Ông Nguyễn Quốc Việt - Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận. |
Thưa ông, những điểm nổi bật về điều trị và dự phòng của ngành y tế tỉnh trong thời gian gần đây?
Đến nay, các bệnh truyền nhiễm như sởi, sốt xuất huyết, zika, tay chân miệng, sốt rét... được giám sát chặt chẽ và xử lý kịp thời. Các trường hợp nghi mắc bệnh lây nhiễm nguy hiểm được lấy mẫu để xác định, tiến hành điều tra dịch tễ và thực hiện phòng chống dịch khẩn cấp. Hoạt động khám chữa bệnh tại các bệnh viện, trung tâm y tế tạo được niềm tin cho người bệnh, thu hút nhiều bệnh nhân; nhờ thay đổi cách cư xử, xử lý nhanh phản ánh, kiến nghị, đơn giản thủ tục hành chính... Bên cạnh đó, các bệnh viện, trung tâm y tế đảm bảo đủ thuốc, vắc-xin, sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế cho điều trị bệnh và tình huống dịch bệnh.
Với phòng chống dịch Covid-19, ngành y tế chuẩn bị thuốc, hóa chất, vật tư y tế và trang thiết bị phục vụ cần thiết; tổ chức tập huấn chẩn đoán, điều trị bệnh. Thành lập các đội cơ động phản ứng nhanh từ tỉnh đến xã; bố trí các khu vực cách ly, thu dung và điều trị bệnh theo quy định. Riêng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thành lập 4 đội phản ứng nhanh, sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới giám sát, xử lý ổ dịch và lấy mẫu bệnh phẩm.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ngành y tế tỉnh có gặp khó khăn gì?
Hiện nay, thuốc, hóa chất và các trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch bệnh cơ bản đáp ứng trong thời gian nhất định. Nếu dịch bùng phát rộng và kéo dài, thì một số trang thiết bị, hóa chất có khả năng sẽ bị thiếu. Bởi các công ty sản xuất và kinh doanh các mặt hàng này không đáp ứng nhu cầu cho các tỉnh trên toàn quốc, trong đó có tỉnh Bình Thuận. Chúng tôi đã liên hệ với các công ty theo danh sách mà Bộ Y tế cung cấp nhưng không liên lạc được. Nếu liên lạc được, thì họ báo hết hàng. Chúng tôi báo cáo tình hình này với đoàn công tác của Viện Pasteur Nha Trang ngày 26/2 và kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh mua thêm hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch.
Trong khi chờ đợi sự hỗ trợ từ Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện chủ động mua sắm thêm vật tư y tế thông qua mối quan hệ của đơn vị trong quá trình làm việc. Song song đó, chúng tôi tiếp tục bám sát, tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan Trung ương để thực hiện mua sắm và có kế hoạch điều tiết bổ sung vật tư cho những nơi có nguy cơ cao nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch bệnh.
Ông cho biết, ngành y tế dự đoán tình hình dịch Covid-19 kéo dài bao lâu và sự chuẩn bị các phương án ứng phó như thế nào?
Tính đến 25/2, tình hình nhiễm Covid-19 lây lan rộng 32 quốc gia diễn biến phức tạp, với số người nhiễm và tử vong cũng tăng hàng ngày. Các chuyên gia khuyến cáo những bệnh nhân đã được xác định âm tính rồi vẫn có thể phát bệnh trở lại, nên những người đã bình phục vẫn phải tiếp tục tự cách ly, theo dõi và chăm sóc sức khỏe cẩn thận. Đến nay, Bình Thuận chưa ghi nhận ca mắc Covid-19. Dự báo tình hình dịch Covid-19 này kéo dài bao lâu thì không thể xác định được và chưa thể nói trước dịch sẽ lây lan tới đâu.
Sự chuẩn bị ứng phó là thực hiện phương châm “4 tại chỗ” với các biện pháp dập dịch toàn diện; kiểm soát chặt đường mòn, lối mở, không để xảy ra tình trạng đi lại mất kiểm soát giữa các khu vực, vùng miền. Trước hết, cách ly, giám sát công dân từ vùng dịch về Bình Thuận theo đúng quy định; mở rộng diện giám sát và giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ, nhất là người có dấu hiệu, triệu chứng dịch bệnh. Khoanh vùng dập dịch tại chỗ ở nơi có ổ dịch, với 4 vòng cách ly gồm người nhà của bệnh nhân thì coi như bệnh nhân, cách ly tại bệnh viện; người tiếp xúc gần thì cách ly tại các cơ sở tập trung; người có tiếp xúc với những người có tiếp xúc gần thì cách ly trong nhà, không ra ngoài; cách ly hạn chế quy mô toàn thôn hoặc xã…
Xin cảm ơn ông!
Trang Hiếu (thực hiện)