Nhói lòng với 1001 hoàn cảnh
Cùng cả nước cách ly toàn xã hội, các Công ty xổ số ngưng không phát hành vé số từ đầu tháng cho đến ngày 15/4. Ở Bình Thuận, theo lãnh đạo Công ty Xổ số kiến thiết cho biết con số những người bán bé số tầm khoảng trên dưới 2.000 người.
Thương là đại lý cấp 2, dẫn chúng tôi đi đến tận nhà những người có hoàn cảnh khó khăn nhất trong danh sách 70 người. Đường Lâm Đình Trúc có mấy con hẻm chạy vào sâu bên trong là những căn nhà nhỏ xuống cấp, nơi này có đến 3-4 hộ khó khăn. Trước khi trao quà, chúng tôi còn xác minh lại từ các nhà hàng xóm gần đó. “Họ khó thật đó em, toàn già cả neo đơn. Bán vé số mà giờ không bán nên ra chợ xin, ai cho gì mang về nấu nấy”. Ghé vào nhà chị Bùi Xuân Đức, nhìn mấy đứa nhỏ nheo nhóc, thần kinh lại không bình thường nên căn nhà đã nhỏ lại càng bừa bộn. Nghỉ ở nhà không có tiền mua gạo ăn lại dẫn con ra chợ ai cho gì thì mang về. Cũng trong con hẻm đó còn mấy nhà hoàn cảnh cũng khó như vậy. Chạy qua Phú Trinh, đi sâu vào con hẻm ngoằn nghoèo ở đường Lê Hồng Phong quẹo vào căn nhà trọ là nhà của chị B’ Thị Linh dân tộc Rắc Lây từ Phú Yên vào thuê ở. Linh ở với mẹ già đã 81 tuổi, chồng bỏ, 2 đứa con còn nhỏ. Không bán vé số Linh cũng không biết làm gì nên nhà còn ít gạo cứ phải nhín ăn, hết thì mượn chỗ này chỗ nọ. Nhiều người nhất vẫn là ở khúc trên dốc Căng thuộc KP 7, Đức Long có nhiều nhà khó khăn. Nhà ông Nguyễn Xi từ Bắc Ruộng xuống đây ở từ lâu cũng đi bán vé số. Nhìn ông ốm nhom, đen thui, khắc khổ nói còn chưa nên đầu nên đuôi. Ông bảo “Nghe nói Nhà nước hỗ trợ người 50.000 đồng nhưng tui không có hộ khẩu không biết có được không? Giờ không còn tiền mua đồ ăn nữa cô ạ”. Gần nhà ông Xi là nhà cô gái Vũ Huyền. Huyền bị khuyết tật, 35 tuổi nhưng nhìn cứ như đứa trẻ. Hàng ngày đi bán chỉ được vài chục tờ nhưng đó lại là nguồn sống, niềm vui của em…
Thế đấy, mỗi người một hoàn cảnh và họ đều khó khăn như nhau. Ảnh hưởng dịch nghỉ không bán, ai cũng gồng mình ráng vượt qua, thực sự họ chỉ trông chờ vào các mạnh thường quân, lâu lâu nghe tin có chỗ này chỗ kia phát từ thiện nhưng vì xa xôi lại không đi đứng bình thường nên chịu thiệt thòi, không đến nhận được.
Chỉ mong sớm hết dịch
Trên đường đi, tôi hỏi thăm mới biết thêm về cái nghề “bán ước mơ này”. Có những người ở tỉnh ngoài vào họ thuê nhà trọ và bán rất chạy, có gia đình bán cả mấy trăm tờ 1 ngày và có tích lũy. Vì thế khi có dịch Covid người ta về quê, có người ở lại kiếm việc làm thêm. Đó chủ yếu là những người khỏe mạnh. Còn phần nhiều những người khó khăn là neo đơn, già cả và bị khuyết tật. Nhiều người đại lý như Thương cũng phải gánh luôn khi họ đau yếu, bệnh tật cho họ mượn tiền cũng là chuyện bình thường. Vì đa phần việc đi lại khó khăn nên hàng ngày Thương phải mang vé số đến tận nhà giao, chiều đi thu lại chả trách em rành từng nhà một là vậy. “Nhiều người tội lắm chị, toàn già yếu bệnh tật, có người còn phải nuôi người nhà ốm đau, tâm thần. Giờ nghỉ bán không biết làm gì, lấy gì ăn nên khi lên mạng xã hội chỗ nào có phát quà từ thiện em liên hệ xin cho họ là vậy”. Chủ trương Nhà nước hỗ trợ 50.000 đồng trong 15 ngày khiến ai cũng mừng nhưng cái khó là đa phần họ không biết chữ, lại tàn tật không biết cách nào để nhận số tiền đó. Chưa kể có người giấy tờ tùy thân, hộ khẩu ở nơi khác (cũng trong tỉnh) đến trọ ở chỗ này chỗ nọ không biết nhận ở đâu. Giờ chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi để họ đi bán lại kiếm sống…
Cũng may mắn cho họ, sự chia sẻ yêu thương của cộng đồng đã giúp họ những phần quà bằng gạo, mì tôm, những phần cơm miễn phí, thậm chí cả tiền… ít nhiều cứu trợ cho họ vượt qua những ngày nghỉ ở nhà không đi bán vé số trong mùa dịch, thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của tỉnh…
Trời nắng chang chang, dọc đường về chúng tôi vẫn không thể quên hình ảnh những người khuyết tật, người già ở trong những túp lều tạm bợ sát mé biển, những ngôi nhà trọ nóng hầm hập. Vâng họ đi “bán ước mơ” cho bao người muốn đổi đời trúng số và họ chỉ có ước mơ duy nhất bán hết được vài chục tờ vé số mỗi ngày để nuôi sống bản thân và gia đình…
Thu Thủy