Theo dõi trên

Ngũ Hành trong tín ngưỡng văn hóa dân gian

05/05/2023, 05:32

Trong cội nguồn văn hóa người Việt từ nguyên thủy đã hiểu biết và coi Ngũ Hành là sự cụ thể hóa quy luật vận động chuyển hóa của mọi sự vật, hiện tượng và được ứng dụng hiệu quả trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống lẫn tín ngưỡng. Người xưa vẫn biết vạn vật sinh ra, tồn tại và phát triển trong môi trường tự nhiên đều phải dựa vào 5 yếu tố cơ bản là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ gọi là Ngũ Hành.

Tín ngưỡng Ngũ Hành

Tục thờ cúng Ngũ Hành gắn liền với các thế hệ đầu di dân, ngay từ buổi đầu mở đất, từ đó đồng hành cùng quá trình phát triển của xã hội và hiện nay đã trở thành hình thức tín ngưỡng sinh động và khá phổ biến.

thanh-minh.jpg
Thanh Minh Tự – miếu Ngũ Hành.

Nhìn một cách tổng quát thì có thể nói cư dân trong các làng, xã ở Bình Thuận hàng trăm năm trước đều có nguồn gốc xuất thân từ nông nghiệp và một phần ngư nghiệp. Khi định cư ở vùng đất mới lạ, luôn phải sống dựa vào tự nhiên nên trong mắt lớp lớp người di cư, thiên nhiên luôn kỳ vĩ, đe dọa cuộc sống. Nên họ đã thần thánh hóa những hình dạng, hiện tượng của tự nhiên và phụng thờ cầu mong tránh khỏi những tai ương, cũng như tìm sự phù hộ độ trì. Cho nên, các vị thần có nguồn gốc từ tự nhiên như: đất, núi, nước, lửa, cây… được hình thành lâu đời qua tín ngưỡng dân gian, trong đó tín ngưỡng Ngũ Hành có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng làng, xã và truyền lưu qua nhiều thế hệ mãi cho đến ngày nay như một thứ di sản của tổ tiên.

GS.Trần Ngọc Thêm cho rằng: “Người Việt xưa có truyền thống sống bằng nghề nông nghiệp lúa nước là nền văn hóa thiên về âm tính. Xuất phát điểm của lối sống xã hội thiên về tình cảm, trọng phụ nữ và trong lĩnh vực tín ngưỡng là thờ nhiều nữ thần. Và đích đến của tín ngưỡng sùng bái tự nhiên của ông bà ta chính là hướng tới sự phồn thực, sinh sôi, nảy nở; muốn được như thế thì phải tôn trọng và thờ phụng…”.

Trong văn hóa dân gian với quan niệm năm hành chất cấu tạo nên vũ trụ là: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ là năm vị thần lớn với quyền năng khác nhau đối với các nghề liên quan đến đất đai, củi lửa, kim loại, nước nôi, cây gỗ. Dân gian gọi là Bà Ngũ Hành (năm Mẹ) và được xây miếu thờ riêng mà không thờ chung với các vị thần khác ở đình làng hay cơ sở tín ngưỡng khác. Bởi Ngũ Hành có thể sinh ra tất cả nên cũng có một thế giới riêng và cũng phải được thờ cúng riêng.

Khảo sát và nghiên cứu tín ngưỡng dân gian về phương cách thờ cúng các vị thần trong đình làng, đền, miếu, vạn… ở khắp các địa phương trong tỉnh, cho thấy trước đây vài thế kỷ, hầu hết các di tích hoặc các công trình tín ngưỡng đều thờ Ngũ Hành nhưng ở những dạng thức khác nhau; tùy theo nhận thức và vị trí đất đai, đối tượng thờ phụng và cả sự tôn sùng của từng làng, xã, khu vực.

Trên thực tế thì Ngũ Hành nương nương vốn là tín ngưỡng dân gian nên tọa lạc riêng biệt so với đình làng, đền, miếu, vạn… nhưng theo tiến trình lịch sử sau đó, do nhu cầu cúng lễ hàng năm rất nhiều lần, và mỗi lần cúng vị thần chính thì cũng phải cúng các vị thần dân gian khác xung quanh. Thấy bất tiện về thời gian và lễ vật, nên dần dần người ta di dời miếu Ngũ Hành về trong các khuôn viên đình, đền, miếu, vạn… để tiện việc cúng kiếng và kiện toàn thiết chế tín ngưỡng của thôn làng. Có nơi, người xưa lại thu nhỏ miếu Ngũ Hành gọn lại để đưa vào nơi thờ các vị thần chính; có nơi lại đưa Ngũ Hành vào thờ xung quanh vị thần chính.

Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng đưa Ngũ Hành vào thờ chung với các vị thần khác, mà thờ Bà Ngũ Hành riêng biệt với ngôi miếu khang trang, ngay bên cạnh đình làng hay đền, miếu (trường hợp miếu Ngũ Hành trong khuôn viên Thanh Minh Tự - Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết). Chứng tỏ phong tục xưa vẫn rất được coi trọng quyền năng của Ngũ Hành trong tín ngưỡng.

Miếu thờ Ngũ Hành trong Thanh Minh Tự  

Đây là ngôi miếu cổ, có diện tích khá lớn đặt trong khuôn viên Thanh Minh Tự. Theo hồ sơ khoa học của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch lập, thì miếu Ngũ Hành được xây dựng cùng thời (nửa cuối thế kỷ XIX) với các thiết chế văn hóa tín ngưỡng như chùa Phật Quang, đình và dinh Ông Cô, Thanh Minh tự trên vùng đất làng Minh Long xưa (tức Phú Thủy và Hưng Long ngày nay); lúc này thôn Minh Long trực thuộc tổng Đức Thắng, huyện Tuy Định, phủ Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận.

Như tên gọi ngôi miếu cổ, trong miếu thờ Bà Ngũ Hành với 5 pho tượng khá lớn, theo thứ tự: Kim Đức Thánh Phi (áo màu trắng), Mộc Đức Thánh Phi (áo màu xanh), Thủy Đức Thánh Phi (áo màu đen), Hỏa Đức Thánh Phi (áo màu đỏ) và Thổ Đức Thánh Phi (áo màu vàng). Tuy thờ 5 vị như thế nhưng dân gian vẫn quan niệm như là một Bà, nên gọi là Bà Ngũ Hành.

Trong miếu thờ Ngũ Hành có câu đối bằng chữ Hán, được phiên âm:

“Vạn vật sinh thành do duyên hợp,

Ngũ Hành thâu nhiếp tại âm dương”.

Dịch nghĩa:

“Vạn vật hình thành do duyên hợp,

Ngũ Hành gộp cả ở âm dương”.

Theo quan niệm của nhân dân ở đây (chủ nhân ngôi miếu) thì Bà Ngũ Hành thường có vai trò phù trợ với các nghề có liên quan đến các yếu tố như nghề nông thì liên quan đến các yếu tố như Bà Thổ, Bà Thủy; nghề đánh bắt thủy sản thì liên quan tới Bà Thủy, Bà Mộc… các Bà có quyền năng rất lớn, luôn tác động gián tiếp đến các nghề trong xã hội. Như vậy thì chẳng có nghề gì là không liên quan đến Ngũ Hành, đặc biệt là nghề biển. Trong suy nghĩ của người dân biển vùng này, từ phương tiện đánh bắt đến không gian đánh bắt và cả không gian sinh tồn, đều có quan hệ mật thiết đến các Bà. Ghe thuyền liên quan đến Bà Mộc, Bà Kim, Bà Hỏa, nước liên quan đến Bà Thủy, bờ bãi liên quan đến bà Thổ...

Tín ngưỡng thờ Ngũ Hành ở Phan Thiết nói chung và làng Minh Long xưa là vô cùng quan trọng. Cũng vì lẽ đó mà từ bao đời nay ở làng Minh Long xưa cũng như hơn nửa thế kỷ sau này, miếu thờ Ngũ Hành lúc nào cũng phải riêng lẻ, ngang hàng với các cơ sở tín ngưỡng khác mà không phải gộp chung lại trong vị trí thờ phụng, lễ lạc, cúng kiếng với các vị thần khác. Miếu Ngũ Hành xưa ở gần biển và do coi trọng, lòng tin vào tín ngưỡng nghề nghiệp, nên trước khi đi biển, lúc nào ngư dân cũng đến thăm miếu để cầu xin cho việc ra khơi được trời yên, biển lặng. Kể cả ngày nay tục lệ đó vẫn còn, dù cho đất đai làng xóm xung quanh đã biến thành khu đô thị phồn hoa.

NGUYỄN XUÂN LÝ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Những người “bắt mạch” đại dương
Bất chấp nắng hay mưa, ngày hay đêm, biển lặng dịu êm hay sóng càn bão tố, họ phải “trằn mình” tận nơi đo mực nước, hứng gió để phân tích số liệu chính xác phục vụ cho công việc dự báo thời tiết mỗi ngày. Công việc thầm lặng nhọc nhằn và không kém phần gian khổ hy sinh ấy, khiến họ già hơn trước tuổi. Nhưng tất cả sự bình yên của chủ quyền biển đảo và sự an bình của những con tàu lênh đênh phía ngàn khơi.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngũ Hành trong tín ngưỡng văn hóa dân gian