Theo dõi trên

Nam đoàn viên 9X với mô hình nuôi thỏ

27/03/2022, 06:07

Với tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong thời đại mới, nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thị xã La Gi đã mạnh dạn đầu tư nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi, từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Điển hình trong số đó là anh Trần Vĩnh Trinh với mô hình nuôi thỏ ở thôn Cam Bình, xã Tân Phước, thị xã La Gi.

Đoàn viên Trần Vĩnh Trinh – Thôn Cam Bình, xã Tân Phước, thị xã La Gi

Không chỉ là một đoàn viên gương mẫu luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong công tác Đoàn ở địa phương,  anh Trần Vĩnh Trinh còn cần cù chịu khó, khắc phục mọi khó khăn để vươn lên trong cuộc sống, khẳng định sức trẻ của thanh niên thời đại mới. Đoàn viên Trần Vĩnh Trinhsinh năm 1996 trong một gia đình thuần nông ở xã Tân Phước. Từ nhỏ, ngoài giờ đi học, Trinh thường phụ giúp cha mẹ công việc đồng áng cũng như nhiều công việc khác trong gia đình. Lớn lên, sau khi tốt nghiệp THPT, Trinh học nghề Cơ khí và có công việc với mức thu nhập ổn định tại TPHCM. Tuy nhiên, với mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, Trinh trở về quê khởi nghiệp với mô hình nuôi thỏ bắt đầu từ tháng 2/2021. Được biết, vốn khởi điểm mà anh Trinh bỏ ra để bắt đầu với mô hình chăn nuôi này là chỉ với 5 triệu đồng để mua 4 con thỏ giống và trang bị 4 lồng nuôi. Với sự chăm chỉ, cần cù và chịu khó, đến nay anh Trinh đã sở hữu 300 con thỏ giống lớn nhỏ khác nhau ( bao gồm thỏ lai rừng và thỏ lai Newzealand) với hơn 60 chuồng nuôi.

Theo như Trinh chia sẻ: “ Đầu ra của giống thỏ lai rừng và lai Newzealand này khá ổn định, mặt khác thỏ là loại gia súc dễ nuôi, thịt thỏ còn là món ăn giàu đạm, bổ dưỡng, tận dụng nguồn thức ăn có sẵn là rau cỏ tại chỗ, chi phí đầu tư thấp, cách chăm sóc đơn giản, ít bệnh tật, tăng trọng nhanh lại có đầu ra thuận tiện. Hàng tháng, từ mô hình kinh tế này mang lại lợi nhuận cho chàng trai trẻ tuổi này từ 12 đến 15 triệu đồng (sau khi trừ mọi chi phí). Tuy nhiên để có thành quả đó, thì không hề dễ dàng đối với chàng thanh niên thế hệ 9X. Vì vốn dĩ với việc chăm thỏ đòi hỏi người nuôi phải chịu khó vì thời gian trung bình để chăm thỏ mỗi ngày phải mất 12 tiếng đồng hồ, đặc biệt để thỏ sinh trưởng và phát triển tốt, người nuôi phải chịu khó thức đêm từ 10h đêm cho tới 2 giờ sáng để cho thỏ ăn.

Với diện tích chuồng nuôi khoảng90 m2 được thiết kế với mái che cao, hai bên sử dụng bạt di động để che mưa và rét đảm bảo thoáng mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông. Với hệ thống chuồng trại và thức ăn đảm bảo hợp vệ sinh cộng với việc áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên đàn thỏ của anh Trinh phát triển khá tốt. Để tiết kiệm chi phí anh còn tận dụng khoảng đất trống của gia đình để trồng 2 sào cỏ, và biến nó là thức ăn chủ yếu cho đàn thỏ mà Trinh nuôi. Được biết ngoài cỏ, Trinh còn cho thỏ ăn thêm cám bắp, cám gạo…

Mặc dù, việc làm kinh tế gia đình đã “ngốn” đi rất nhiều thời gian của bản thân, nhưng với tinh thần hăng hái, xung phong của tuổi trẻ, Trinh luôn tích cực trong các hoạt động, nhiệt tình trong công tác thiện nguyện do xã Đoàn Tân Phước phát động.

Anh Nguyễn Phước Hải – Bí thư xã đoàn Tân Phước chia sẻ: “Đồng chí Trinh là một đoàn viên năng động, nhiệt huyết, anh rất nhiệt tình tham gia các hoạt động do xã đoàn phát động cũng như tham gia tốt các phong trào của địa phương. Trong thời gian tới, xã đoàn Tân Phước sẽ tham mưu giới thiệu cho chi bộ để đồng chí Trinh được đứng vào hàng ngũ Đảng viên Đảng CSVN.”

Được biết, ngoài bán thỏ giống với mức giá khoảng 140 ngàn đồng/ký, thỏ thương phẩm với mức giá từ 110 ngàn đến 170 ngàn đồng/ký. Trinh còn bán thỏ đã chế biến thành các món ăn như: hấp, nướng, lẩu…khi khách hàng có nhu cầu. Mặc dù vẫn còn rất nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng với ý chí và nghị lực của tuổi trẻ, sự ham học hỏi và chí thú làm ăn, đoàn viên Trần Vĩnh Trinh dần khẳng định bản thân và từng bước vươn lên trong cuộc sống. Chia sẻ với chúng tôi, anh Trinh hi vọng rằng thông qua mô hình nuôi thỏ lai rừng và thỏ lai Newzealand của anh sẽ là một trong những gợi ý để các bạn thanh niên trẻ chưa có định hướng cho công việc của tương lai, hoặc chưa có việc làm ổn định có thể áp dụng thực hiện. Anh sẽ sẵn sàng chia sẻ cách thức, quy trình chăm sóc cũng như những bí quyết nuôi thỏ mà bản thân đã áp dụng từ thực tiễn trong hơn 1 năm qua để tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ La Gi muốn học hỏi về mô hình này để vươn lên trong lập thân, lập nghiệp… góp phần xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.

Với tinh thần đầy trách nhiệm của một thanh niên năng động, sáng tạo, chịu khó làm kinh tế. Có thể nói đoàn viên Trần Vĩnh Trinh là tấm gương tiêu biểu  “giỏi trong sản xuất, chăn nuôi; tích cực trong công tác Đoàn” đáng để thế hệ trẻ học tập và noi theo.

RẠNG ĐÔNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa
BTO - Hội Nông dân tỉnh và Bưu Điện tỉnh Bình Thuận vừa tổ chức hội nghị ký kết kế hoạch phối hợp hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hoá năm 2022.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nam đoàn viên 9X với mô hình nuôi thỏ