Theo dõi trên

Ngày xưa, tôi đi câu cá…

04/07/2018, 09:41

BT - Trước năm 1975, tôi thường đi câu ở những nơi như Đá Ông Địa, gành đá Phú Hài, biển Thương Chánh, cầu tàu Đức Long. Câu ở sông thì câu ở cầu Quan, sông Cà Ty, có khi ra cầu Ké, cầu Ké bởi nhiều cá ngon, nhưng phải đi đúng theo con nước. Nào là cá hồng, cá mú, cá hanh, cá vàng mũi, nếu câu cá lớn như cá chẻm thì phải sắm cần bạt, cước to lưỡi lớn, mồi câu thì mua hoặc xúc ven sông - mồi tôm sống; cá hanh chón, hanh lở thì thích mồi gián đất; cá hồng có cá hồng nâu, hồng chấm; cá mú có mú bông, mú đá.

Đặc biệt trên sông Cà Ty, khoảng từ cầu giữa trở lên đến cầu Bát Xì, đi ngược lên Phú Tài, Phú Hội, vào mùa nước nguồn đổ về thì đi câu tôm càng và cá bống là thú và kinh tế nhất. Hồi đó nước sông sạch lắm, triều lên thì xanh thẳm, nguồn về thì đục phù sa. Tôm càng ở búng trong sông nước ngọt, lũ nguồn về mạnh nên bị trôi đến khúc dưới này, nhờ có đá nên trụ lại.

Câu tôm càng là cả một nghệ thuật, chỉ câu bằng cần trói (chói) cước nhỏ, nhất là lưỡi câu, nếu câu lưỡi đúc, tôm bị cấn răng là lập tức nhả mồi, phải câu bằng dây đờn, loại dây Si số 2, đem về uốn lại. Uốn lưỡi cũng là một kỳ công, đồ nghề là một cây đèn dầu, cây giũa, kềm và cái búa làm đe. Đầu tiên, hơ đầu dây đờn lên ngọn lửa, xong lấy xuống giũa cho nhọn đầu, bẻ một góc êke rồi uốn cong theo hình lưỡi câu, tính độ dài xong, dùng giũa cắt rời lưỡi câu ra, hơ phần đuôi lên ngọn đèn để uốn phần đuôi lưỡi có gờ cho cước bám chắc, không bị sút. Loại lưỡi câu này khi tôm ăn mồi (mồi trùn) không bị cấn lưỡi nên không bỏ mồi. Mồi trùn mà đào trùn đất thì mồi không nhạy, phải tìm loại trùn nước mặn, sống ở những bãi bần sú ven sông từ cầu Bát Xì lên đến sau lưng sân banh và nhà máy nước. Triều lên thì ngập nước, triều rút thành bãi bồi. Trên bãi bồi khi nước rút chỉ còn có cá thòi lòi và cua còng mà thôi. Trùn nước mặn còn gọi là trùn huyết, khi nước rút ngoi lên sát mặt đất, trổ lỗ lên để thở và thải phân. Đi lần theo bãi, chỗ nào có dấu phân, đào lên, bẻ đất ra là bắt được. Loại trùn này màu đỏ tươi, có chân như con rít, da óng ánh, mùi rất thơm, giống như cua đồng nướng, nhỏ hơn trùn đất. Thành ra tiếng đi câu tôm, nhưng người có người không, người nhiều người ít là nhờ “bí quyết” này.

Con cá bống vàng ở sông rất ít, câu được rất quý, bán có tiền vì phụ nữ nằm ổ thích ăn loại cá này kho tiêu. Tôm câu được nhiều, mang đi bán những nhà hàng như Nam Thạnh Lầu, Tân Phương Viên… Hồi đó, những nhà hàng sang mới mua.

Kỹ thuật câu tôm cũng rất khó bởi câu bằng lưỡi dây đờn nên phải nương, không được giật; khi tôm ăn mồi, độ chừng rồi nhấc dần cần câu lên, tôm ham mồi nên cố ghì lại và ăn nhanh; nhích lên từ từ cho đến lúc tôm hỏng chân là nó bắt đầu chạy; khi tôm chạy phải dựng đứng cây cần, để dựa vào độ dẻo của đầu cần câu làm giảm sức chạy của tôm rồi dìu từ từ vào gần bờ mới xách lên, cẩn thận thì thêm cái vợt vào gần bờ xách lên khỏi mặt nước, tôm dễ bị rớt do sức chảy của nước và sức nặng của tôm; không nên kéo căng vì căng quá sẽ bị quát lưỡi.

