Theo dõi trên

Ngư dân Phú Quý có đánh bắt loại cá hiếm?

14/05/2020, 10:00

BT- Tuần qua, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh một số ngư dân (được cho là ngư dân Phú Quý) đánh bắt được đàn cá mó đầu u (còn gọi là cá mó đầu gù) rất lớn. Đây được cho là loài cá quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng và được liệt vào danh sách cấm khai thác của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn.

                
      Ngư dân đánh bắt được đàn cá to được cho là loại cá hiếm - cá mó đầu    gù.

Theo hình ảnh trên mạng xã hội, đàn cá này có thân hình màu xám xanh, đầu cá có phần u gù to và trọng lượng khá nặng, rất giống với loài cá mó đầu gù. Trao đổi với ông Tạ Minh Nhựt - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý về tình hình trên, ông cho biết, theo hình ảnh chúng tôi có được thì tàu này ở Phú Quý nhưng có đánh bắt cá hiếm hay không chính quyền địa phương đang xác minh vì tàu này chưa về cảng Phú Quý. Qua hình ảnh thì chúng tôi không thể xác nhận được có phải cá mó đầu gù hay không? Và nếu các tàu này đánh bắt được thì cũng mua bán ở cảng Phan Thiết hoặc ở các địa phương khác chứ không mua bán ở Phú Quý, do đó địa phương chưa có cơ sở để xử lý. Nếu đúng là loại cá hiếm chúng tôi sẽ nhắc nhở ngư dân và tăng cường tuyên truyền để hạn chế tình trạng trên.

Theo người dân địa phương, thông thường ngư dân sẽ không nắm rõ thông tin cá nào nằm trong sách đỏ, có nguy cơ tuyệt chủng, đánh bắt trúng luồng cá nào thì ngư dân khai thác. Do đó, để hạn chế việc đánh bắt “nhầm” cá quý hiếm, vi phạm Luật Thủy sản, chính quyền địa phương cần tích cực tuyên truyền rộng rãi, có hình ảnh minh họa kèm theo để ngư dân dễ hình dung và không khai thác, vận chuyển, mua bán trái pháp luật.

Theo tìm hiểu, loại cá mó đầu gù là loại cá biển trong họ cá mó. Chúng là loại cá lớn nhất trong họ cá mó, có thể phát triển chiều dài 1,3 m và trọng lượng lên đến 46 kg. Loại cá này sinh trưởng chậm và sống lâu (lên đến 40 năm), tỷ lệ sinh sản thấp. Loại cá này ăn tảo, nhai tảo bám trên đá và san hô. Bộ hàm của cá mó đầu gù khỏe nên chúng có thể nghiền nát đá vôi -  loại vật liệu ở san hô chết, biến thành cát rồi bài tiết trên khắp san hô. Được biết, một con cá mó đầu gù có thể tiêu thụ 5 tấn đá san hô chết mỗi năm, do đó chúng đóng vai trò quan trọng nhằm phục hồi hệ sinh thái san hô.

    
      Cá mó đầu gù nằm trong danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm nhóm   I.  Theo Nghị định 42-2019/NĐ-CP, nếu khai thác thủy sản nằm trong danh   mục loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm nhóm I, mà chưa đến mức truy cứu   trách nhiệm hình sự sẽ phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng nếu khối lượng   thủy sản từ dưới 10 - 100kg trở lên.

 M.Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngư dân Phú Quý có đánh bắt loại cá hiếm?