Những vụ tai nạn thương tâm
Lúc 19 giờ ngày 25/5/2024 tại KM 1736+900, quốc lộ 1A, thuộc thôn Lập Đức, xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam, xe gắn máy do N.T.A.T (SN 2006, ngụ Tân Lập) điều khiển hướng Phan Thiết đi Đồng Nai do không chú ý quan sát đã đụng vào người đi bộ là ông P.Q.N (SN1973, ngụ xã Tân Thuận). Hậu quả vụ va chạm làm ông N tử vong. 2 ngày sau, lúc 10 giờ ngày 27/5, trên đường Thống Nhất, thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong xe mô tô do Lê Tấn Hưng (SN 2010, ngụ Phan Rí Cửa) điều khiển hướng QL 1A đi chợ Phan Rí Cửa đã tông vào người đi bộ băng qua đường từ lề trái sang lề phải. Hậu quả làm người đi bộ bị thương. Nguyên nhân là do xe mô tô không chú ý quan sát. Mới nhất trên đường hương lộ thuộc xã Chí Công, huyện Tuy Phong xe mô tô do Lê Hoài Thông điều khiển đã tông vào Trần Xuân Hiếu (SN 2008, ngụ xã Chí Công) đang đi bộ băng qua đường. Hay vụ tai nạn xảy ra tại khu phố 14, thuộc phường Mũi Né vào ngày 3/4 khi xe mô tô do Phan Tuấn Kiệt (SN 2005, ngụ phường Mũi Né) điều khiển theo hướng đường Huỳnh Thúc Kháng đi Nguyễn Hữu Thọ đã xảy ra va chạm với ông Đ.V.R (SN 1940, ngụ Mũi Né) đang đi phía trước cùng chiều. Hậu quả làm ông R tử vong. Nguyên nhân ban đầu là do người điều khiển mô tô thiếu chú ý quan sát. Đó là những vụ tai nạn, va chạm giao thông trong số hàng chục vụ tai nạn liên quan đến người đi bộ xảy ra từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao ý thức, phòng tránh rủi ro
Theo ghi nhận của chúng tôi, tai nạn giao thông xảy ra với người đi bộ thường để lại hậu quả hết sức nặng nề cho người đi bộ với những chấn thương nặng thậm chí là tử vong. Mặc dù hiện nay Luật Giao thông đường bộ quy định khá rõ về trách nhiệm của người đi bộ khi tham gia giao thông, cũng như các phương tiện khác có nghĩa vụ nhường đường cho người đi bộ. Tuy nhiên hiện nay do hạ tầng giao thông chưa đồng bộ như không có vạch kẻ đường, không có đèn tín hiệu. Người dân cứ thế đi tự do, chạy thật nhanh để băng qua đường, hay không đi đúng vạch kẻ đường dành cho người đi bộ mà giơ cánh tay làm tín hiệu và cứ thế, vô tư cắt ngang dòng phương tiện đang di chuyển. Ngoài ra người điều khiển phương tiện chưa cao nên ý thức về việc nhường đường cho người đi bộ, thiếu chú ý quan sát. Điều này dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tưởng chừng như đơn giản, nhưng cướp đi mạng sống của người đi bộ.
Để hạn chế rủi ro tai nạn giao thông với người đi bộ, người tham gia giao thông cần hình thành văn hóa văn minh trong việc tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông, có ý thức nhường đường cho người đi bộ. Ngoài ra để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, người đi bộ trước tiên phải trang bị kiến thức và chú ý cẩn thận để đảm bảo an toàn cho mình. Theo đó phải tuân thủ các quy tắc giao thông như phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường. Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn. Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường. Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.
Rủi ro tai nạn giao thông không chừa một ai và để lại hậu quả hết sức nặng nề cho gia đình và xã hội. Vì vậy mọi người dân khi tham gia giao thông dù đi bộ hay điều khiển phương tiện cần nâng cao ý thức cảnh giác, chú ý quan sát, tuân thủ tốc độ để đảm bảo an toàn cho mình và cho người khác.