Theo dõi trên

Nam Hà và bài thơ nổi tiếng viết tại Tuy Tịnh

29/03/2019, 14:01

 BT- “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi”, một bài thơ đã đi vào văn học sử. Được khá nhiều người yêu thích, nhưng không mấy người biết: bài thơ được viết tại Tuy Tịnh, nay là xã Phong Phú, cách thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong 5 km về phía Bắc.

                
Chân dung đại tá, nhà văn Nam Hà.

 Trả lời phỏng vấn của Báo Sài Gòn thứ bảy, 7/12/2002, cố nhà văn Nam Hà cho biết: Đầu năm 1964, ông Tổng cục Chính trị cử vào chiến trường khu 6. Trên đường hành quân từ Bắc vào Nam mấy tháng liền, nhà văn luôn tin rằng, chiến tranh có khốc liệt đến đâu cũng có lúc kết thúc. Ông muốn khái quát hình ảnh đất nước, cùng lịch sử, văn hóa trong một bài thơ để truyền thêm sức mạnh, tinh thần chiến đấu cho các đồng chí của mình. Tên bài thơ, ý bài thơ, từng đoạn thơ theo đó hình thành. Cơ quan Quân khu 6 hồi đó đóng trong một khu rừng  ở Phước Long (nay là Bình Phước). Năm 1966, cơ quan chuyển ra Bình Thuận. Tại căn cứ mới, thỉnh thoảng nhà văn mang bài thơ ra sửa vì chưa thật ưng ý, cũng như cảm thấy bài thơ chưa thật “thoát”.

Cũng trong năm 1966,  theo Nam Hà kể: Ông đi phối thuộc với Tiểu đoàn 840 ra Bắc Bình (chúng tôi cho rằng có sự nhầm lẫn vì từ tháng 7/1961, cơ quan quân sự tỉnh Bình Thuận mang phiên hiệu mới là 400. Theo đó, lực lượng vũ trang các huyện mang các phiên hiệu: Di Linh 410, Tánh Linh 420, Hàm Thuận 430, Hòa Đa 440, Thuận Phong 450, Thuận Tân 460, Hàm Tân 470, Phan Thiết 480, Tuy Phong 490. Vì vậy, có thể nhà văn đi cùng với tiểu đoàn Hòa Đa 440- tác giả). Đại đội 3 của tiểu đoàn này có nhiệm vụ phá ấp chiến lược Tuy Tịnh, cũng như đào hầm chuẩn bị đánh địch phản kích. Trong cuộc chiến đấu sau đó, đại đội 3 diệt gọn 1 trung đội Bảo An, 1 đại đội lính tiếp viện và 1 đại đội lính Mỹ. Đại đội 3 hy sinh 7 người, bị thương 17 người. Điều bất ngờ đối với nhà văn, sau trận chiến, quần áo tả tơi;  một số chiến sĩ máu vết thương bầm khô trên mặt, nhưng vẫn cười nói, mắt ánh lên niềm kiêu hãnh… Bắt gặp những hình ảnh ấy, nhà văn xúc động. Ba lô làm bàn, ngồi dưới một gốc cây, nhà văn viết ngay bài thơ “Trận địa chúng ta” tặng các chiến sĩ đại đội 3. Sau bài thơ, cảm xúc vẫn dâng trào, nhà văn lại mang bài “Chúng con chiến đấu”… ra đọc lại. Lần này, ý thơ cuồn cuộn chảy, nhà văn viết một mạch, không cần sửa nhiều. Một tháng sau, trên đường hành quân vào phía Nam Bình Thuận, lúc ngồi nghỉ trên đèo Gió Lạnh, mở Radio nghe chương trình tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam, ông quá đỗi vui sướng vì bài thơ  đang được nghệ sĩ Linh Nhâm, trình bày. Bài thơ sau đó được phổ biến rộng rãi, được nhiều anh bộ đội, người yêu thơ chép vào sổ tay.

Nhà văn Nam Hà tên thật là Nguyễn Anh Công (SN 1935), tại Đô Lương, Nghệ An. Ông có một tuổi thơ bất hạnh vì cha mất sớm. Ngay lúc còn nhỏ đã tập viết truyện ngắn, cũng như sau này thử sức qua nhiều thể loại: Bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện vừa, thơ… Ông gắn bó với chiến trường khu 6 nhiều năm. Là tác giả của truyện ngắn: Mùa Xuân, Đất, Chị tham mưu trưởng; truyện vừa: Mùa rẫy; tiểu thuyết: Đất miền Đông... Ông đã được trao các giải thưởng văn học của Hội Nhà văn năm 1996; Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng năm 1994 và năm 2004; Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

 Sau mùa xuân đại thắng 1975, nhà văn Nam Hà nhiều lần về Thuận Hải thăm lại đồng đội, thăm chiến trường khu 6 một thời gắn bó với trang viết thấm đẫm tình yêu đất nước của ông. Nhà văn tiếp tục xuất bản các tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng trên vùng đất Bình Thuận như: “Trận Xuân Phong” (1992); “Dưới những cánh rừng ô rô” (1995)… Ông nhiều lần đến thăm chia sẻ kinh nghiệm làm báo, viết văn với một số anh em phóng viên Báo Thuận Hải (nay là Báo Bình Thuận) tại nhà tập thể ở số 6 Hoàng Văn Thụ, Phan Thiết. Nhà văn đọc cho chúng tôi nghe “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi”!, một bài thơ không chỉ đi cùng năm tháng,  còn là dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời cầm bút của nhà văn - chiến sĩ Nam Hà.

 Hà Thanh Tú



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nam Hà và bài thơ nổi tiếng viết tại Tuy Tịnh