Theo dõi trên

Ngành Công Thương: Tăng tốc “về đích” đảm bảo hoàn thành và vượt kế hoạch

17/11/2022, 07:17

Trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, nhưng ngành Công Thương Bình Thuận đã có nhiều nỗ lực hướng tới hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm nay…

Năm 2022 dần khép lại cũng là thời điểm mà ngành Công Thương địa phương tăng tốc hoàn thành chỉ tiêu ở các lĩnh vực công nghiệp, thương mại nội địa, xuất khẩu hàng hóa, hoạt động khuyến công… Kết quả thực hiện trong 10 tháng qua của ngành cho thấy tình hình chuyển biến theo hướng tích cực, khả năng “về đích” hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra.

img_0038.jpg
May mặc - một trong những sản phẩm công nghiệp đóng góp kim ngạch xuất khẩu đáng kể cho địa phương (Ảnh minh họa).

Như trên lĩnh vực công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) trong 10 tháng qua đạt gần 32.100 tỷ đồng, tăng 8,38% so cùng kỳ năm ngoái. Theo dự ước của Sở Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Bình Thuận cả năm đạt 38.739 tỷ đồng, tăng 8,11% so năm 2021 và hoàn thành kế hoạch năm nay. Trong đó “đầu tàu” là công nghiệp chế biến - chế tạo có thể đạt 20.690 tỷ đồng (tăng 16,39% so thực hiện năm ngoái), đồng thời có 12/16 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so cùng kỳ, gồm: Đá xây dựng, cát sỏi các loại, gạch các loại, nước khoáng, sản phẩm may mặc…

Hoạt động thương mại nội địa nhìn chung đã ổn định trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hàng hóa lưu thông thông suốt và hỗ trợ phát triển kinh doanh cũng mang lại một số kết quả thiết thực. Với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 10 tháng qua đạt hơn 60.000 tỷ đồng (tăng 23,61% so cùng kỳ), ngành Công Thương địa phương kỳ vọng cả năm sẽ chạm mức 74.400 tỷ đồng. Con số này so thực hiện trong năm 2021 tăng hơn 25%, còn so kế hoạch năm 2022 đề ra thì vượt 5,68%... Trong năm, ngành còn triển khai thực hiện các đề án thuộc chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia năm 2022: Giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm OCOP Bình Thuận, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc trưng thế mạnh của tỉnh Bình Thuận. Ngoài ra đã triển khai và hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh tham gia các sàn thương mại điện tử hoặc tổ chức hội nghị kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt với hoạt động xuất khẩu hàng hóa tiếp tục thể hiện mức tăng trưởng khá, tính riêng 10 tháng qua đã đem về cho địa phương gần 645 triệu USD, tăng 28,79% so cùng kỳ và đã hoàn thành vượt kế hoạch cả năm. Tiếp tục tăng tốc trong 2 tháng còn lại, ngành Công Thương tự tin dự ước kim ngạch xuất khẩu của năm 2022 đạt 775,9 triệu USD, tăng xấp xỉ 24% so năm ngoái và bằng 125,57% kế hoạch đề ra cho năm nay. Trong đó, nhóm hàng hải sản thực hiện 250,2 triệu USD (tăng 44,95%), nhóm hàng nông sản đóng góp 14,8 triệu USD (giảm 19,29%) và nhóm hàng hóa khác đạt 510 triệu USD (tăng 16,28%).

Trong khi đó với hoạt động khuyến công, năm nay ngành có 1 đề án nhóm khuyến công quốc gia được Bộ Công Thương phê duyệt kinh phí hỗ trợ là 1,2 tỷ đồng cho 4 đơn vị thụ hưởng. Bên cạnh đó còn có 6 đề án khuyến công địa phương và 2 chương trình khác được UBND tỉnh phê duyệt với tổng kinh phí hỗ trợ 1,08 tỷ đồng. Ở lĩnh vực này, Sở Công Thương Bình Thuận cho biết hiện các đề án đang triển khai thực hiện theo kế hoạch, dự kiến đến cuối năm 2022 sẽ hoàn thành 100% đề án.

Với những kết quả nêu trên, ngành Công Thương Bình Thuận đang hướng đến năm mới 2023 với nỗ lực đạt mức tăng trưởng cao hơn so thực hiện trong năm nay. Chủ yếu tập trung vào các chỉ tiêu về giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cũng như triển khai thực hiện hoàn thành tất cả đề án khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương năm 2023…

Trong năm 2022, Sở Công Thương Bình Thuận cũng thường xuyên liên hệ với sở đồng chức năng các tỉnh biên giới phía Bắc nhằm nắm tình hình mở cửa của cửa khẩu chính ngạch, cửa khẩu phụ, chợ biên giới. Qua đó kịp thời cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh biết để chủ động trong việc thu hoạch, thu mua cũng như có sự phối hợp vận chuyển hàng hóa lên khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc hợp lý, đảm bảo an toàn chất lượng hàng hóa và tránh tình trạng bị ép cấp, ép giá…

QUỐC TÍN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Cơ cấu lại nền kinh tế: Tạo bước đột phá trong phát triển các ngành chủ lực
Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn mới, Bình Thuận hướng đến tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng…
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành Công Thương: Tăng tốc “về đích” đảm bảo hoàn thành và vượt kế hoạch