Một đời theo nghiệp võ
Lúc ấy là 7 giờ sáng 13/9/2017, trong sân Trường tiểu học Đức Nghĩa (TP. Phan Thiết) hơn 300 học sinh đang theo học một khóa võ cổ truyền đã xếp hàng thẳng tắp… Cùng lúc đó ở hành lang lớp học, một người trung niên, dáng đầm đậm vừa cầm miro nói, vừa làm mẫu cho học sinh làm theo: “Hai chân bước rộng bằng vai, hạ thấp trọng tâm người xuống, hai tay nắm lại để ngang hông thành thế trung bình tấn. Một, đấm thẳng tay trái ra phía trước; hai, thu tay trái về đồng thời đấm tay phải mạnh ra phía trước… Bắt đầu tập...”.
![]() |
Võ sư Nguyễn Hoàng Phước luôn dạy học trò bằng cả tấm lòng. |
Lúc ấy tôi không thể không chú ý đến người đàn ông dáng đậm thấp đó. Động tác thị phạm của ông đầy dứt khoát, cường lực cho dù đó là những đòn đơn giản của bài quyền nhập môn. Tôi quay sang hỏi võ sư Nguyễn Thanh Bình, người quen lâu nay: “Chú đó là ai vậy?”. Bình đáp: “Ba em, võ sư Nguyễn Hoàng Phước, Trưởng môn Võ đường Lam Sơn đời thứ 2. Không có ba hỗ trợ chắc em không đủ tự tin dạy miễn phí võ cổ truyền ở một số trường trong Phan Thiết mình. Nói đến truyền bá võ cổ truyền là ông đồng ý ngay”.
![]() |
47 năm qua, võ sư Phước âm thầm truyền bá võ cổ truyền. |
...Lời của võ sư Bình khiến tôi thoáng chút băn khoăn. Vì sao lại dạy miễn phí, cũng như phải truyền bá võ cổ truyền trong trường học? Có điều gì đó để cha con người bạn của tôi làm việc đó? Dường như Bình cũng đoán tôi đang suy nghĩ điều gì nên tiếp: “Hiện nay đi đâu cũng thấy các võ đường Taekwondo hay Karatedo… còn võ cổ truyền có phần lặng lẽ. Chính vì vậy, ba tôi nghĩ đến việc quảng bá võ trong các trường học của Bình Thuận”. Bình càng nói, tôi càng thấy cần tìm hiểu một số điều ở võ sư Nguyễn Hoàng Phước nên tôi bảo với Bình cho tôi gặp võ sư Nguyễn Hoàng Phước vào một ngày nào đó thuận lợi. Và tôi được hẹn. 14 giờ ngày 18/9, tôi tìm đến nhà võ sư Phước theo lời mời. Ở tuổi 65 nhưng võ sư chưa có một nếp nhăn trên khuôn mặt, bước đi nhanh nhẹn, dứt khoát. Khi ông bắt tay, tôi cảm nhận tay ông rất ấm, sự ấm nóng của thân nhiệt ở một người thường xuyên rèn luyện, sức khỏe tốt.
“Võ đường Lam Sơn của mình có từ lâu rồi phải không chú?”, tôi bắt đầu câu chuyện như thế. Võ sư Phước thoáng nhíu mày. Một lúc ông nói: “Chú sinh năm 1952, 7 tuổi thì đến với võ thuật cháu à. 10 tuổi, nghe đâu có mở võ đài chú đều tìm tới xem để học tập. Nhân vô thập toàn, không ai biết mọi thứ. Võ thuật cũng vậy, mình phải biết học những cái hay của người khác để tự hoàn thiện bản thân”. Chính sự tìm tòi, học hỏi giúp ông tiến bộ nhanh chóng. Tiếp cận võ học một cách kiên trì, tự hoàn thiện bản thân, chàng thanh niên học võ ngày ấy được sư phụ yêu quý, để tâm truyền cho những bài võ do mình sáng tạo ra. Năm 1970, khi 18 tuổi, Nguyễn Hoàng Phước được cố võ sư Nguyễn Ngọc Thiều, chưởng môn đời thứ nhất, người sáng lập Võ đường Lam Sơn truyền chức chưởng môn.
