Đây là đòn giáng mới nhất của Nga vào châu Âu xung quanh vấn đề năng lượng. Tuy nhiên, động thái “áp đặt luật chơi” này của Nga khiến nhiều quốc gia châu Âu phản ứng mạnh mẽ.
Trong tuyên bố mới nhất, các nhà lãnh đạo châu Âu thận trọng khẳng định sẽ tiếp tục thanh toán khí đốt tự nhiên bằng đồng Euro hoặc USD và muốn quan sát về cách Điện Kremlin thực hiện sắc lệnh của mình. Về phần mình, quốc gia vốn phụ thuộc lớn nhất vào khí đốt của Nga là Đức cho biết, nước này đã chuẩn bị cho mọi tình huống, bao gồm cả việc ngừng dòng vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết: "Hôm qua, chúng tôi đã thực hiện các biện pháp mà chúng tôi phải thực hiện trong trường hợp việc cung cấp khí đốt hoặc dầu mỏ của Nga bị dừng lại. Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm đối phó với bất kỳ động thái nào của ông Putin”.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cũng cho biết, Pháp và Đức đã bác bỏ yêu cầu của Nga về việc phải thanh toán khí đốt bằng đồng rúp. Còn Italy tuyên bố nước này đang liên hệ với các đối tác châu Âu để phản ứng cứng rắn với Nga.
Những phản ứng mạnh mẽ của châu Âu diễn ra khi hôm qua, Tổng thống Nga Putin ký một sắc lệnh yêu cầu bên mua nước ngoài phải thanh toán bằng đồng Rúp để mua khí đốt của Nga từ ngày 1/4, điều có thể khiến châu Âu có nguy cơ mất hơn 30% nguồn cung khí đốt tự nhiên. Theo Tổng thống Putin, phương Tây đang sử dụng hệ thống tài chính như một vũ khí và việc Nga giao dịch bằng đô la hay euro không có ý nghĩa gì khi tài sản bằng các loại tiền tệ này đang bị đóng băng.
“Tôi đã ký một sắc lệnh quy định các quy tắc buôn bán khí đốt tự nhiên của Nga với 'các quốc gia không thân thiện'. "Để mua khí đốt Nga, họ cần mở tài khoản bằng đồng Rúp trong các ngân hàng Nga. Tiền từ chính các tài khoản đó sẽ bắt đầu được dùng để thanh toán các khoản mua khí đốt từ 1/4. Nếu các khoản thanh toán đó không được thực hiện, chúng tôi sẽ coi đây là thất bại của khách hàng trong việc tuân thủ các nghĩa vụ của mình".
Theo cơ chế do Tổng thống Putin chỉ định, người mua nước ngoài sẽ phải sử dụng tài khoản đặc biệt tại ngân hàng Gazprombank để thanh toán khí đốt. Ngân hàng Gazprombank sẽ thay mặt người nước ngoài mua đồng Rúp và chuyển đồng Rúp sang một tài khoản khác. Động thái áp đặt “luật chơi” mới với đồng Rúp được cho là một phần của cuộc chiến lâu dài hơn mà Nga đang tiến hành chống lại USD, đồng tiền vẫn thống trị hoạt động thương mại dầu khí.
Các nước châu Âu trong thời gian qua ráo riết tìm nguồn cung thay thế nhưng không có nhiều lựa chọn. Mỹ đã gia tăng nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhưng không đủ để thay Nga. Giá khí đốt Anh và Hà Lan đã tăng thêm 4% đến 5% sau thông báo của Tổng thống Putin./.