Theo dõi trên

Nghe và thấy: Du lịch chờ sân bay

07/12/2022, 09:39 - Lượt đọc: 1,890

Tuần qua, chị Linh - một người bạn ở thủ đô Hà Nội nhờ tư vấn về dịch vụ du lịch khi dự kiến đến nghỉ dưỡng tại “thủ đô” resort Hàm Tiến – Mũi Né dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Cùng với tham khảo thông tin trên mạng xã hội và những chia sẻ kinh nghiệm của dân thổ địa, chị Linh khá ưng ý với những tư vấn về nơi nghỉ dưỡng, dịch vụ ăn uống, phương tiện di chuyển và tỏ ra hào hứng với những dự định về địa điểm sẽ trải nghiệm tại vùng đất Bình Thuận.

Riêng quãng đường di chuyển từ sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) sau khi hạ cánh về Bình Thuận hơn 200 km phải mất thêm 4 tiếng ngồi ô tô, chị Linh tỏ ra e dè và cho biết sẽ bàn tính thêm với gia đình trước khi đặt phòng. Bởi thời gian những ngày nghỉ tết ngắn, mọi người đều tranh thủ từng ngày, từng giờ để quây quần bên nhau, không muốn phải mất 1 ngày đường trên ô tô. Câu chuyện của chị Linh không phải mới và nó đang là trở ngại cho không ít du khách ở xa, mỗi khi muốn đến Bình Thuận du lịch bằng đường hàng không.

hinh-bai-bien-mui-ne.jpg
Bãi biển Hàm Tiến (TP. Phan Thiết). Ảnh minh họa: H.Châu

Có thể nói khi kinh tế phát triển, đời sống được nâng lên, thì di chuyển bằng đường hàng không trở thành xu hướng phổ biến đối với mọi người dân trong nước. Hiện nay khi sân bay Phan Thiết chưa hoàn thành đi vào sử dụng, mỗi khi người dân Bình Thuận có nhu cầu đi các thành phố lớn, hay du khách muốn đến Bình Thuận phải di chuyển bằng ô tô đi đường bộ cho quãng đường 200 km để đến sân bay Cam Ranh hay Tân Sơn Nhất. Nếu so với các tỉnh ven biển và lân cận như Nha Trang (Khánh Hòa) hay Ninh Thuận (cách Cam Ranh 50 km) và Lâm Đồng có sân bay Liên Khương thì Bình Thuận là địa phương có cự ly trung chuyển bằng đường bộ đến sân bay xa nhất, nếu muốn đi đường hàng không. Chính điều này là rào cản cho sự phát triển du lịch và đi lại của người dân.

Trở lại việc xây dựng sân bay Phan Thiết, đây là công trình có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà nó còn đáp ứng cho yếu tố quốc phòng. Chính yếu tố “lưỡng dụng” đã ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ triển khai đầu tư, khi các thủ tục pháp lý có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ. Hiện nay một số hạn mục công trình đã được triển khai xây dựng dần hình thành. Tuy có chậm hơn so với kế hoạch dự kiến ban đầu, nhưng rõ ràng những động thái đang triển khai thực hiện cho chúng ta thấy rõ hơn về sự hiện diện của một sân bay Phan Thiết trong tương lai không xa. Và điều đó dường như chắc chắn hơn khi cuối tháng 8 vừa qua, nhân chuyến công tác tại Bình Thuận dịp kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Trung ương đã đích thân đi kiểm tra đôn đốc tiến độ dự án sân bay Phan Thiết. Trong đó có việc Thủ tướng đặt ra mục tiêu cho các bộ, ngành phối hợp với Bình Thuận sớm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai dự án, để đến hết năm 2023 hoàn thành đưa sân bay vào sử dụng. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, sau đó Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng có những chỉ đạo bộ, ngành liên quan triển khai sớm thực hiện các chủ trương đầu tư sân bay Phan Thiết và hạng mục dân dụng để sớm khởi công dự án.

Có thể thấy rằng, Bình Thuận đang đứng trước nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch, 1 trong 3 trụ cột được định hướng phát triển của tỉnh. Du lịch Bình Thuận phát triển ngày càng hấp dẫn, phong phú với hệ thống cơ sở lưu trú du lịch liên tục phát triển, chất lượng ngày càng cao. Toàn tỉnh hiện có 592 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 17.433 phòng và khoảng 1.000 căn hộ, biệt thự du lịch, khoảng 400 cơ sở ăn uống, mua sắm và các dịch vụ thể thao, vui chơi giải trí và thắng cảnh khác… Một khi cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, Phan Thiết – Vĩnh Hảo đưa vào sử dụng trong năm 2023, cùng với đó là sân bay Phan Thiết hoàn thành đi vào hoạt động kết nối với các trung tâm kinh tế lớn bằng đường hàng không, thì viễn cảnh về một trung tâm du lịch mang tầm quốc gia sẽ không còn xa, với không chỉ có Mũi Né, Phan Thiết mà còn cho cả tỉnh Bình Thuận.

PHÚC SINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bầu trời Mũi Né qua ống kính của người nước ngoài
Ngoài vẻ đẹp của thiên nhiên với biển xanh, cát trắng, nắng vàng… Ở Mũi Né và Hàm Tiến, người nước ngoài còn phát hiện là nơi ngắm bầu trời đẹp lý tưởng, nhất là khi bình minh lên và hoàng hôn buông xuống.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghe và thấy: Du lịch chờ sân bay