Họ cần mẫn tìm kiếm những giọt mủ bèo còn sót lại trong chén, trên miệng cạo, dưới gốc cao su, mang về bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Đa phần những người đi mót mủ cao su đều là phụ nữ, tất cả họ đều có chung hoàn cảnh nghèo khó khăn.
Rắc, rắc âm thanh phát ra từ cành cây cao su khô mục, đôi khi giẫm phải, xoạc xoạc tiếng bóc tách lớp mủ cao su còn sót lại trên miệng chén và còn nhiều âm thanh, tiếng động khác phát ra từ những hoạt động của những người mưu sinh mót mủ bèo trong những rẫy cao su ngút ngàn. Một người phụ nữ tầm ngoài 50 tuổi đang miệt mài, chăm chú vào việc bóc tách lớp mủ cao su còn sót trên miệng cạo rồi bỏ vào cái xô nhựa đeo trên người. Bà tên Nguyễn Thị Hoa, thường trú khu phố Lạc Hà, thị trấn Lạc Tánh. Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn phải nuôi 2 cháu nhỏ, bà là lao động chính nhưng hay ốm đau, không có việc làm ổn định nên đành phải chọn nghề mót mủ bèo để mưu sinh qua ngày. Theo bà Hoa, mót mủ bèo không phải dậy từ lúc rạng sáng, đèn pin đội đầu như thợ cạo mủ, nhưng nghề mót mủ bèo cũng vất vả nhọc nhằn. Tầm 8 giờ sáng phải chuẩn bị đồ đạc để hành nghề. Tuy dụng cụ đơn giản chỉ gồm chiếc xô đựng mủ bèo, cơm ăn trưa, nước uống. Sau khi chuẩn bị đồ đạc quần áo, khẩu trang, nón lá, bà lên chiếc xe đạp cũ kỹ phía sau yên xe đã cột sẵn chiếc giỏ cần xé để đựng mủ bèo sau một ngày vất vả kiếm được. Men theo con đường nhỏ, quanh co qua nhiều con suối nhỏ, rồi dẫn vào rẫy cao su bao la ngút tầm mắt. Đến nơi cũng tầm 10 giờ, thời điểm này tất cả các thợ cạo mủ đã hoàn tất mọi công việc và đã về nhà nhường lại không gian yên tĩnh cho những người hành nghề mót mủ cao su. Nghỉ ngơi, chuẩn bị đồ dùng bà Hoa bắt đầu hành nghề mót mủ. Từ cây này sang cây khác, hàng này sang hàng khác, lô này qua lô khác không bỏ sót bất cứ cây cao su nào, để bóc tách những giọt mủ cao su còn sót lại trong chén, trên miệng cạo và cả những giọt mủ bị rơi rớt dưới góc cây cao su đều được bà Hoa nhặt lấy bỏ vào xô. Tầm 15 - 16 giờ chiều, mặt trời cũng chuẩn bị khuất dưới rừng cao su, mủ bèo cũng đã nặng vai bà Hoa lại thu xếp đạp xe về nhà. Mỗi ngày bà kiếm được tầm 15 – 20 kg mủ bèo, 1 kg mủ bèo bán với giá 12.000 đồng. Bình quân mỗi ngày kiếm được trên dưới 200.000 đồng tùy theo giá mủ lên xuống.
Bà Đồng My, khu phố Chăm thị trấn Lạc Tánh cũng hành nghề mót mủ bèo từ nhiều năm nay cho biết: Tuy số tiền vất vả kiếm được mỗi ngày cũng chỉ trên dưới 200.000 đồng nhưng nó rất quý, bởi cả 4 miệng ăn trong gia đình đều nhờ vào số tiền này. Vì vậy, ngày nào bà cũng đều đặn vào rừng cao su để mót mủ bèo. Hôm nào trời mưa to người dân không thể đi cạo mủ cao su được thì bà mới đành ở nhà làm những việc lặt vặt. Hôm nào trời nhiều mây, mưa nhỏ thì bị đàn muỗi vây quanh hút máu, ngứa ngáy khổ sở. Ở khu phố Chăm cũng có nhiều người đi mót mủ bèo như bà My.
Các năm qua, giá mủ cao su xuống thấp, một số chủ rẫy cao su không còn mặn mà đến cây cao su nữa, có chủ không đầu tư chăm sóc, có chủ còn không thèm mở miệng khi đến mùa thu hoạch, vì có đầu tư cũng chỉ đủ chi phí cho phân, thuốc, công cán. Thế nhưng, những người mót mủ bèo như bà Hoa, bà My vẫn bám trụ để mưu sinh. Vì đây xem như công việc chính và là nguồn thu chính của họ để có tiền trang trải cuộc sống gia đình. Nếu như đầu vụ giá mủ cao su chỉ khoảng 220 đồng/độ thì hiện nay tăng lên khoảng 300 đồng/độ. Giá mủ nhích lên kích thích được một số chủ rẫy đầu mùa không mở miệng thì nay đã thuê thợ cạo mủ để có nguồn thu. Giá mủ tăng cũng đồng nghĩa giá mủ bèo cũng tăng, đây là tin không thể vui hơn đối với những người mưu sinh bằng nghề mót mủ bèo. Họ càng cần mẫn hơn để tăng nguồn thu mỗi ngày.
Huyện Tánh Linh có diện tích cây cao su khoảng 22.836 ha, sản lượng mỗi năm khoảng hơn 30.000 tấn. Những hàng cây cao su thẳng tắp, xanh rì, kéo dài miên man như những cánh rừng xanh bạt ngàn. Thời tiết ở thời điểm đã se lạnh vào sáng sớm như đã báo hiệu một mùa khô nữa lại đến gần. Như vậy tầm 2 tháng nữa các rẫy cao su lại vào mùa rụng lá, các chủ rẫy phải tạm dừng cạo mủ và những người mót mủ bèo cũng đành phải kết thúc hành trình mưu sinh với loài cây được mệnh danh “vàng trắng” ngày nào. Từ nay đến khi kết thúc mùa thu hoạch mủ cao su thì những người hành nghề mót mủ bèo vẫn đang cần mẫn mỗi ngày đều đặn bóc bóc, tách tách lớp mủ bèo sót lại để mong kiếm được nhiều hơn số mủ bèo hôm qua và số tiền thu được cũng nhích hơn để chi tiêu cuộc sống hàng ngày và dành dụm chút ít trang trải cho cái tết cổ truyền dân tộc tới đây.