Sinh ra và lớn lên từ làng Chăm Lạc Trị. Từ nhỏ ông đã học việc thực hiện nghi lễ tôn giáo của người Chăm Bàlamôn như lễ nhập môn tôn giáo, lễ tôn đức, lễ nghĩa trang dòng tộc… Điều ông rất trăn trở là những di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Chăm dần mai một qua thời gian. Với tình yêu sâu nặng, ý thức trách nhiệm rất cao với vốn văn hóa của ông cha, 41 năm qua ông bắt đầu thực hành di sản văn hóa phi vật thể bằng việc sưu tầm, ghi chép lại những phong tục, lễ nghi trong cưới hỏi, tấu chức, Katê, Po Dam... Ông bảo: “Đó là nét đẹp, cũng là tinh hoa của dân tộc Chăm nên phải giữ lấy”. Trải qua những thăng trầm của cuộc sống, ông vẫn kiên trì đeo đuổi sưu tập, lưu giữ khá nhiều những bộ “kinh thư” hết sức có giá trị viết bằng giấy dó, lá buông. Và, dưới bàn tay cần mẫn, khéo léo của ông, rất nhiều thư tịch Chăm cổ có niên đại hàng trăm năm được bảo quản, giữ gìn cẩn thận, chứa đựng sức sống mãnh liệt của mạch nguồn văn hóa Chăm.
Như muốn để chúng tôi hiểu về cái nghề mà ông đã gắn bó hơn 27 năm nay, Sư cả Thường Xuân Hữu tâm sự: “Tôi rất mừng, vì những bộ “kinh thư” này rất có ích cho đồng bào Chăm. Có chữ viết rồi, văn hóa Chăm sẽ được lưu truyền bền vững trên những trang sách. Đây là công việc có ý nghĩa nhất tôi làm được cho đồng bào mình”. Những tháng ngày gầy dựng kho thư tịch cổ, ông rong ruổi khắp nơi, tìm tư liệu, rồi “gò lưng” sao chép lại vào rất nhiều cuốn sổ riêng theo từng chủ đề, các bản gốc đều được ông đưa vào diện “lưu trữ đặc biệt” để không bị thất lạc. Là người thông thạo chữ viết Chăm, nhưng có nhiều bộ thư tịch cổ lắm chữ nghĩa, ông phải cẩn thận nghiên cứu, cất công “mài bút” hàng năm trời mới sao chép hoàn thành. Đưa cho tôi xem các bộ sách lá buông tiếng Chăm có nhiều hình dạng khác nhau, ông bảo cái khó là các tu sĩ đọc kinh không dùng văn bản lá buông truyền thống mà phải sao chép ra thể kinh bằng chữ phổ thông Akhar Thrah nên dần không đọc được các ký tự cổ. Vì vậy để có 11 “đệ tử” tiếp nối, ông phải bỏ ra khá nhiều công sức chỉ dạy.
Những năm qua, với sự đầu tư của Nhà nước cùng với chương trình nông thôn mới, làng Chăm Phú Lạc đã có nhiều đổi thay khởi sắc. Người dân ai cũng bảo đóng góp xây dựng đời sống văn hóa của cộng đồng người Chăm có không ít công sức của vị sư cả tâm huyết này. Trò chuyện với chúng tôi ông bảo, sự sáng tạo như những bước chân, không ai đếm được nó bao giờ. Cứ đi về phía trước, rồi một ngày dừng chân, ngoái lại ta có một quãng đường đời đầy ý nghĩa. Theo ông những bộ kinh thư cổ mang sắc thái đặc trưng của đồng bào Chăm, nhưng giờ ánh sáng văn minh đã về khắp làng rồi nên xem ra một số thủ tục, lễ nghi không còn phù hợp nữa, cần phải thay đổi theo xu hướng cuộc sống mới. Là sư cả và người chủ lễ các lễ cúng của làng, ông bền bỉ tiếp sức cho văn hoá dân tộc mình bằng cách phổ biến, truyền dạy cho hậu thế và cộng đồng điều hay, nét đẹp, giảm bớt những thủ tục, lễ nghi rườm rà gây tốn kém thời gian và tiền của. Việc làm của ông như “liều thuốc” tinh thần làm ấm lòng bà con đồng bào về thực hiện nếp sống văn hóa mới. Chính vì vậy, nhiều lễ nghi đã được tổ chức một cách tiết kiệm, vui tươi, không phô trương, hình thức mà vẫn giữ gìn được nét đẹp truyền thống của đồng bào Chăm.
Chia tay vị sư cả, tôi vẫn còn nhớ câu nói rất mộc mạc của ông “Cả đời tôi cũng chỉ mong được đem chút gì mình thu lượm, học hỏi được giúp đồng bào quê hương”.
MINH CHIẾN