Chì câu, không phải nặng bao nhiêu cũng được mà phải tùy thuộc vào loại cá hay tôm muốn câu và con nước chảy hay đứng, phải mua chì cục về bỏ vô lon sữa bò, đốt chảy ra, đục lỗ lớn nhỏ dưới đất ẩm, nhổ thân cây cỏ nhỏ còn tươi cắm ở giữa lỗ, khi đổ chì vào, đất ẩm sẽ làm giảm độ  sôi của chì và làm bóng cục chì, còn độ nóng thì đốt chín cọng cỏ, rút cọng cỏ ra còn lại lỗ để xỏ dây cước, khi chì nguội dùng kềm lấy lên, gọt sạch lớp ngoài, dùng dây kẽm thông lỗ giữa, sau đó mài lại, một đầu nhọn một đầu bằng. Loại chì câu này rất ít mắc đá. Trong nghề câu, nhìn giàn cần câu, chì câu, lưỡi câu, mồi câu là biết “tay nghề” người câu.

Biển Thương Chánh lúc trước gần bờ có hai nhóm đá, lúc nước cạn mới lộ ra, nước lớn là ngập mất. Trong mỗi nhóm đá có một hòn hơi lớn, phía nam là hòn vuông, phía bắc là hòn bắc. Hai chỗ này phải canh đúng con nước, lúc cạn sát thì đi ra trước leo lên hòn ngồi chờ nước lớn, khi nước lớn quanh hòn có rất nhiều cá, câu đến khi thấy nước lên ngập hòn thì lội vào, nước sâu khoảng đến ngực, phải móc lưỡi câu vào trong lai áo, cần câu nổi trên nước, giỏ câu phải cột thật chặt vào lưng, dép mang trong chân phải có quai hậu vì lúc vào nước lớn, sóng vỗ rất mạnh, hai tay phải rảnh để bơi hoặc bấu  vào bờ đá để đi, sóng đánh té thì bơi, cạnh đá rất bén dễ đứt tay chân. Vào đến bờ cả người ướt mem, mình mẩy có khi dính máu… Vẫn không sợ, bữa khác lại đi, nhưng phải đi  ba, bốn người để có té thì đỡ nhau.

Câu ở Đá Ông Địa thì đường xa, khi đi phải chuẩn bị đầy đủ kể cả đồ ăn trưa mà có khi không có con nào. Buồn quá chuyển qua câu chim, nước cạn, sóng nhỏ, chim đi ăn gần mép sóng, móc mồi rồi ném trên cát gần chỗ chim ăn, kéo rê thì chim chạy theo gắp mồi, có khi kiếm được vài ba con đỡ buồn. Câu ở cầu Ké hay cầu Quan, những lần cá không có mà mồi tôm còn nhiều, lấy nguyên con móc vào lưỡi câu rồi bạt cần vào những nơi không có đá ngầm, chỉ có cát và bùn để câu cá vồ. Cá vồ làm sạch, chặt khúc ướp nước mắm hành ớt, tao với mỡ cho bớt tanh, nấu canh chua ăn rất ngon, nhưng dân mộ điệu rất ít khi câu loại cá này.

Hồi đó, tôi xem đi câu, không những thú vui mà còn là một cách di dưỡng tinh thần, rèn tính kiên nhẫn, biết nắm bắt thời cơ theo con nước và  biết chấp nhận thất bại, bỏ công tốn tiền mà chẳng được gì nhưng vẫn không nản chí. Có anh gần cả  ngày  ngồi thi gan với dòng sông, nhìn con nước buông câu mà chẳng được gì chắc cũng nên xếp anh ta là người kiên trì. Hồi đó, nước sông trong xanh, biển đẹp và yên tịnh hơn bây giờ. Có người vừa ngồi câu, vừa ngắm cảnh, vừa quên hết những âu lo bên đời.

Nguyễn Dũng

 



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phiên trù bị Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV, năm 2024
Chiều 18/12, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh diễn ra phiên trù bị Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh lần thứ IV, năm 2024. Tham dự có bà Bố Thị Xuân Linh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh dự; ông Nguyễn Minh Tân - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh và 250 đại biểu chính thức.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngày xưa, tôi đi câu cá…