Theo dõi trên

Nâng cao chất lượng hoạt động của các loại hình kinh tế tập thể

11/11/2022, 05:55 - Lượt đọc: 264

Sáng 10/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sau khi biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Tại hội trường, đại biểu Phạm Thị Hồng Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tranh luận về thuật ngữ hợp tác xã. Theo đại biểu Yến, không được bỏ từ “xã” trong dự án luật. Mặt khác, các chủ thể được điều chỉnh của dự án luật phải tuân thủ các giá trị của hợp tác xã. “Từ “xã” không phải để thể hiện địa giới hành chính xã, huyện hay tỉnh mà chữ “xã” ở đây là từ Hán Việt thể hiện chữ “xã hội” và tương tự như từ “Thông tấn xã” trong thuật ngữ chúng ta đề cập chứ không chỉ đơn thuần là hợp tác và khái niệm để hiểu được hợp tác xã. Đây chính là mô hình kinh tế thực hiện các hoạt động hợp tác vì mục đích xã hội” - đại biểu Yến nhấn mạnh.

6368d043-d009-4b2a-a3f1-2b4a65c91331.jpeg
Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phát biểu tranh luận sáng 10/11.

Liên quan tới từ thuật ngữ hợp tác xã, đại biểu Yến cho rằng đây là một thuật ngữ được các quốc gia thể hiện một cách hết sức cụ thể trong pháp luật và bảo vệ tên gọi này. Ví dụ như tại Luật Hợp tác xã của Thái Lan có quy định tại Điều 7 cho rằng, không một tổ chức nào ngoài các hợp tác xã và liên minh hợp tác xã Thái Lan được sử dụng từ hợp tác xã như tên gọi hoặc một phần của tên gọi của tổ chức đó. Còn theo luật của Canada, mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển, trong luật có quy định rằng: Các tổ chức có tên gọi hợp tác xã trong vòng 6 tháng khi hoạt động sẽ bị kiểm tra, theo dõi, giám sát. Nếu hoạt động của tổ chức này không tuân thủ các nguyên tắc và giá trị của hợp tác xã thì cũng sẽ phải thay đổi tên gọi, không được dùng chữ hợp tác xã. Qua đó, có thể thấy rằng, các nước rất tôn trọng tên gọi hợp tác xã.

Theo đại biểu Yến: “Nếu như chúng ta muốn thay đổi các tổ chức kinh tế hợp tác thì đề nghị không được bỏ chữ “xã” trong chữ “hợp tác xã”. Bởi các chủ thể được điều chỉnh trong dự thảo luật đều tuân thủ các nguyên tắc và giá trị của hợp tác xã và không có sự khác biệt về bản chất trong các loại hình này”.

Trước đó, tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Phạm Thị Hồng Yến đã kiến nghị các quy định cần hướng đến đa dạng hóa các hình thức liên kết, hợp tác, chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các loại hình kinh tế tập thể theo cơ chế thị trường, bảo đảm tôn trọng bản chất, mục tiêu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hợp tác xã; từng bước sáp nhập các hợp tác xã để tăng quy mô, thành lập các liên hiệp hợp tác xã, tập đoàn kinh tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất, kinh doanh quy mô lớn gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia và địa phương…

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trân trọng cảm ơn, đánh giá cao những ý kiến góp ý tâm huyết, xác đáng, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến của cơ quan thẩm tra và ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại tổ, tại hội trường, bộ trưởng giải trình, làm rõ thêm một số nội dung. Về tên gọi của dự án luật, bộ trưởng cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ rà soát, nghiên cứu, phối hợp với Cơ quan thẩm tra tiếp thu về tên luật cho phù hợp, báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội…

T.HÀ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đoàn ĐBQH tỉnh: Thảo luận dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 24/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đồng thời tiến hành thảo luận tại hội trường. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nâng cao chất lượng hoạt động của các loại hình kinh tế tập thể