Cưỡng chế nếu không thi hành
Với tổng mức đầu tư 19 tỷ đồng, có 10 vị trí là những điểm nút giao thông quan trọng của TP. Phan Thiết được lắp đặt camera, trong đó có 6 vị trí camera giám sát lỗi vi phạm vượt đèn đỏ đặt tại ngã 4 Trần Hưng Đạo - Thủ Khoa Huân, Trần Hưng Đạo - Cao Thắng, Thủ Khoa Huân - Tôn Đức Thắng và 4 vị trí giám sát tốc độ đặt trên đường Võ Văn Kiệt và đường Hùng Vương. Đây là hệ thống sử dụng phần mềm tự động, được đánh giá là hiện đại nhất trên cả nước. Ngay khi phát hiện có vi phạm, hệ thống sẽ tự mã hóa biển số xe, thông tin chủ sở hữu phương tiện, lỗi vi phạm và truyền về trung tâm giám sát.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Thanh, Phó trưởng Phòng CSGT (Công an tỉnh) - đơn vị tiếp nhận và điều hành hệ thống camera giám sát cho biết, để khai thác dữ liệu trích xuất từ camera, Phòng CSGT sử dụng 3 đội nghiệp vụ là Đội CSGT số 2, Đội đăng ký quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Đội tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm. Theo đó, việc xử phạt các trường hợp vi phạm bằng hình ảnh được tiến hành bằng hai biện pháp: Một là tiến hành trích xuất hình ảnh, gửi phiếu báo về nơi cư trú của người vi phạm, mời đến Phòng CSGT làm việc và tiến hành các thủ tục xử lý hành chính theo quy định của pháp luật, hay còn gọi là “phạt nguội”. Hai là thông báo qua bộ đàm, gửi hình ảnh các phương tiện vi phạm qua Ipad chuyên dụng cho các tổ cảnh sát giao thông đang có mặt ở chốt giao thông gần đó. Các tổ này sẽ căn cứ vào hình ảnh và thông tin truyền tải đến để dừng xe, kiểm tra và xử lý.
Sau khi phiếu báo vi phạm được in ra, thông báo sẽ được gửi đến chủ sở hữu để mời lên nộp phạt. |
Với hình thức “phạt nguội”, phiếu báo vi phạm gửi về địa phương đến lần thứ 3 mà người vi phạm không đến nộp phạt thì Phòng CSGT sẽ phối hợp với công an địa phương tiến hành cưỡng chế. Trường hợp phương tiện vi phạm đã bán, sang nhượng cho cá nhân khác mà chưa sang tên đổi chủ, quy trình có phức tạp hơn. Cụ thể, khi nhận được giấy thông báo, người chủ sở hữu phương tiện ban đầu sẽ có trách nhiệm khai báo tên và địa chỉ chủ sở hữu mới, cơ quan công an sẽ gửi tiếp giấy mời và cứ liên tục quy trình như vậy, đến khi nào mời được đúng người điều khiển phương tiện gây ra lỗi vi phạm mới thôi. Thượng tá Nguyễn Ngọc Thanh nhấn mạnh: “Việc phạt nguội về bản chất giống xử lý vi phạm giao thông bình thường, nhưng ở đây có cung cấp thêm hình ảnh để người vi phạm biết, tránh xảy ra tranh cãi khi không có chứng cứ. Ngoài ra, còn nâng cao ý thức đối với chủ phương tiện khi cho mượn hoặc khi mua bán phải làm thủ tục sang tên đổi chủ, vì nếu phát hiện phương tiện vi phạm CSGT sẽ chỉ gọi chính chủ”.
Mục đích răn đe là chính
Xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh trên địa bàn tỉnh là một hướng đi tất yếu của xã hội hiện nay. Xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông qua hình ảnh giúp đảm bảo tính khách quan, minh bạch, tăng tính thuyết phục đối với người vi phạm. Việc gửi thông báo mời lái xe vi phạm đến thực hiện quyết định xử phạt chính là biện pháp nhằm tăng tính răn đe đối với các trường hợp cố tình vi phạm. Qua đó tạo cho người dân ý thức tự giác, chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật về an toàn giao thông, kể cả khi không có lực lượng CSGT cắm chốt.
Ngoài ra, những hình ảnh được trích xuất từ hệ thống camera sẽ làm căn cứ, tài liệu, chứng cứ cho lực lượng chức năng trong quá trình điều tra, xác minh nguyên nhân một cách nhanh chóng, chính xác các vụ tai nạn giao thông. Đồng thời giúp cơ quan điều tra thu thập chứng cứ, trích xuất hình ảnh phục vụ xử lý các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự xảy ra trên địa bàn. “Việc xử lý vi phạm qua hình ảnh không phải để xử phạt thật nhiều, mà nhằm mục đích tuyên truyền, răn đe để người dân khi ra đường đều phải ghi nhớ, tuân thủ pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Thời điểm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang cận kề, tất cả những biện pháp mà Phòng CSGT đang triển khai đều hướng đến mục tiêu chung là giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân…” - Thượng tá Nguyễn Ngọc Thanh khẳng định.
Khánh Chi