Phú Quý - một trong những địa bàn có thế mạnh về khai thác xa bờ, thu mua hải sản trên biển. Ảnh: Đ.Hòa |
Trước thực trạng đó, dù đang trong không khí chào đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, nhưng UBND tỉnh vẫn ban hành quyết định về việc kiện toàn Tổ công tác liên ngành giải quyết các vấn đề liên quan đến tàu cá, ngư dân Bình Thuận bị nước ngoài bắt giữ. Theo đó, Tổ công tác do Giám đốc Sở NN & PTNT làm tổ trưởng cùng 8 thành viên đại diện lãnh đạo Công an tỉnh, BCH Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản, Hội Nông dân và các địa phương có thế mạnh về nghề cá (Phan Thiết, La Gi, Tuy Phong, Phú Quý). Đồng thời, Tổ công tác vừa được kiện toàn sẽ có nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh các giải pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Bình Thuận bị nước ngoài bắt giữ. Bên cạnh đó còn xây dựng cơ chế phối hợp với Tổ công tác của Trung ương, bộ ngành liên quan và Đại sứ quán Việt Nam ở các nước cũng như theo dõi, tổng hợp tình hình, tham mưu UBND tỉnh báo cáo cấp thẩm quyền để chủ động giải quyết vụ việc…
Được biết, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên chủ yếu do nguồn lợi thủy sản tại những ngư trường truyền thống trong nước bị suy giảm, dẫn đến một số ngư dân vì lợi ích kinh tế mà cố tình xâm phạm chủ quyền vùng biển các nước láng giềng. Thêm vào đó còn có trường hợp tổ chức và cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân trong tỉnh ra nước ngoài khai thác, thu mua hải sản trái phép nhưng chưa được phát hiện, xử lý thích đáng… Do vậy mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận đề ra nhiệm vụ phấn đấu “sẽ chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý trước ngày 30/4/2018”.
Để triển khai các giải pháp đạt mục tiêu trên, Công an tỉnh và BCH Bộ đội Biên phòng được giao nhiệm vụ nắm tình hình, điều tra, xử lý ngăn chặn hành vi móc nối tổ chức đưa tàu cá, ngư dân Bình Thuận ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép, hoặc môi giới chuộc tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước. Đối với các sở, ngành và địa phương thì tùy theo chức năng mà kiên quyết xử lý đồng bộ những trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, áp dụng nghiêm biện pháp xử phạt theo quy định của pháp luật. Trước mắt, yêu cầu phải tiến hành xử phạt nghiêm đối với tất cả chủ tàu cá vi phạm, không phân biệt chủ tàu có bị tịch thu tàu cá hay không. Đó là thu hồi giấy phép khai thác thủy sản, chứng chỉ thuyền, máy trưởng và tạm dừng chuyển quyền sở hữu trong vòng 6 tháng đối với tàu cá bị nước ngoài bắt giữ thả về, nếu tái phạm sẽ thu hồi vĩnh viễn. Tiếp nữa không cấp giấy phép khai thác thủy sản, không cho đăng ký mới tàu cá đối với chủ tàu cá đã vi phạm vùng biển nước ngoài bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Cùng với đó sẽ không giải quyết hỗ trợ theo Quyết định 48 đối với những trường hợp chủ tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Không cho chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đăng ký, hoặc đưa ra khỏi danh sách đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 và cũng không giải quyết các chính sách hỗ trợ khác theo nghị định này…
Với những giải pháp quyết liệt và thể hiện sự quyết tâm cao, hy vọng Bình Thuận sẽ là địa phương sớm ngăn chặn hiệu quả, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.
Đ.QUỐC