Reuters đưa tin, một thiếu niên 14 tuổi đã bắn chết cha mình sau đó lái xe đến một trường tiểu học bắn bị thương hai học sinh và một giáo viên trước khi bị lính cứu hỏa bắt giữ và giao cho cảnh sát.
Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ xả súng. (Ảnh: Reuters) |
Danh tính của nghi phạm không được tiết lộ nhưng cảnh sát cho biết, đối tượng đã bắn chết cha mình là Jeffrey DeWitt Osborne, 47 tuổi, sau đó lái chiếc xe tải nhỏ qua một chặng đường dài 3,2km đến trường tiểu học Townville, phía Tây bang Nam Carolina (Mỹ) gây ra vụ xả súng khiến 3 người bị thương.
Sau khi 911 nhận được cuộc gọi của một giáo viên trong trường, cảnh sát có mặt tại hiện trường chỉ trong vòng 7 phút. Keith Smith, đại diện lực lượng cảnh sát địa phương cho biết, hậu quả của vụ xả súng được giảm thiểu khi nghi phạm bị khống chế trước khi tiến được vào bên trong các lớp học.
Cảnh sát địa phương không cho biết về động cơ của vụ xả súng nhưng đã loại trừ khả năng nó có liên quan đến vấn đề phân biệt chủng tộc bởi cả nghi phạm và các nạn nhân đều là người da trắng, hiện cũng chưa rõ về mối quan hệ giữa nghi phạm với các nạn nhân.
Theo thông tin điều tra ban đầu, nghi phạm là học sinh hệ từ xa đã gọi cho bà của mình sau khi gây ra vụ việc.
Điều tra viên Greg Shore nói trong cuộc họp báo tối 28/9: “Bà của nghi phạm không thể nghe rõ đối tượng đã nói những gì vì cậu thiếu niên này rất buồn bã, vừa nói vừa khóc. Vì vậy, họ đã đến nhà của cậu ta, phát hiện bố của cậu ấy bị bắn và gọi cho 911”.
Theo thông tin từ truyền thông địa phương, ngay sau khi xảy ra vụ xả súng, cảnh sát đã cho sơ tán toàn bộ học sinh khỏi trường học bằng xe buýt tới một nhà thờ ở gần đó.
Jamie Meredith, một phụ huynh có con gái theo học tại trường tiểu học Townville cho biết, mặc dù con gái của cô không bị thương trong vụ xả súng nhưng bé vẫn sợ hãi và hay khóc.
“Tôi thực sự sợ hãi. Giờ thậm chí tôi còn không muốn cho con bé đi học nữa”, Meredith nói.
Hiện có 280 học sinh đang theo học tại trường tiểu học Townville.
Đây là vụ việc mới nhất trong hàng loạt các vụ nổ súng tại trường học ở Mỹ. Những vụ việc đau lòng này đã thúc đẩy các cuộc tranh luận gay gắt về quyền tiếp cận súng đạn ở Mỹ.
Các trường học ở Mỹ đã đưa ra các biện pháp phòng ngừa an ninh bổ sung kể từ năm 2012 sau khi một tay súng đột nhập và giết chết 20 học sinh cùng 6 giáo viên hướng dẫn tại trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown, Connecticut.
Tuy nhiên, các biện pháp an ninh bổ sung dường như chưa phát huy được nhiều tác dụng khi các vụ tấn công xảy ra ở trường học Mỹ vẫn không phải chuyện hiếm. Hồi đầu tháng này, một cô bé 14 tuổi đã bắn bị thương bạn học cùng lớp tại một trường trung học ở Texas trước khi dùng chính khẩu súng gây án để tự sát.
Hùng Cường/VOV