…Tầm 6 giờ chiều cơm nước xong là lũ bạn trong xóm thập thò trước cửa nhà tôi ra “tín hiệu”, sau đó là cả nhóm tập hợp xuống dưới ngã tư, người dân thường hay gọi là Ngã tư Xóm Câu. Ngã tư khi ấy rộng lắm, toàn cát với cát bởi là xóm làng chài mà. Bọn trẻ chúng tôi thỏa sức vui đùa với những trò chơi rượt bắt, năm mười, đá bóng… Có không ít lần cãi vã “ăn, thua” nhau trong lúc chơi rồi đánh nhau theo kiểu trẻ con. Có đứa bị má gọi về nhà đánh đòn, vậy mà sau đó vẫn cứ tụ tập, lúc thì chơi đùa, khi thì túm tụm một góc ngã tư nghe ông Sáu hàng xóm kể chuyện ma. Đứa nào đứa nấy chăm chú lắng nghe trong nỗi sợ mơ hồ, ngồi sát rạt nhau, nhìn qua, ngó lại xem có cái gì đó loáng thoáng phía sau không, rồi tiếng gió rít ngoài biển. Để rồi sau đó ù té chạy nhanh về nhà khi những câu chuyện ma của ông Sáu kết thúc.
Ngã tư thân thương ấy còn là những đêm trăng trước rằm tháng tám thật vui. Mỗi đứa với chiếc lồng đèn bánh ú, ngôi sao hay con cá làm bằng tre dán giấy vở học trò, cùng nhau ngân nga bài hát Rước đèn tháng tám. Có đứa “sáng kiến” hơn, dùng cả lon sữa bò, đục lỗ làm đèn gắn trên thanh tre như chiếc xe đẩy, trông thật ngộ nghĩnh. Trung thu của những đứa trẻ vùng biển, khi ấy chỉ có kẹo ú, kẹo đậu phộng, bánh dừa, bánh cốm sấy khô. Vậy mà ngon đến lạ. Những đứa trẻ nghèo xóm biển lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của gia đình và làng xóm. Mọi người thường giúp nhau trong những lúc khó khăn, bệnh tình, lúc tối lửa tắt đèn…Tình làng nghĩa xóm thật đậm tình, khó quên. Nhớ nhất là những lúc thuyền về tôm cá nhiều, người lớn gỡ cá mang ra chợ bán, bọn trẻ chúng tôi xúm xít nhau “mót” từng con cá, con tôm mang về nhà cho má nấu bữa cơm chiều. Má cười khen trách: “Sao giỏi vậy con, ra biển cẩn thận nghen”, rồi xoa đầu bảo: “Nhớ lát về ăn cơm”.
Mới đó mà đã mấy mươi năm. Ngày tháng trôi qua thật nhanh cùng tốc độ đô thị hóa. Ngã tư bây giờ đã là đường bê tông sạch sẽ. Những bà Tư, bà Năm bán hàng ở ngã tư giờ đã không còn. Món cháo trứng, bánh canh, bánh mì chả cá… đã nuôi lớn nhiều lớp trẻ xóm tôi, vẫn không quên. Cho dù thời gian có trôi xa. Bọn trẻ bây giờ cũng khác xưa. Chúng không còn tụ tập để chơi đánh lon, rượt bắt hay năm mười, mà thích vào những tiệm nét, thích đọc rap hay nhảy hip hop hoặc hát những bài hit của ca sĩ trẻ nào đó mới nổi.
Giờ đây, theo thời gian, bọn trẻ một thời nay đã lớn, đã già đi, mỗi người một nơi, ai cũng chăm lo cho cuộc sống của mái ấm gia đình mình. Những kỷ niệm ấu thơ vẫn hằn in trong ký ức. Hàng đêm, nghe tiếng sóng biển vỗ bờ mà lòng rưng rưng nhớ. Lại một mùa trung thu sắp về.
Lê Quang