Nhiều năm theo nghiệp võ, võ sư Phước không biết bao lần đưa học trò đi thi đấu ở một số tỉnh thành, giải quốc gia. Mỗi lần như thế là mỗi lần học thêm những điều mới mẻ, để bổ sung cho việc dạy võ của mình. “Võ cổ truyền hiện nay phát triển theo hướng thực dụng hơn. Trước đây, khi thi đấu đối kháng, vận động viên thường thủ ở hai thế bắt bông và bỏ bộ để dò xét động tĩnh của đối thủ mà ra đòn. Nhưng hiện nay, người học võ cổ truyền không làm điều đó, khai cuộc là tấn công ngay, cháu à” - võ sư Phước nói. Từ chỗ đó, võ sư Phước hướng học trò mình vào những đòn thế tấn công mạnh mẽ, lấy công làm thủ, cũng như kiên trì học hỏi để làm phong phú vốn võ học. Năm 2008, khi đã là một võ sư có tiếng tại Bình Thuận, võ sư Phước vẫn học ở lớp trẻ. Năm đó, võ sư Phước đưa môn sinh tham gia Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền tại Bình Định. Trong khi quan sát các học trò ôn luyện thì ông nhìn thấy, một vận động viên còn rất trẻ đi bài Nhất đẳng Côn Sơn cực kỳ uyển chuyển, đẹp mặt. “Đúng là võ học vô biên, tre già măng mọc, 58 năm rèn luyện võ nghệ chú chưa thấy ai đánh roi đẹp như vậy. Cậu ấy múa côn vừa thanh thoát vừa có lực cộng với tiếng hét ở những đòn hiểm khiến bài côn vô cùng sinh động có hồn. Chú nhìn không chớp mắt cách cậu ấy đi roi”, võ sư Phước nói. Sau khi vận động viên ấy kết thúc bài biểu diễn, võ sư Phước chủ động đến làm quen mới biết người thanh niên đó tên Nguyễn Phi Phụng, là vận động viên của đoàn Bình Định. Một điều trùng hợp thú vị, Phụng là bạn học của con trai ông, võ sư Nguyễn Thanh Bình. Kết thúc liên hoan, võ sư Phước bảo con trai tìm Phụng, học thêm bài roi. Học ở đây không phải là đòn thế mà chính là phong thái ra đòn, thi chuyển bộ pháp cho có hồn, lột tả được uy lực của bài võ. Vâng lời cha, Bình đã ra Bình Định, tìm bạn. Từ những ngày cùng bạn luyện tập mang đến cho võ sư Bình kỹ năng biểu diễn các bài quyền tuyệt đẹp. Năm 2011, ở lớp tập huấn trọng tài võ thuật cổ truyền Việt Nam, võ sư Nguyễn Thanh Bình đã biểu diễn bài Bạch Hạc Thương của cố võ sư Nguyễn Ngọc Thiều. Bài thương này sau đó được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam chọn làm bài Quốc võ, được giảng dạy trên toàn quốc, thế giới và được biểu diễn ở các kỳ liên hoan võ thuật quốc tế.
Võ học vốn trọng ở sự cầu tiến, ham học hỏi, ở võ sư Phước yếu tố này được đặt lên hàng đầu. Năm 2007, khi Bình Thuận không đủ kinh phí để có thể tham gia các giải trẻ và vô địch Võ cổ truyền toàn quốc trong cùng một năm, võ sư Phước đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho phép Võ đường Lam Sơn được lấy danh nghĩa của tỉnh, tham gia thi đấu. Mọi chi phí võ đường tự bỏ ra. “Những năm 2000, đội võ thuật cổ truyền của Bình Thuận là một trong những đội mạnh của cả nước, nếu bỏ đi thì thật tiếc. Võ đường Lam Sơn xin đi thi một phần để các môn sinh của võ đường được va chạm với các địa phương khác, một phần để các em có cơ hội giao lưu, học hỏi thêm”, võ sư Phước tâm sự. Đúng như võ sư suy nghĩ, những năm sau đó, môn sinh của Võ đường Lam Sơn liên tục gặt hái được khá nhiều huy chương trong các giải trẻ, giải vô địch Võ cổ truyền toàn quốc. Bên cạnh đó, Võ đường Lam Sơn là một trong số ít các võ đường tổ chức được giải đấu để các môn sinh trong võ đường thi đấu.
Truyền bá võ
“Hiện nay, Võ đường Lam Sơn mở được nhiều chi nhánh?”, tôi hỏi. Võ sư Phước không giấu được vẻ tự hào: “Hơn 30 điểm, chủ yếu ở huyện Hàm Thuận Bắc và TP. Phan Thiết. Nhưng để có thành quả đó, không ít gian nan, cháu à.”
Năm 1970, sau khi được truyền chức Chưởng môn Võ đường Lam Sơn, võ sư Phước đã lên một kế hoạch phát triển Võ đường Lam Sơn. Nhưng rồi kế hoạch phát triển bị trục trặc. Ấy là năm 1975, đất nước mới thống nhất, do đặc điểm lịch sử, các võ đường tạm dừng hoạt động... Không dạy học trò, nhưng với một người mà võ thuật đã “thành nghiệp” thì không lúc nào không thao luyện. Năm 1987 là một dấu mốc đáng nhớ trong cuộc đời võ sư Phước. “Năm đó, UBND thị xã Phan Thiết cho phép các võ đường được hoạt động trở lại. Điều trùng hợp là chú được thị xã phân cho dạy đúng ở dưới chân tháp nước như cũ”, võ sư Phước nhớ lại. Nhưng bên cạnh thuận lợi cũng nảy sinh không ít khó khăn. Các võ đường, sau khi dừng dạy lâu ngày đã đua nhau chiêu sinh, dẫn tới một điểm chỉ có gần chục người học. Có những võ đường mở ra được thời gian phải đóng cửa bởi không có người học. “Võ đường Lam Sơn khi đó chủ trương: võ sinh ít hay nhiều vẫn duy trì lớp. Đường dài mới biết ngựa hay, mở lớp cũng như học võ không thể ngày một ngày hai mà thành công được”, võ sư Nguyễn Hoàng Phước nói chắc nịch.
