Tang vật pháo nổ do lực lượng chức năng bắt giữ của các đối tượng. |
Thời gian qua, hàng hóa lưu thông ở Bình Thuận chủ yếu do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Đối với hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài, qua kiểm tra cho thấy hầu hết đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Dù vậy, vấn nạn vận chuyển, kinh doanh, hàng cấm, hàng nhập lậu và tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Thống kê cho thấy, năm 2020, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, xử phạt hành chính 2.960 vụ vi phạm (tăng 392 vụ so cùng kỳ); chuyển 371 vụ/515 đối tượng vi phạm sang cơ quan cảnh sát điều tra để truy tố theo quy định. Tổng số tiền xử phạt vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước gần 46 tỷ đồng; tịch thu hơn 29.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu cùng nhiều loại hàng hóa, tang vật vi phạm.
Được biết, trong 2.960 vụ vi phạm trên, có 803 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu (tăng 224 vụ so cùng kỳ). Hoạt động này diễn ra ở khắp nơi trong tỉnh, nhưng trọng điểm vẫn là Phan Thiết, La Gi, Tánh Linh, tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 55, khu vực giáp ranh với tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Cùng với đó, hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép ma túy, vật liệu nổ khu vực biển cũng diễn ra phức tạp. Trong năm qua, các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố 34 vụ/42 đối tượng mua bán, tàng trữ ma túy (chủ yếu là heroin, ma túy tổng hợp). Những ngày đầu tháng 1/2021, công an các địa phương còn liên tiếp bắt, xử lý nhiều vụ mua bán pháo nổ trái phép. Mới đây, Công an Hàm Tân đã bắt quả tang Nguyễn Văn Mẫn (SN 1989, trú thôn Hà Lãng, xã Thắng Hải) đang tàng trữ tại nhà 72 kg pháo hoa nổ trái phép. Qua đấu tranh, đối tượng Mẫn khai mua số lượng pháo trên tại TP. Hồ Chí Minh, sau đó mang về địa phương để bán trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến.
Theo dự báo của ngành chức năng, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thời gian tới nhiều tổ chức, cá nhân sẽ lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn bán hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng. Vì thế, tình trạng mua bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, tội phạm ma túy, tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ trái phép… sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Xác định tình hình đó, nhằm ngăn chặn hiệu quả hoạt động của các loại tội phạm và làm tốt công tác quản lý thị trường, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới, các ngành chức năng của tỉnh đã đề ra nhiệm vụ cụ thể để tập trung đấu tranh. Riêng Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động kiểm tra, phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương giám sát các hoạt động khai thác, tàng trữ, vận chuyển các loại hàng hóa, trọng tâm là khoáng sản, thuốc lá, heo, mỹ phẩm. Công an tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ điều tra, đề nghị truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến hành vi mua bán, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu. Chi cục Hải quan, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, vùng tàu thuyền neo đậu, trường hợp phát hiện vi phạm sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng liên quan theo quy định.
LÊ PHÚC