Mục tiêu của tỉnh trong thời gian tới là sẽ chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, từ sản xuất nông nghiệp truyền thống lấy sản lượng làm trọng tâm sang sản xuất chế biến, cung cấp dịch vụ nông nghiệp chất lượng, sạch, an toàn, có giá trị kinh tế cao gắn với phát triển thị trường và lợi thế cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời tăng cường thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân đầu tư vào nông nghiệp, lấy doanh nghiệp, hợp tác xã giữ vai trò nòng cốt, làm cầu nối, dẫn dắt trong xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị, hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Từ thực tế trên, muốn phát triển nông nghiệp bền vững thì yếu tố môi trường phải được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, tỉnh ta là một tỉnh nông nghiệp thì tình trạng về bảo vệ môi trường trong hoạt động nông nghiệp trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Theo Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Thuận đã hướng đến phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, giảm phát thải khí nhà kính. Đến năm 2050, tỉnh phấn đấu có nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị.
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh đang dần hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường. Tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất nâng cao hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững. Thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến. Phát triển kinh tế nông thôn tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn, xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa… Đối với ngành nông nghiệp của tỉnh, trong những năm qua ngành có đã nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn phát thải trong ngành nông nghiệp ra môi trường nhằm tăng cường công tác quản lý, xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh. Ngành còn tăng cường chỉ đạo việc thu gom, phân loại, tái sử dụng và thay thế vật liệu để ngăn chặn phát thải từ các nguồn thải trong ngành nông nghiệp ra môi trường. Đối với rác thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đặt mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2022 ‐ 2025, ở lĩnh vực trồng trọt sẽ giảm sử dụng tối thiểu 15% vật liệu nhựa, thu gom, phân loại được tối thiểu 60% và tái sử dụng được tối thiểu 12% chất thải nhựa. Lĩnh vực bảo vệ thực vật, giảm sử dụng tối thiểu 20% vật liệu nhựa, thu gom, phân loại được tối thiểu 80% và tái sử dụng được tối thiểu 12% chất thải nhựa... Trong giai đoạn 2026 ‐ 2030, mục tiêu hướng tới ở lĩnh vực trồng trọt sẽ giảm sử dụng tối thiểu 30% vật liệu nhựa, thu gom, phân loại được tối thiểu 100% và tái sử dụng được tối thiểu 20% chất thải nhựa. Lĩnh vực bảo vệ thực vật, giảm sử dụng tối thiểu 30% vật liệu nhựa, thu gom, phân loại được tối thiểu 100% và tái sử dụng được tối thiểu 20% chất thải nhựa. Lĩnh vực chăn nuôi, giảm sử dụng tối thiểu 50% vật liệu nhựa, thu gom, phân loại được tối thiểu 100% và tái sử dụng được tối thiểu 30% chất thải nhựa...
Để giảm thải trong phát triển nông nghiệp trong thời gian tới cần quy hoạch mặt bằng chung và hạ tầng cơ sở. Trong đó cần bố trí thỏa đáng diện tích cho việc thu gom và xử lý chất thải, diện tích cây xanh, đầu tư giải quyết hệ thống đường sá trong ngoài thôn xóm cũng như hệ thống cấp thoát nước. Cần căn cứ cụ thể vào điều kiện tự nhiên của từng vùng, từng địa phương để có giải pháp hợp lý nhằm thực hiện công tác bảo vệ môi trường được tốt hơn. Phải đa dạng hóa các giải pháp bảo vệ môi trường nhằm tận dụng được các ưu thế và khắc phục được hạn chế của từng vùng. Giải pháp gom và xử lý chất thải phải được đặt lên hàng đầu như phân loại rác để có biện pháp xử lý cho từng loại rác, đồng thời có thể tái chế lại những loại rác có thể tái chế nhằm tận dụng lại và giảm bớt chi phí. Ngoài ra, cần có chính sách chuyển đổi cơ cấu sản xuất, khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn theo quy hoạch, tập trung các khu sản xuất, kế hoạch gắn với bảo vệ môi trường. Đa dạng hóa đầu tư cho bảo vệ môi trường, các ngành, địa phương cần hỗ trợ thay đổi công nghệ, quy hoạch khu sản xuất với hệ thống xử lý nước thải, rác thải…