![]() |
Võ sư Phước dạy võ cổ truyền tại Trường tiểu học Đức Ngĩa. |
Sự kiên trì, quyết tâm của võ sư Phước dần được đền đáp, số lượng người học đến với Võ đường Lam Sơn ngày một nhiều. Đến năm 1995, võ sư Phước quyết định mở lớp ở thị trấn Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc. Những năm đầu tiên, lớp võ ở Hàm Thuận Bắc chỉ được hơn chục võ sinh, nhưng chưa khi nào võ sư Phước bỏ cuộc.
Võ sư Phước luôn tìm kiếm những học trò có tố chất võ học. Ở mỗi xã, ông luôn cố gắng rèn cho được một đến hai học trò vững vàng, đủ năng lực để tự mở lớp sau khi đã có chứng nhận huấn luyện viên. Đến nay, sau 22 năm, ông có 15 học trò có chứng nhận võ sư; 5 học trò có chứng nhận huấn luyện viên võ thuật cổ truyền. Những học trò lại nối nghiệp thầy mở lớp dạy võ cổ truyền ở nơi mình sống. Bằng sự nỗ lực không mệt mỏi, võ sư Phước đã đưa huyện Hàm Thuận Bắc từ nơi chưa có điểm dạy võ cổ truyền thành nơi có đến 80% số xã đều có điểm dạy võ cổ truyền. Trong hơn 30 chi nhánh của Võ đường Lam Sơn hiện nay, số lượng điểm dạy do võ sư Phước và các con đứng lớp chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại đều do học trò của ông trực tiếp dạy. “Đến thời điểm này, có thể nói những gì chú làm để phát triển võ đường cũng như truyền bá võ cổ truyền đến người dân coi như đã có chút thành tích. Nhưng để phát triển võ cổ truyền mạnh hơn nữa thì...”, võ sư Phước bỏ lửng câu nói.
Tâm tư một “lão hổ”
Đưa ánh mắt nhìn xa xăm, võ sư Nguyễn Hoàng Phước bộc bạch những lời ruột gan: “Võ cổ truyền của dân tộc mình có từ ngàn đời nay. Võ cổ truyền giúp dân tộc ta đánh thắng biết bao nhiêu giặc ngoại xâm... Nhưng nay, võ cổ truyền Việt Nam lại phát triển kém hơn so với những môn võ nước ngoài du nhập vào Việt Nam. Di sản của cha ông để lại thì không được đưa vào các hội thao, Hội khỏe phù đổng trong khi đó môn võ của nước ngoài thì ở giải nào cũng có… Thật buồn. Nhưng sắp tới có hy vọng rồi cháu ạ”.
Cái hy vọng mà võ sư Phước nói tới là Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016 – 2020. Theo đề án, phấn đấu 100% cơ sở giáo dục phổ thông duy trì thường xuyên tập thể dục buổi sáng, tập thể dục giữa giờ, có ít nhất 50% trường mầm non, 70% cơ sở giáo dục phổ thông, 80% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học tổ chức dạy hoặc phổ biến các môn võ thuật cổ truyền Việt Nam. Tháng 8/2017, Sở Giáo dục và Đào tạo cử 5 giáo viên thể dục đi tập huấn tại TP. Hồ Chí Minh để chuẩn bị cho việc đưa môn võ cổ truyền vào dạy ở các trường phổ thông.
“Hôm trước Bình nói với chú về dự định dạy thí điểm miễn phí môn võ cổ truyền tại một số trường tiểu học tại Phan Thiết và nhờ chú hỗ trợ người đứng lớp. Mừng lắm. Mừng vì đam mê cả đời của chú, giờ có dịp truyền lại rộng rãi cho giới trẻ. Chú gọi ngay cho mấy học trò và đích thân đứng lớp dạy cho các em học sinh. Hiện nay Bình đang dạy ở 3 trường với gần 1.000 học sinh. Sắp tới, chú sẽ họp 18 chi nhánh của Võ đường Lam Sơn ở TP. Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Bắc để bàn về việc dạy miễn phí môn võ cổ truyền tại một số trường học. Mừng thì mừng thật, vì võ cổ truyền sau bao năm vắng bóng giờ có dịp phát triển trở lại. Nhưng một mình Bình hay các học trò của chú thì chưa đủ. Chú chỉ mong Sở Giáo dục và Đào tạo sớm triển khai dạy võ cổ truyền ở các trường. Có như vậy thì võ cổ truyền, di sản văn hóa của ông cha mới bước sang trang sử mới”, võ sư Nguyễn Hoàng Phước chia sẻ.
“Chú chỉ mong một ngày nào đó, võ cổ truyền được dạy như một môn thể dục trong trường học, được đưa vào thi đấu ở các giải thể thao”, lời nói như ước nguyện của ông làm tôi nhớ mãi. Một võ sư bình dị, bỏ qua danh lợi vật chất để truyền bá võ thuật thì thật trân quý…
Ký sự: Nguyễn Luân