Theo dõi trên

Ngẫm từ tử tế

27/06/2024, 21:35

Thời gian qua, nhiều người hay dùng từ tử tế, gợi tôi nhớ cách đây khá lâu - những 20 năm trước, một hôm nhóm giáo viên dạy văn chúng tôi có tiếp một giáo sư. Khi hàn huyên về chuyện tình đời, giáo sư nói, trong cuộc sống, ông chỉ quý mến và kính trọng 3 loại người: một là người tài hoa, hai là người đẹp, ba là người tử tế.

Khi ấy, cụm từ người tử tế sử dụng chưa phổ biến lắm trong cộng đồng như bây giờ. Giờ thì sử dụng khắp nơi, có khi dùng trong ngữ cảnh nghiêm túc như sóng truyền hình đặt tên cho một chuyên đề đang lôi cuốn người xem; nhưng có lúc nhiều người dùng từ tử tế để mà cười đùa, giễu cợt, châm biếm trong một hoàn cảnh nào đó, thậm chí từ tử tế còn xuất hiện cả trên diễn đàn chính trị…

hay-nuoi-duong-su-tu-te-ben-trong-ban.jpg

Trong ba đối tượng trên, có hai đối tượng thuộc loại trời phú. Một là người tài hoa, loại người do thiên bẩm, sinh ra đã có sẵn, biểu hiện năng lực tự nhiên, chỉ người tài giỏi và phong nhã số phận đã được trời ban, có năng khiếu trong các lĩnh vực văn chương nghệ thuật. Những người được gọi tài hoa là người nổi tiếng thường làm ra và đem lại những sản phẩm có giá trị tinh thần, có sức ảnh hưởng tác dụng lớn đến lợi ích đời sống xã hội. Nhưng dẫu thiên bẩm cho ai đó để trở thành tài hoa cũng phải có quá trình gọt giũa, rèn luyện mới thành – “Ngọc bất trác bất thành khí”.

Hai là người đẹp, ở đây chỉ về dung nhan phái nữ. Cái đẹp nhan sắc của người con gái dân gian quan niệm là của trời ban cho, ai có được người đó nhờ. Mỹ nhân có thể sinh ra ở bất cứ gia đình nào, bất kể giàu sang nghèo hèn, không phân biệt thành phần giai cấp. Trời ban cho mà. Dĩ nhiên nét đẹp con người có gen di truyền của cha mẹ. Thử xem các công chúa ngày xưa đa phần là đẹp, bởi các hoàng phi, cung tần đều được tuyển chọn từ những mỹ nhân trong dân gian để tiến cung. Nhưng ngược lại, cũng có không ít trường hợp “cha mẹ cú đẻ con tiên” – cha mẹ tư dung xấu xí (như cú) nhưng đẻ con ra có diện mạo đẹp tuyệt vời (như tiên). Trên đời xưa nay chưa ai thấy tiên, nhưng ca ngợi nét đẹp xuất sắc của người con gái thì người ta lấy tiên ra đối chiếu. Đó là nói về cái đẹp vốn dĩ của người con gái từ xưa do trời ban mà có. Ngày nay có khác, nhiều cô gái sinh ra dung mạo xấu xí bỗng dưng trở nên xinh đẹp khác thường, bởi nhờ có dao kéo của thẩm mỹ viện.

Riêng đối tượng người tử tế không phải trời ban mà do tự bản thân tu dưỡng rèn luyện làm nên. Tử tế (仔細) là từ Hán Nôm. Chiếc tự ra, chữ tử (仔) cấu trúc ở vị trí động từ có nghĩa gánh vác, đảm nhận; ở vị trí phó từ thì tử được hiểu theo nghĩa kỹ lưỡng, cẩn thận. Còn chữ tế (細), về hình: nghĩa là nhỏ, mịn; tỉ mỉ, tinh xảo; phó từ là kỹ càng, cặn kẽ. Từ ghép tử tế theo Tự điển Đại Nam quốc ấm tự vị - Huỳnh Tịnh Của (Sai Gon 1895) là chín chắn. Trong Việt Nam Tự điển của Lê Văn Đức (Nxb Khai Trí, Sai Gon, 1970), tử tế là kỹ càng, đàng hoàng, tốt bụng – con nhà tử tế; Từ điển Nguyễn Quốc Hùng cùng nghĩa: Cẩn thận từ việc nhỏ nhặt – Ta lại hiểu là tốt bụng, ăn ở tốt. Còn Từ điển tiếng Việt (Trung tâm từ điển ngôn ngữ, Hà Nội, 1992) giải nghĩa tử tế: 1. Có được tương đối đầy đủ những gì thường đòi hỏi phải có để được coi trọng, không phải sơ sài, lôi thôi hoặc thiếu đứng đắn. 2. Tỏ ra có lòng tốt trong đối xử với nhau.

Có thể hiểu người tử tế là người luôn thể hiện quan hệ cuộc sống hết sức tế nhị, cẩn trọng từ nói năng đến việc làm. Trong quan hệ với cộng đồng, người tử tế là người biết sống vị tha, giúp đỡ người khác, đối xử công bằng, lịch sự; thật thà, không khoa trương hống hách, không tự cao tự phụ, không xun xoe nịnh hót, không vây cánh toa rập khích bác chê bai, vùi dập người khác; không cướp công, tham nhũng, không gian lận trong học tập, thi cử… Phấn đấu làm được người tử tế cần tịnh tâm tu dưỡng để hành động – có khi phải vượt qua cái ải tam độc(*) trong Vi Diệu Pháp, làm cho tâm hồn trở nên nhẹ nhàng thanh thản, được thế mới tạo dựng nên tính cách để làm người tử tế.

Trong cuộc sống xưa nay, người tử tế thì bao giờ cũng được công chúng tôn kính, quý trọng. Nên người đời luôn dặn dò, khuyên bảo từ việc nhỏ đến lớn: Ăn ở với nhau cho tử tế; lấy nhau cần phải cưới xin cho tử tế đó; đi đường cần phải ăn mặc tử tế. Lấy tử tế làm tiêu chuẩn để đặt niềm tin: Đừng lo, nó là con nhà tử tế. Thế nên, khi được thừa nhận là người tử tế thì vinh dự lắm. Trong 3 loại người đó, loại người nào cũng đáng quý, nhưng yếu tố tử tế là quyết định giá trị cao nhất. Bởi anh tài hoa, em xinh đẹp mà sống không tử tế xem như hỏng hết những gì quý giá mà trời đã ban cho. Ngẫm ra làm được người tử tế ở đời đâu phải dễ.

(*) Tam độc trong Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) tức tham – sân – si là 3 yếu tố độc hại khi làm người nếu mắc phải thì vô cùng bất hạnh.

VÕ NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan

Thí sinh vui mừng, phấn khởi vì làm bài tốt đề thi Ngữ văn
BTO-Sáng nay (27/6) 13.070 thí sinh trong tỉnh đã hoàn thành môn thi đầu tiên ngữ văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Sau 120 phút làm bài thi, thí sinh rời khỏi phòng thi với tâm trạng phấn khởi, vui mừng vì đã làm bài tốt.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngẫm từ tử tế