Theo dõi trên

Ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ hoạt động nghề biển

10/07/2021, 15:47

BTO- Lao động hoạt động nghề biển đang trở thành một trong 3 nguồn có nguy cơ lây nhiễm Covid-19, sau nguy cơ người từ bên ngoài vào tỉnh và lây nhiễm trong cộng đồng. Từ thực tế trên, Bình Thuận đang tăng cường các biện pháp phòng, chống tại các cảng cá trên địa bàn.

Lấy mẫu xét nghiệm cho ngư dân.

Đang bước vào vụ cá Nam, nên những ngày này Cảng cá La Gi (thị xã La Gi) tấp nập tàu thuyền ra, vào bến. Thuyền cập bến để bốc dỡ sản phẩm sau những chuyến ra khơi, đồng thời bổ sung nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho chuyến hành trình mới.

Mỗi ngày, có khoảng hơn 1.000 các lao động biển, tiểu thương, công nhân của các công ty, doanh nghiệp cùng hàng trăm phương tiện vào thu mua hải sản để phân phối đến các chợ trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận.

Tăng cường công tác tuyên truyền.

Thời điểm này, dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt ở nhiều cảng cá trong cả nước cũng đã ghi nhận các ca mắc Covid-19, thì việc lây nhiễm tại cảng cá của thị xã La Gi là rất cao. Trước tình hình này, Đồn Biên phòng Phước Lộc (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) đã phối hợp với các lực lượng liên quan triển khai nghiêm túc, quyết liệt công tác phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Các phương tiện và ngư dân ra vào cảng đều được lực lượng chức năng tại hai cửa ra, vào kiểm soát chặt chẽ, thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, bắt buộc phải đeo khẩu trang.

“Hai giải pháp tối ưu trong thời điểm này, đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động tất cả các ngư dân có nguy cơ lây nhiễm cao là các lao động từ ngoài địa phương khác, như Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang… và ngư dân từ các vùng có dịch trong tỉnh như Tuy Phong, Phan Thiết… cam kết thực hiện tốt biện pháp chống dịch. Đồng thời thành lập chốt kiểm soát tại cửa sông La Gi, thực hiện nhiệm vụ 24/24 là tổ chức tuần tra, kiểm soát lưu động tại cảng cá để tuyên truyền, vận động và bắt buộc tất cả các tàu cá trong tỉnh và những tỉnh khác khi đi vào địa phương phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như lấy mẫu xét nghiệm và yêu cầu tất cả các thuyền viên trong vùng có dịch và ngoài tỉnh không được đưa thuyền viên lên bờ”, Trung tá Nguyễn Khánh Hùng – Đồn trưởng Đồn biên phòng Phước Lộc, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Thuận cho biết. 

Cũng theo Trung tá Hùng, Đồn Biên Phòng Phước Lộc đã phối hợp với đơn vị y tế, lấy mẫu test nhanh Covid – 19 cho các ngư dân hoạt động thường xuyên tại cảng. Nhờ đó, đa phần các ngư dân ở đây đã ý thức tốt hơn trong việc vừa tăng cường đánh bắt hải sản vừa chú ý giữ gìn sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Còn tại Cảng cá Phan Thiết (phường Đức Thắng, TP Phan Thiết), các biện pháp kiểm tra, giám sát ngư dân, tàu cá ra vào cảng cũng như phương tiện, người lao động hoạt động tại cảng cũng được triển khai quyết liệt, chặt chẽ.

Ông Nguyễn Thanh Thu, Trưởng phòng Khai thác Điều hành, Ban quản lý Cảng cá Phan Thiết, cho biết: Hằng ngày, ngoài việc sử dụng hệ thống loa truyền thanh cố định, Ban Quản lý còn sử dụng loa phát thanh di động và cử các tổ công tác trực tiếp vào khu vực trong cảng nhắc nhở ngư dân, lao động biển, nhân công bốc vác, tài xế vận tải và các hộ kinh doanh dịch vụ tránh tập trung đông người vào cùng một thời điểm, tuân thủ nghiêm thông điệp 5K nhất là trung thực khai báo y tế nếu đi về từ các tỉnh, thành có dịch.

Cảng cá Phan Thiết.

“Đối với các tàu cá ngoài tỉnh khi cập cảng, để giảm thiểu tối đa thời gian các thuyền viên lưu trú, lên bờ và đảm bảo phòng, chống dịch, Ban Quản lý cảng cá phối hợp với các lực lượng yêu cầu các thuyền trưởng, thuyền viên không lên bờ, tổ chức bốc dỡ hàng hóa nhanh, khẩn trương nhập nguyên liệu, sau đó đề nghị các thuyền nhanh chóng rời cảng. Ngoài ra, các tàu, thuyền ngoài tỉnh có thể dùng phương án trung chuyển hải sản, sản phẩm khai thác trong vùng nước cảng để hạn chế tiếp xúc với người dân tại cảng” – ông Thu cho biết thêm.

Bình Thuận có 192 km chiều dài bờ biển. Theo đó, số lượng tàu, thuyền, lao động hành nghề khai thác hải sản rất lớn. Để triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ người, tàu thuyền hoạt động trong khu vực biên giới biển trên địa bàn tỉnh, không để phát sinh các nguồn lây dịch Covid-19 qua tuyến biển, UBND tỉnh đã ban hành công văn đề nghị: UBND các tỉnh, thành phố ven biển thông báo cho ngư dân khi đến neo đậu, bốc dỡ sản phẩm, bổ sung nhiên liệu, nhu yếu phẩm… trên địa bàn tỉnh phải vào đúng các Cảng có chốt kiểm soát dịch Covid-19, bao gồm: Cảng cá Phan Rí Cửa, Cảng cá Phan Thiết, Cảng cá La Gi và Cảng vận tải Phú Quý; đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại các cảng. Đối với tàu cá khai thác xa bờ, tàu dịch vụ thủy sản trong tỉnh chỉ đươc cập 4 cảng có chốt kiểm soát dịch.

Ngoài ra, khi cập cảng, thuyền trưởng, các thuyền viên viên phải khai báo y tế, xuất trình nhật ký hành trình, nhật ký khai thác cho chốt kiểm soát và văn phòng đại diện nghề cá để kiểm tra kiểm soát, phòng chống dịch. Giao trách nhiệm cho chốt kiểm soát tuyến biển tổ chức lấy mẫu tầm soát ngẫu nhiện để kịp thời phát hiện nguồn lây nhiễm. 

Ngọc Diệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cụm thi đua các Hội Nhà báo miền Đông Nam bộ và TP. HCM ký kết giao ước thi đua năm 2025
BTO - Sáng 24/12, tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Cụm thi đua các Hội Nhà báo miền Đông Nam bộ và thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức tổng kết hoạt động năm 2024, đồng thời ký kết giao ước thi đua năm 2025. Dự Hội nghị có đồng chí Phạm Xuân Hà - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng và lãnh đạo các Hội Nhà báo trong Cụm thi đua.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ hoạt động nghề biển