Theo dõi trên

Nghị định số 155/CP: Tăng mức phạt vi phạm môi trường

08/06/2017, 08:50

BT- Trước đây, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường căn cứ Nghị định 179/2013/NĐ-CP, để phù hợp Luật Bảo vệ môi trường 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 155/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ đầu tháng 2 năm nay.

                
Khu du lịch Biển nhiệt đới làm tốt công tác    bảo vệ môi trường.

Muôn nẻo vi phạm

Thượng tá Trương Sỹ Trung, Phó Phòng Cảnh sát môi trường (CSMT), Công an tỉnh cho biết, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đến nay đã chấp hành tốt pháp luật bảo vệ môi trường (BVMT), nhưng vẫn còn không ít trường hợp vi phạm. Hơn một năm rưỡi nay, Phòng CSMT đã kiểm tra đột xuất, hay cùng Thanh tra Sở Tài nguyên & Môi trường thực hiện công việc trên, với gần 20 vụ, xử phạt hơn 2 tỷ đồng. Điều đó cho thấy cơ sở vi phạm vẫn còn. Các vi phạm trên thường gặp như chủ doanh nghiệp lách luật bằng cách lập dự án ở khu vực có trữ lượng khoáng sản rồi tận thu bán kiếm lời, không thực hiện dự án cam kết. Khá nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh,  resort, khách sạn có quy mô phải lập đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng chỉ làm bản cam kết hoặc kế hoạch BVMT cho nhanh gọn, ít tốn kém. Phòng CSMT kiểm tra một cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật quy mô ĐTM lại làm quy mô cấp huyện; nhiều resort tầm vóc 150 - 200 phòng lại lập 3 - 4 kế hoạch BVMT và bản cam kết; trong khi luật quy định 50 phòng trở lên phải lập ĐTM. Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khác không vận hành hoặc vận hành không thường xuyên hệ thống xử lý nước thải (HTXLNT) để tiết kiệm điện. Khi có đoàn kiểm tra cơ quan quản lý nhà nước (có thông báo trước), chủ cơ sở cho vận hành lại HTXLNT. Mới đây, Phòng CSMT kiểm tra đột xuất phát hiện một trang trại chăn nuôi heo làm 2 đường ống xả thải (1 ống không xử lý xả nước thải ra suối và 1 ống xả vào HTXLNT khi có đoàn kiểm tra), trang trại này bị xử phạt 420 triệu đồng.

Bên cạnh đó, một số ít cơ sở sơ chế thanh long, chế biến thủy sản, nước mắm điều kiện vệ sinh cũng chưa đảm bảo, vẫn còn sử dụng  hóa chất, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc…

Triển khai Nghị định số 155/CP

 Theo ông Nguyễn Trung Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở TN & MT, Nghị định 155/CP xây dựng trên cơ sở rà soát thực tế 4 nhóm hành vi vi phạm. Đó là các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường; các hành vi vi phạm về quản lý chất thải; các hành vi vi phạm liên quan đến công trình BVMT; các hành vi vi phạm mang tính thủ tục hành chính. Nghị định này có hàng loạt các điểm mới cần lưu ý. Đó là, mức phạt tăng xả nước thải vượt Quy chuẩn Việt Nam từ 10% đến 50% của khung phạt; kết quả quan trắc tự động được làm căn cứ để xác định hành vi xả thải vượt quy chuẩn; quan trắc môi trường định kỳ do đơn vị không được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bị xử phạt như không thực hiện điểm này. Nghị định trên bổ sung mức phạt tăng thêm 30% nếu trong nước thải vượt quy chuẩn có chứa 1 trong 3 loại vi khuẩn (Salmonella, Shigella, Vibrio cholerae). Tuy nhiên, nghị định cũng quy định nếu tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng nội dung ĐTM nhưng làm cho môi trường tốt hơn không bị phạt.

Đặc biệt, Nghị định số 155 đã xây dựng riêng Điều 53 quy định trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác kiểm tra, thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT. Việc kiểm tra, thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT phải bảo đảm nguyên tắc không chồng chéo; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cá nhân, tổ chức vi phạm. Một năm chỉ có một đoàn kiểm tra hoặc thanh tra trong lĩnh vực BVMT tại một cơ sở, doanh nghiệp, trừ trường hợp kiểm tra, thanh tra đột xuất theo quy định của pháp luật. Ông Nguyễn Trung Việt cho biết, khung phạt, mức phạt cần hết sức lưu ý để tránh bỏ sót vi phạm hoặc xử lý nhẹ chưa đủ răn đe. Khung phạt xả thải là số lần vượt cao nhất để làm căn cứ xác định khung phạt; trường hợp có nhiều thông số vượt, tùy theo mức vượt sẽ tăng thêm từ 10% đến 50% nhưng không quá khung phạt cao nhất. Trường hợp có nhiều điểm xả thải, cơ sở sẽ bị xử phạt theo từng điểm xả thải. Đồng thời cơ sở vi phạm phải chi trả kinh phí trưng cầu giám định mẫu môi trường vượt quy chuẩn… Trước đó tại Điều 2 (Đối tượng áp dụng) có nêu: “Hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể vi phạm các quy định của nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm”, như trường hợp xả các loại rác thải nơi công cộng trái quy định sẽ bị xử phạt đến 1 triệu đồng.

    
    “Việc kiểm   tra, thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT phải bảo   đảm nguyên tắc không chồng chéo; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình   thường của cá nhân, tổ chức vi phạm. Một năm chỉ có một đoàn kiểm tra   hoặc thanh tra trong lĩnh vực BVMT tại một cơ sở, doanh nghiệp, trừ   trường hợp kiểm tra, thanh tra đột xuất theo quy định của pháp luật”.

Thái Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Hội nghị Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải báo chí quốc gia
BTO-Sáng 5/11, tại thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Phú Yên tổ chức Hội nghị “Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải báo chí quốc gia và tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững khu vực miền Trung – Tây Nguyên”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghị định số 155/CP: Tăng mức phạt vi phạm môi trường