Theo dõi trên

Nan giải xử lý rác thải nông nghiệp nguy hại. Bài 2

05/03/2024, 05:44

Bài 2: Loay hoay tìm hướng xử lý

Thu gom là một chuyện, nhưng xử lý nó như thế nào cho đúng quy định mới là điều quan trọng. Chính vì vậy, nhiều địa phương đang loay hoay tìm hướng xử lý.

Mong xử lý bài bản, kịp thời

Cùng với vừa đẩy mạnh tuyên truyền vừa nhân rộng mô hình “Bể thu gom rác thải trong sản xuất nông nghiệp” của Hội Nông dân tỉnh, nông dân Bình Thuận đang ngày càng ý thức tác hại của rác nguy hại gồm vỏ chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật, bóng đèn chong cho cây thanh long. Nhiều người trong số họ đã thu gom bỏ gọn chúng vào trong bể thu gom hoặc các điểm cho phép… “Trước đây, gia đình tôi thường bỏ rác nguy hại vào bao bị mang ra đường cho xe chở rác lấy đi. Chỉ khi nào xe rác không lấy, tôi mới mang đến khu đất trống trong rừng, ven suối bỏ. Vì nếu không bỏ ở đó, chúng tôi biết bỏ ở đâu, nhưng nay có bể thu gom thì chúng tôi bỏ vào bể”, ông Nguyễn Văn Phông ở xã Hàm Mỹ, canh tác hơn 1 ha thanh long ở xã Hàm Cường cho biết.

20240221_081336.jpg
Chưa có một tổ chức nào đứng ra thu gom rác thải độc hại, nên thường bỏ lẫn trong rác thải sinh hoạt
cho xe chở đến bãi rác đổ.

Những gì ông Phông nói có phần tương đồng với ý kiến của cử tri xã Hàm Hiệp, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc khi họ cũng không biết bỏ rác nguy hại này ở đâu nếu không có bể hoặc lò đốt rác. “Cho nên thời gian qua có nhiều nông dân mang rác này ra sông, suối, ven đường đổ như báo chí phản ánh là điều dễ hiểu”, ông Phông nói thêm.

Ông Phông cũng như nhiều nông dân ở các xã, thị trấn khác mong ngành chức năng quan tâm xử lý loại rác này một cách kịp thời, đúng quy định tránh gây ô nhiễm, mất mỹ quan môi trường.

img_3058.jpg
Nhiều địa phương xây lò và bể thu gom rác trong vùng sản xuất, nhưng chưa biết xử lý loại rác này như thế nào cho hợp lý để không gây sát thương, ô nhiễm nguồn nước, nguồn đất.

Tìm giải pháp

Mong muốn của người dân là chính đáng khi cho đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có một đơn vị nào đứng ra thu gom rác nguy hại, xử lý đạt chuẩn theo quy định Luật Tài nguyên và Môi trường. Bà Trần Thị Mỹ Lệ - Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Hàm Thuận Bắc chia sẻ: Với loại rác thải hữu cơ thì dễ xử lý, còn rác thải nguy hại rất khó. Hiện chỉ còn cách kêu gọi bên bán bóng đèn, thuốc bảo vệ thực vật thu nhận lại rác thải này. Trong thời gian tìm giải pháp, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền người dân bỏ rác đúng nơi quy định.

Thực trạng này không riêng Hàm Thuận Bắc mà còn cả các ngành, địa phương khác đang loay hoay bám sát tinh thần Công văn số 629 của UBND tỉnh giải quyết và xử lý loại rác thải nguy hại này. “UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn. Hàng năm, cân đối ngân sách của địa phương hỗ trợ cho việc quản lý chất thải rắn, đảm bảo phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn phát sinh trên địa bàn đúng quy định”, Công văn số 629 nêu rõ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc lồng ghép nội dung công văn vào các hoạt động của ngành để nông dân biết nâng cao nhận thức. Theo đó, Hội Nông dân xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam đã xử lý loại rác này bằng cách thực hiện mô hình “Bể thu gom rác thải trong sản xuất nông nghiệp” của Hội Nông dân tỉnh. Rác thải nguy hại trong bể sẽ được Công ty TNHH&MT Hậu Sanh ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định đưa đi xử lý theo hợp đồng ký kết với UBND xã. Ông Đỗ Hữu Trí – Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Cường cho biết, kinh phí trả cho công ty này từ nguồn ngân sách chi thường xuyên sau khi xin ý kiến UBND huyện. Cứ 6 tháng một lần, công ty lại cho xe về xã thu gom mang đi xử lý. Nhờ đó, môi trường địa bàn xã đảm bảo, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2023.

Đây cũng là một cách làm hay của Hàm Cường, để rác nguy hại không còn xả thải ra môi trường ảnh hưởng sức khỏe của con người. Ngoài ra tạo được mỹ quan xanh, sạch, đẹp, phát triển sản xuất bền vững trên địa bàn khu vực nông thôn. Qua đây các địa phương khác có thể liên hệ xem xét áp dụng để việc xử lý rác thải nguy hại không còn là vấn đề nan giải.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Ngô Minh Thành đề nghị, thời gian tới, các địa phương bố trí thêm các bể chứa bao, gói, vỏ chai, lọ thuốc BVTV, bể chứa bóng đèn chong cho cây thanh long bị hư hỏng (bể chứa rác thải nguy hại). Ký hợp đồng với đơn vị có chức năng, năng lực phù hợp để thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, các sở, ngành có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thu gom loại rác này bỏ vào các bể, không tự ý đốt, chôn, xả thải ra sông, suối, ao hồ, ven đường…gây ô nhiễm môi trường và nguy hiểm cho người khi giẫm đạp trúng. Xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định 45/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; lồng ghép nội dung yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình đánh giá và cấp Giấy chứng nhận VietGAP.

Phó Giám đốc sở cũng thông tin, quy định của Luật Bảo vệ môi trường, từ ngày 1/1/2025, các tổ chức cá nhân sản xuất, nhập khẩu bóng đèn compact, bóng đèn huỳnh quang phải thực hiện trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ, quy cách bắt buộc. Đến thời điểm đó, chính quyền địa phương hướng dẫn người dân thu gom, vận chuyển đến điểm thu hồi của nhà sản xuất để thực hiện tái chế theo quy định.

Bài 1: Nguy hại sức khỏe con người

NINH CHINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tái diễn rác thải bóng đèn chong thanh long
Nhiều loại bóng điện được nhà vườn thanh long đổ đống ven đường dân sinh, nếu không xử lý đúng nơi quy định sẽ nguy hại đến sức khỏe.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nan giải xử lý rác thải nông nghiệp nguy hại. Bài 2