Theo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Đốt vàng mã vốn không phải là tục lệ truyền thống của dân tộc ta mà nó có ảnh hưởng từ Đạo giáo của Trung Quốc. Sau khi du nhập vào Việt Nam, trải qua các thời kỳ của lịch sử, người dân đã phần nào bị ảnh hưởng, bởi họ quan niệm đốt vàng mã là tấm lòng thành kính, tưởng nhớ đến người thân đã khuất. Việc đốt vàng mã trước đây vốn rất nhẹ nhàng, mang tính thành tâm là chính, chỉ một ít tiền vàng, áo quần đơn giản. Nay kinh tế khá giả, nhiều người đua nhau đốt vàng mã nào là giầy, dép, mũ, áo vest, điện thoại di dộng, nhà lầu, xe hơi. Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: Tinh thần của Phật giáo là không đốt vàng mã, tuy không mang tính cấm đoán nhưng khuyên răn các phật tử nên hạn chế việc làm này. Vì tục đốt vàng mã trước hết gây tốn kém về kinh tế cho mọi người, tiếp đến ảnh hưởng môi trường sống. Những gì mà mọi người đốt để gửi cho người thân ở cõi âm không bao giờ nhận được. Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến khích mỗi người nếu thành tâm chỉ cần tụng kinh, niệm Phật là được, nên dành khoản tiền mua vàng mã để đốt giúp đỡ người nghèo, ủng hộ xây trường học, bệnh viện sẽ tốt hơn, cũng là một cách làm việc thiện cho đời.
Suy cho cùng ý nghĩa của việc đốt vàng mã thì không xấu, nhưng hiện nay nó bị biến tướng, lạm dụng quá nhiều. Phần đông những người đốt vàng mã thường có tâm lý cầu tài, lợi, lộc, danh, có người bỏ cả khoản tiền vài ba chục triệu đồng để đốt thì quả thực lãng phí vô cùng. Việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam vận động phật tử bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo đang được dư luận chú ý và đồng tình.
Việc nhắc nhở loại bỏ mê tín dị đoan, bỏ tục đốt vàng mã là cần thiết trong bối cảnh việc mê tín lạm dụng vàng mã ngày càng tràn lan, nhất là khi mùa lễ hội rằm tháng giêng đang diễn ra khắp các vùng miền. Tại các lễ hội, thường thấy bên cạnh mâm cao, cỗ đầy như xôi, oản, trái cây là những mâm vàng mã chất cao ngất. Sau nghi thức cúng kính là việc đốt các mâm vàng mã. Bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để đổi lấy không khí môi trường bị ô nhiễm, điều này có nên hay không? Đã đến lúc người dân, nhất là các phật tử nên thay đổi suy nghĩ: “trần sao, âm vậy”, để hành động có trách nhiệm hơn với môi trường sống.
Trong Phật giáo có “lục cúng”, tức là đi lễ thì nhớ 6 thứ, “hương, hoa, đăng, trà, quả, thực” gồm có hương, hoa, đèn (nến), trà, hoa quả và thức ăn. Mọi người khi đến chùa thì chỉ cúng đồ chay, ngoài ra không có gì khác. Như vậy có thể thấy vàng mã không hiện hữu trong 6 thứ đó. Phải chăng do lịch sử nước ta ngàn năm bị đô hộ của người phương Bắc, tuy không khuất phục được dân tộc Việt nhưng vô hình trung đã xuất hiện vấn nạn “lai căng” đốt vàng mã? Những gì tốt đẹp, tiên tiến của nhân loại chúng ta sẵn sàng tiếp thu, kế thừa và phát triển. Cái gì không phù hợp với truyền thống của dân tộc Việt Nam thì kiên quyết loại bỏ. Và bỏ tục đốt vàng mã là chủ trương nên được người dân đồng tình, ủng hộ.
N.N