Theo dõi trên

Ngã ba Bốn Sáu

11/05/2016, 08:08

BT - Mỗi ngày, tôi thường ngồi ở quán cà phê nơi ngã ba Bốn Sáu, quán cà phê sang trọng nhất của khu vực này. Gọi là sang trọng nhất, vì quán có một vài công chức thường uống, mọi thứ còn lại không hơn gì các quán khác. Đôi khi tôi tự hỏi tại sao Bốn Sáu quá “trầm”, không như những giao lộ, thị tứ mà tôi đã từng ngồi đợi xe.

         
   

         

            Đại lộ Đông Tây ở thị trấn Tân Nghĩa.

Ngã ba Bốn Sáu, một ngã ba khá nổi tiếng trên đường ra Bắc vào Nam. Từ ngã ba này, con người, hàng hóa có thể tỏa đi muôn nơi. Từ đây về thị xã La Gi khoảng 15 phút, về TP. Phan Thiết khoảng hơn nửa tiếng, về TP. Hồ Chí Minh khoảng 3 giờ chạy xe ô tô. Ngày ấy, sau khi đã thành lập bộ máy chính quyền ở Bình Thuận, Pháp chú trọng phát triển giao thông để khai thác kinh tế trên vùng đất này. Trong các tuyến đường ưu tiên xây dựng, có tuyến đường La Gi nối với quốc lộ 1A và đi ga Sông Phan, điểm giao cắt với quốc lộ 1A  gọi là “Ngã ba Bốn Sáu”.

Thực ra gọi “Ngã ba Bốn Sáu” là không chính xác vì thực tế nó là ngã tư, từ quốc lộ 1A, một nhánh chạy ngược lên ga Sông Phan, một nhánh xuôi về biển La Gi. Và tên gọi đầu tiên của nó là “Ngã tư Trường Tiền”. Lý do vì sao từ “ngã tư” trở thành “ngã ba” đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Có lẽ hướng lên ga Sông Phan ít người qua lại, mà chủ yếu là đi về phía huyện Hàm Tân, ngã tư đã vắng đi một nhánh, nên người ta gọi ngã tư này thành ngã ba? Và, do vị trí giao lộ nằm cách Phan Thiết 46 km, khách đi xe đò trong tỉnh thường nói “cho xuống Bốn Sáu”, từ đó ngã tư này được gọi là “Ngã ba Bốn Sáu”, tên gọi “Trường Tiền” đã dần dần quên lãng. Sự hình thành tên gọi “Bốn Sáu” không chỉ riêng có ở Hàm Tân, mà từ ngã ba Bốn Sáu đi ngược về Phan Thiết có nhiều tên gọi cũng được hình thành tương tự như thế, ví dụ như “Bốn hai” là vị trí cách Phan Thiết 42 km, “Ba bảy” cách Phan Thiết 37 km…

 Vào khoảng cuối năm 1969, đầu năm 1970, lữ đoàn bộ binh Mỹ làm đường, nắn thẳng lại đoạn tiếp giáp với quốc lộ 1A,  ngã ba Bốn Sáu dịch chuyển về hướng Sài Gòn khoảng 1 km. Từ đó ngã ba này có thêm một tên gọi nữa là “Ngã ba Bình Tuy”, với ý nghĩa đây là ngã ba về trung tâm tỉnh lỵ Bình Tuy. Sau năm 1975, tỉnh Bình Tuy không còn tồn tại, ngã ba Bốn Sáu trở lại với tên ban đầu, mặc dù lúc này từ đây trở về Phan Thiết không còn chính xác là 46 km.

Ngã ba Bốn Sáu là cái tên được người ở xa biết đến nhiều hơn là thị trấn Tân Nghĩa, bởi ngã ba Bốn Sáu đã có tuổi đời gần 90. Tân Nghĩa trở thành trung tâm của huyện lỵ chỉ 10 năm nay, kể từ khi huyện Hàm Tân được thành lập mới đơn vị hành chính vào cuối năm 2005. Tại thời điểm ấy, Tân Nghĩa chỉ là xã. Hai năm sau đó, toàn bộ xã Tân Nghĩa được nâng cấp đơn vị hành chính lên thành thị trấn. Tân Nghĩa có lẽ là thị trấn lớn nhất toàn quốc, tổng diện tích là 5.520 ha, dân số khoảng 12 ngàn người. Ngoài cái nhất về diện tích, hạ tầng kinh tế - xã hội Tân Nghĩa và cả tập quán sinh hoạt của người dân có vẻ như chưa theo kịp sự chuyển mình của một đô thị.

 Hàm Tân có một đặc điểm mà ít nơi nào trên cả nước có được, đó là tất cả các xã, thị trấn trong huyện đều có quốc lộ đi qua. Trong đó, Tân Nghĩa càng nổi bật hơn với 8/8 khu phố đều nằm trên các tuyến quốc lộ. Quốc lộ 55 và quốc lộ 1A đi xuyên qua trung tâm, làm cho Tân Nghĩa có điều kiện giao lưu với các vùng trên cả nước. Bên cạnh đó, trung tâm huyện lỵ đang trong quá trình hoàn thiện, nhiều tuyến đường mới, nhiều công sở của huyện, của các ngành đang được xây dựng làm cho Tân Nghĩa ngày thêm khởi sắc. Nếu trước đây, các con đường nội thị chỉ là đường sỏi nhỏ, thì hiện nay, Tân Nghĩa đã có đại lộ rộng thênh thang. Nhiều tuyến đường được nhựa hóa, đan ngang, xẻ dọc, rồi thêm một vài chốt đèn xanh, đèn đỏ được lắp đặt, sớm mang lại cho Tân Nghĩa một hình hài đô thị.

