqatar.qa.

Sự thiếu hợp tác của 6 thành viên trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã dẫn tới việc Mỹ hạn chế một số hoạt động diễn tập quân sự với nhóm này và cử Ngoại trưởng Mike Pompeo đến khu vực để thúc giục các đồng minh chấm dứt việc tẩy chay Qatar – một quốc gia có diện tích nhỏ nhưng lại có trữ lượng khí đốt rất lớn.

Sau 1 năm, khủng hoảng Qatar vẫn bế tắc

Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Cách đây đúng một năm, vào ngày 5/6/2018, Bahrain, Saudi Arabia, UAE cùng Ai Cập tuyên bố cắt đứt quan hệ với Qatar vì cáo buộc nước này có mối quan hệ chặt chẽ với Iran và ủng hộ các nhóm cực đoan trong khu vực.

Song song với  việc cắt đứt quan hệ ngoại giao, các nước nói trên cũng tung đòn tẩy chay kinh tế, ngăn chặn các chuyến bay của Qatar Airways qua không phận của họ, đóng cửa cửa khẩu biên giới trên đất liền duy nhất giữa Qatar và Saudi Arabia, không cho các tàu biển của Qatar sử dụng các cảng biển…

Trong bối cảnh bị các nước trong khu vực cô lập, Qatar đã khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Iran. Và cũng giống như trường hợp của Iran sau khi Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Tehran, Qatar dường như không có hứng thú trong việc đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào. Nước này đã từ chối các yêu cầu được Bahrain, Saudi Arabia, UAE đưa ra, coi đây như là mối đe dọa với chủ quyền của họ.

GCC từ lâu đã được coi là đối trọng khu vực của Iran và đối tác rất quan trọng của Quân đội Mỹ. Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ đặt ở Bahrain, Mỹ cũng có trung tâm lục quân ở Kuwait. Các căn cứ quân sự của UAE có sự hiện diện máy bay chiến đấu Mỹ, thiết bị bay không người lái và cả các binh sĩ trong khi Dubai có cảng Jebel Ali – một trong những cảng biển “bận rộn” bậc nhất của Hải quân Mỹ ở nước ngoài. Ở phía bên kia “chiến tuyến”, Qatar là nơi Mỹ đặt căn cứ al-Udeid - căn cứ không quân lớn nhất Trung Đông. 

Không có quân Mỹ đồn trú nhưng Oman – một thành viên khác trong GCC cho phép lực lượng Mỹ tiếp cận các căn cứ của nước này và đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối những nỗ lực ngoại giao giữa Mỹ và phương Tây với Iran.

Thành viên cuối cùng trong GCC là Saudi Arabia cũng dựa nhiều vào sự hỗ trợ quân sự của Mỹ cho cuộc chiến đang diễn ra tại Yemen để chống lại lực lượng nổi dậy người Shiite ở đây.

Khủng hoảng ngoại giao Qatar đã chứng kiến sự tái sắp xếp công khai trong GCC.

Saudi Arabia và nước láng giềng UAE đã thực hiện chính sách đối ngoại ngày càng tân tiến, như đã thấy trong hoạt động can thiệp quân sự của họ ở Yemen.  Mối quan hệ giữa Hoàng Thái tử Abu Dhabi Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan và Hoàng Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman ngày càng khăng khít hơn. Bahrain có thời gian dài phụ thuộc vào nguồn tiền từ Saudi Arabia để hỗ trợ nền kinh tế gặp khó khăn và luôn kiên định ủng hộ Saudi Arabia và UAE.

Trong khi phe của Saudi Arabia, UAE và Bahrain thể hiện rõ quan điểm “đấu” với Qatar đến cùng thì Kuwait chủ trương hòa giải hiềm khích giữa hai bên. Kuwait đã tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh GCC vào tháng 12/2017 với hy vọng các bên có thể vượt qua sự chia rẽ, trở lại thành một khối thống nhất. Tuy vậy, kết quả mà hội nghị này đem lại chỉ là việc UAE và Saudi Arabia tuyên bố hình thành liên minh riêng chặt chẽ hơn.

Qatar xích lại gần Iran, tình hình vùng Vịnh thêm rối?

Trong bối cảnh khu vực có nhiều diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, Oman dưới sự lãnh đạo của Quốc vương H.M Sultan Qaboos Bin Said, 77 tuổi đã tìm cách duy trì bản sắc ngoại giao riêng, khác với phần còn lại trong GCC. Kể từ khi khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh nổ ra và Qatar bị UAE phong tỏa tuyến vận chuyển đường biển qua nước này, các cảng biển của Oman đã trở thành phương tiện quan trọng đối với Qatar.

Cả Kuwait và Oman đều cảm thấy áp lực từ cuộc chiến ngoại giao trong khu vực. Hai nước này vẫn chưa sẵn sàng cho sự thay đổi thế hệ lãnh đạo sắp tới. Đối với trường hợp của Oman, vẫn chưa rõ người kế nhiệm Quốc vương H.M Sultan Qaboos Bin Said; trong khi đó, tranh chấp nội bộ trong các nhánh của Hoàng tộc cầm quyền ở Kuwait vẫn có khả năng xảy ra.

Chỉ có một điều chắc chắn là cả hai nước này đã và đang tiếp tục là mục tiêu chỉ trích của các phương tiện truyền thông Saudi Arabia và UAE. Tuy vậy, vẫn cần phải lưu ý một điểm là việc chỉ trích các gia tộc cầm quyền là điều vô cùng hiếm hoi ở các quốc gia thuộc vùng Vịnh Arab, ngay cả trong thời điểm xảy ra cuộc chiến tranh chấp lãnh thổ ở khu vực này hồi những năm 1990.

Trên thực tế, đã có mối đe dọa về hành động quân sự trong những ngày đầu xảy ra cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar.

Các quốc gia vùng Vịnh Arab dựa vào sức mạnh quân sự của Mỹ như một chỗ dựa an toàn sau cam kết của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter năm 1980 sử dụng vũ lực để bảo về quyền lợi của nước Mỹ ở vịnh Ba Tư. Hậu quả cuộc Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 đã củng cố điều đó cũng như sự phụ thuộc của Mỹ vào các căn cứ ở vùng Vịnh để phát động cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq.

Hiện vẫn chưa rõ Mỹ lựa chọn phương án nào trong cuộc đối đầu giữa các nước vùng Vịnh, dù khả năng xảy ra đối đầu không cao.

Bản thân các quốc gia vùng Vịnh cũng ngày càng cảnh giác hơn với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ban đầu, ông Trump đứng về phía Bahrain, Saudi Arabia, UAE tẩy chay Qatar nhưng sau đó lại thay đổi thái độ.

Trong lúc đường hướng của Mỹ không rõ ràng thì hiện tại, cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh đã thúc đẩy quan hệ giữa Qatar và Iran xích lại gần nhau. Cộng hòa Hồi giáo Iran đã ngay lập tức mở cửa không phận cho Qatar Airways sau khi phe công kích Qatar trong GCC phong tỏa giao thương đường không với nước này. Đổi lại, Qatar cũng khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ với Iran. Tất cả những diễn biến này biến tình hình ở vùng Vịnh thành một “mớ bòng bong” khó có thể tìm ra lối thoát.

Hùng Cường/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, vùng Vịnh đã rối càng thêm rối