Hàm Hiệp (Hàm Thuận Bắc) xưa nay nổi tiếng cả tỉnh bởi những vườn mai, nhưng sẽ thiếu sót nếu như không nhắc đến nghề gói bánh chưng mỗi dịp tết. Dẫu cuộc sống có đổi thay, nghề xưa không còn thịnh, nhưng với nhiều hộ gia đình ở thôn Xuân Điền vẫn còn nặng nợ với những chiếc bánh chưng, bánh tét. Nổi tiếng trong vùng có bà Lê Thị Lượm, mọi người thường gọi với cái tên thân mật “Cô Ba bánh ú”. Bánh của cô Ba có nét đặc biệt là tất cả đều được gói bằng lá chuối, không dùng khuôn nhưng chiếc bánh vẫn vuông vức, rất đẹp mắt. Bánh được gói chặt tay, nấu theo phương thức truyền thống bằng củi khô liên tục trong 6 tiếng nên bánh chín đều, thơm mà không bị nhão.
Từ ngày 15 tháng chạp số lượng khách đặt và lấy bánh sẽ tăng cao, trung bình 1.000 cái mỗi ngày. Vì thế ngoài 3 nhân công ở nhà, cô Ba phải mướn thêm chị em trong thôn đến vò nếp, đãi đậu, xếp lá, gói bánh. Ngày tết yêu cầu bánh to, dày, đầy đặn để cúng tổ tiên nên giá cũng sẽ cao hơn từ 80.000 – 120.000 đồng/cái.
Cũng trên địa bàn Hàm Thuận Bắc, các cơ sở bánh tráng đang tấp nập người vào, kẻ ra. Tranh thủ những ngày nắng, công nhân liền tay phơi, sắp bánh, đóng gói để kịp chuyển hàng đi. Tại cơ sở sản xuất bánh tráng Năm Huệ (Hàm Thắng), từ đầu tháng 12 âm lịch, số lượng bột pha chế để sản xuất mỗi ngày tăng lên 600 kg, đòi hỏi mọi người phải khẩn trương hơn. Bà Nguyễn Thị Huệ - Chủ cơ sở cho biết: Ngoài thị trường có nhiều loại bánh tráng cho khách hàng lựa chọn, nhưng bánh tráng do người địa phương sản xuất vẫn được ưa chuộng hơn do còn giữ hương vị riêng. Với tỷ lệ pha chế giữa gạo, bột, mè hợp lý, cộng thêm phơi đủ nắng, không quá giòn, khiến chiếc bánh dai, thơm ngon.
Hiện đa số cơ sở sản xuất bánh tráng trong tỉnh đều đưa máy móc vào sản xuất, giảm sức lao động của con người. Nhưng bà Huệ hiểu rằng, cho dù có khuấy bột, tráng bánh bằng tay hay bằng máy, thì có một nguyên tắc không bao giờ thay đổi đó là khâu an toàn vệ sinh thực phẩm. Thay vì trước đây lấy gạo từ nhà trồng, thì giờ bà lấy ở Công ty Bột mì Đại Nam (Vĩnh Long). Các quy trình từ lấy nước pha bột đến xả thải, khu sân phơi, đóng gói đều tuân thủ nghiêm ngặt. Bởi thế những xấp bánh tráng mè mỏng Năm Huệ cứ thế theo xe ra tới Ninh Thuận, Khánh Hòa, rồi ngược lên Lâm Đồng, vào tận Đồng Nai. Và 5 năm nay có mặt trên các kệ hàng của siêu thị Co.op mart Phan Thiết, La Gi.
Trong những món ngon dịp tết của người dân Bình Thuận, cốm hộc có lẽ là thức dùng không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên mỗi gia đình. Khác với cốm ở vùng đồng bằng Bắc bộ, cốm hộc được làm từ lúa nếpthơm 3 tháng, hoặc loại nếp Bông Hồng. Khi kết hợp với vị bùi của thơm, gừng, lại đóng chặt tay nên có thể chưng trong thời gian 3 tháng. Các hộc cốm còn hấp dẫn thực khách bởi sự bắt mắt của những loại giấy gói màu xanh, đỏ, giấy bông.Dẫu vất vả, nhưng những người thợ vẫn hăng say làm việc nâng cao thu nhập và mang hương vị tết đến cho mọi nhà.
T.Linh. Clip Ngọc Lân