Tương phản với đô thị non trẻ là lớp cư dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp với  hơn 5.200 ha đất sản xuất. Mỗi sáng, hòa trong dòng người đến công sở là những nông dân vai vác cuốc, mang bình xịt thuốc ngồi trên những chiếc xe máy bon bon ra đồng, lên nương rẫy. Chiều chiều, một vài chiếc xe bò lững thững chở nông sản trở về đi trên đại lộ hai bên là những tòa nhà đang vươn cao, đèn điện tử nhấp nha nhấp nháy.

Có một điều tôi cứ băn khoăn, sao trên địa bàn Tân Nghĩa lại thiếu những quán ăn có thương hiệu. Người Tân Nghĩa chủ yếu là người Quảng vào định cư từ những năm 70 của thế kỷ trước. Người Quảng ở tập trung thành những vùng như Bình Ngãi, Nghĩa Tân nên hiện nay, giọng nói của họ vẫn là giọng Quảng rất dễ nhận biết. Nói tới người Quảng thì phải nói tới mì quảng, nhưng ở Hàm Tân nói đến mì quảng thì người ta không nhắc đến Tân Nghĩa, mà họ lại đề cập đến Tân Phúc, một địa phương lân cận, có  những nhóm người Quảng vào lập nghiệp cùng thời với Tân Nghĩa. Mì quảng Tân Phúc không chỉ một quán mà có rất nhiều quán hương vị đậm đà, với những miếng thịt gà vàng hườm và rau sống là những bắp chuối rất sạch hái trên sườn đồi, mìquảng Tân Phúc đã biết giữ chân du khách.

Một vài người giải thích với tôi rằng, dân Tân Nghĩa có hai nghề chính, đó là làm nông và nghề dịch vụ cho khách vãng lai đi trên hai tuyến đường quốc lộ. Người làm nông không có thói quen ăn uống bên ngoài, vì không chắc cái bụng và tốn kém. Vì vậy, các quán ăn chỉ phục vụ cho khách vãng lai. Và cơ bản chỉ phục vụ cho khách vãng lai, nên họ chẳng cần đầu tư cho tay nghề, lâu dần dịch vụ ăn uống vắng đi những thương hiệu.

Ngã ba Bốn Sáu là cái tên có từ lâu đời, và sự giao thương cũng có từ năm 1927 khi người Pháp mở ra ngã ba này. Ngã ba Bốn Sáu là nơi giao nhau giữa hai tuyến quốc lộ, thường những nơi đó rất sầm uất. Ngã ba Bốn Sáu ở Tân Nghĩa không được vậy, nhà cao tầng ở khu vực này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dù vậy, ở đây không thiếu những người giàu có, những người nổi tiếng. Ấy là mới nói đến những người xưa cũ, chứ những doanh nhân trẻ mới nổi lên ở khu vực này cũng khá nhiều. Bên cạnh đó, do được đền bù đất đai, hoa màu để xây dựng các công trình, người có trong tay số tiền trăm triệu đồng không phải là ít. Vậy mà Tân Nghĩa đang thiếu một nơi để những người thành đạt thể hiện. Nơi đó có thể là một quán ăn nổi tiếng, một quán cà phê sang trọng, một cửa hàng thời trang hay đơn giản hơn là vài món ăn vặt vỉa hè.

Thường thì người ta hay nói về những nhu cầu cần thiết nhất của con người, với đại bộ phận cư dân nông nghiệp, dịch vụ Tân Nghĩa như thế là đủ. Nhưng với một trung tâm huyện lỵ, nơi phục vụ các hoạt động của hệ thống hành chính, nơi có nhiều người khá lên, Tân Nghĩa như còn thiếu thiếu cái gì, giống như một bản nhạc giai điệu cứ đều đều, thiếu cao trào và điểm nhấn để người ta nhớ đến  nó.

Mỗi ngày tôi vẫn uống cà phê nơi ngã ba Bốn Sáu, ngã ba đã có tuổi đời gấp gần chục lần tuổi đời của trung tâm hành chính. Tôi vẫn ngại nói lên suy nghĩ của mình, chỉ mong rằng, 10 năm chưa phải là dài và Tân Nghĩa sẽ sớm chuyển mình để trở thành đô thị trung tâm của  huyện lỵ Hàm Tân.

         
            Ngã ba Bốn Sáu là cái tên được người ở xa biết đến nhiều hơn là thị    trấn Tân Nghĩa, bởi ngã ba Bốn Sáu đã có tuổi đời gần 90. Tân Nghĩa    trở thành trung tâm của huyện lỵ chỉ 10 năm nay, kể từ khi huyện Hàm    Tân được thành lập mới đơn vị hành chính vào cuối năm 2005.    

H.N.N



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngã ba Bốn Sáu