Tại điểm cầu Bình Thuận có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh và đại diện lãnh đạo Sở TT&TT tỉnh, cùng các đơn vị liên quan.
Thực hiện chủ đề năm 2024 của ngành TT&TT: “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”, với những hành động cụ thể, cách làm mới đã mang lại những giá trị thực chất, hiệu quả, góp phần hoàn thành cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ phát triển ngành. Cụ thể, doanh thu toàn ngành ước đạt 4.243.984 tỷ đồng, tăng 13,2% so năm 2023. Nộp ngân sách nhà nước đạt 109.49 tỷ đồng, tăng 15,1% so năm 2023. Chỉ riêng năm 2024, số giao dịch thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia là 1,031 tỷ giao dịch, bằng 1/2 tổng số giao dịch của 4 năm trước đó. Đến nay, 63/63 địa phương trên cả nước thành lập gần 94.000 tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ), với trên 457.000 thành viên tổ đến cấp xã, phường, thôn, bản, phố, khóm. Từ mô hình phát triển đơn lẻ tại địa phương, tổ CNSCĐ đã hình thành một mạng lưới chuyển đổi số rộng khắp cả nước, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho công tác chuyển đổi số chung của quốc gia, là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ cấp tỉnh đến cơ sở.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông chính sách cũng được đẩy mạnh, với 97,8% các bộ, ngành và địa phương xây dựng chương trình truyền thông chính sách. Tỷ lệ tin bài về truyền thông chính sách trên các phương tiện báo chí cũng tăng từ 11% lên 20%, thể hiện sự quan tâm và nỗ lực trong việc truyền tải thông tin về các chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân.
Riêng tỉnh Bình Thuận, hệ thống truyền dẫn cáp quang, mạng internet băng rộng, di động được đầu tư nâng cấp, phát triển phủ sóng đến mọi địa bàn dân cư. Tỷ lệ dân số được phủ sóng mạng di động 3G, 4G đạt 99,9%; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối băng rộng cố định đạt 96,57%. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã hoàn thành nâng cấp và đưa vào khai thác sử dụng hiệu quả. Bình Thuận thuộc nhóm tốt với xếp hạng 33/63 tỉnh, thành phố. Hiện tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán đang còn hoạt động tại các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn đạt khoảng 95,2%...
Năm 2025, hội nghị đề ra nhiệm vụ hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, phấn đấu đạt 80% tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình; mở rộng phủ sóng 5G; duy trì thứ hạng top 30 trên thế giới về an toàn, an ninh mạng toàn cầu của Liên minh Viễn thông quốc tế; xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí theo kế hoạch, thúc đẩy báo chí phát triển mạnh mẽ, đúng định hướng…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc biểu dương những kết quả ngành TT&TT đạt được. Đồng thời, yêu cầu trong thời gian tới toàn ngành tiếp tục phát huy thế mạnh, tích cực đổi mới sáng tạo, khắc phục những hạn chế và thách thức. Trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi số và công nghiệp số, phát triển hạ tầng số, nâng cao năng lực dịch vụ, áp dụng mạnh mẽ AI, góp phần thực hiện mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Sau khi hợp nhất 2 bộ, thì Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông sẽ là lực lượng nòng cốt để hiện thực hóa nghị quyết đặc biệt quan trọng này. Đây là mệnh lệnh, trách nhiệm toàn ngành và kỳ vọng chuyển đổi số sẽ góp phần đặc biệt quan trọng để vươn mình đứng dậy mạnh mẽ, trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao vào năm 2045…
Tại hội nghị, Bộ TT&TT đã ra mắt Mạng lưới truyền thông chính sách toàn quốc. Đồng thời tặng bằng khen của Bộ cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác truyền thông chính sách và thực hiện lộ trình dừng công nghệ 2G.