Theo dõi trên

Người Bình Thuận đỗ đạt trong các kỳ thi Hương thời Nguyễn. Bài 2

24/06/2022, 05:43

Bài 2: Thi Hương thời Nguyễn và 17 vị cử nhân người Bình Thuận

Hệ thống thi cử dưới triều Nguyễn về cơ bản giống các triều đại phong kiến trước, hệ thống khoa cử cũng có 3 kỳ: thi Hương, thi Hội và thi Đình.

Vài nét về kỳ thi Hương thời Nguyễn

Khoa thi Hương đầu tiên tổ chức năm Đinh Mão (1807); theo quy định của vua Gia Long, cứ 6 năm mở 1 khoa thi. Suốt 18 năm trị vì của ngài (1802 - 1820) đã tổ chức 3 khoa thi Hương. Sau này, do số người đi thi tăng lên; đồng thời cũng tạo điều kiện để học trò thi thố tài năng nên vua Minh Mạng định lại lệ thi, cứ 3 năm mở 1 khoa. Thi Hương được tổ chức theo cụm, tức là học trò một số dinh/trấn (sau này là tỉnh) tập trung đến một trường thi đặt ở một tỉnh nào đó để thi. Trường thi thường xây dựng trên khu đất trống, xung quanh rào phên kín; bên trong có chia khu vực dành cho hội đồng thi làm nhiệm vụ và nơi làm bài của thí sinh.

tranh-ve.jpg
Tranh vẽ quang cảnh trường thi Hương - Ảnh: Tạp chí Le Petit (Pháp).

Khoa thi Hương đầu tiên chỉ mở ở các trấn từ Hà Tĩnh trở ra, vì trong Nam không đủ thí sinh. Năm 1807, cả nước có 6 trường thi là: Nghệ An, Thanh Hóa, Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Tây và Sơn Nam. Từ khoa Quý Dậu (1813) mới lập thêm Trường thi Gia Định. Theo quy định, học trò Bình Thuận sẽ thi tại Trường Gia Định. Không rõ khoa 1813 ở Bình Thuận có thí sinh dự thi không, nhưng trong danh sách cử nhân đậu khoa đó không có người Bình Thuận.

Theo quy định, độ tuổi tối thiểu của thí sinh là 18, tuy nhiên cũng có trường hợp dưới 18 khi thí sinh đó thật sự giỏi. Trước kỳ thi, quan chức địa phương xét lý lịch thí sinh rất kỹ lưỡng, nếu có tang cha mẹ (hoặc tang ông bà nội nếu là cháu đích tôn), bất hiếu, không hòa thuận với anh em, gian dâm bạo tàn; có người thân phạm tội nặng, có dính dáng đến kẻ phản nghịch triều đình… thì không được dự thi. Để được đi thi, học trò phải dự kỳ sát hạch tại địa phương do Đốc học tổ chức (gọi là Khảo khóa), nếu vượt qua thì chính thức trở thành thí sinh, hồ sơ sẽ được gửi về bộ Lễ. Mục đích của kỳ khảo khóa là để loại bỏ người không đủ trình độ vào trường; đồng thời cũng hạn chế số người dự thi, hội đồng thi vì thế cũng đỡ vất vả hơn.

Trước khi khoa thi chính thức diễn ra 2 tháng, thí sinh phải chuẩn bị 3 hoặc 4 tập giấy làm bài để nộp cho Đốc học (gọi là Nạp quyển); trên đó ghi rõ họ tên, quê quán, lý lịch 3 đời. Gần đến ngày thi, quyển thi được chuyển đến trường thi và được quan trường thi đóng dấu xác nhận. Ngoại trừ sách vở tài liệu, đi thi thí sinh phải chuẩn bị lều che mưa nắng, chõng và chiếu để ngồi, yên dùng để kê quyển thi, 1 cái tráp (trong đó có đựng bút, nghiên…) và cơm nước dùng trong ngày. Thí sinh nhập trường rất sớm (khoảng 1 giờ sáng) để nghe đọc tên, nhận lại quyển thi. Khoảng 5 giờ sáng thủ tục nhập trường và khám xét xong, thí sinh tới khu vực chỉ định để cắm lều, kê chõng. Khi có hiệu lệnh thì đi chép đề và bắt đầu thi.

Ngày trước, sau khi thí sinh nhập trường thi, các quan làm nhiệm vụ thi (gồm: Chánh chủ khảo, Phó chủ khảo, Giám khảo, Phân khảo, Phúc khảo, Sơ khảo) mới thảo luận và ra đề thi. Đề được thư ký viết vào tờ giấy lớn, rồi niêm yết lên cổng để thi sinh đến chép. Thời Nguyễn, các khoa Hương thí có 3 vòng thi (gọi tam trường), nhưng cũng có lúc 4 vòng (gọi là tứ trường) và 1 kỳ phúc hạch. Theo đó, vòng 1 thi kinh nghĩa (giải thích ý nghĩa của một câu nào đó trong Tứ thư, Ngũ kinh); vòng 2 thi chiếu, biểu, luận (soạn thảo các văn bản hành chính); vòng 3 thi thơ phú; vòng 4 thi văn sách (viết bài luận trong kinh truyện hoặc vấn đề thời sự). Trong bài thi, thí sinh phải hết sức lưu ý để tránh những lỗi về hình thức (dùng tên húy, dùng từ thô tục, không sang hàng khi gặp những từ tôn kính, chữ viết thiếu nét…). Đến khoảng 4 - 5 giờ chiều, thí sinh nào làm xong thì nộp bài, muộn nhất phải kết thúc trước 7 giờ tối.

Do tính chất quan trọng là tuyển lựa nhân tài nên việc tổ chức và quản lý trong khoa thi hết sức chặt chẽ. Quan trường thi được triều đình chọn cử từ những quan chức cao cấp ở trung ương hoặc điều từ các tỉnh khác đến, là những người có năng lực và tinh thần trách nhiệm cao để làm nhiệm vụ giám sát và chấm thi. Địa phương đặt trường thi có nhiệm vụ bảo vệ an ninh, cung cấp vật dụng cho trường thi và cả lương thực, thực phẩm... để các quan dùng trong thời gian thi hành công vụ.

Ngày thi kết thúc, bài thi được rọc phách và chấm 4 vòng độc lập. Các bài thi qua mỗi vòng chấm được xếp theo loại: ưu, bình, thứ, liệt. Những bài xếp ưu, bình, thứ sẽ chuyển tiếp cho quan Chánh và Phó chủ khảo chấm tiếp phân thứ hạng. Đối với những bài hỏng, Chủ khảo sẽ yêu cầu chấm lại lần nữa, nếu không nâng được thì chính thức bị loại.

Thời Gia Long, thí sinh đỗ 4 vòng thi thì gọi là Hương cống, đỗ 3 vòng là Sinh đồ. Nhưng từ khoa thi năm 1828, vua Minh Mạng cho đổi Hương cống thành học vị Cử nhân, Sinh đồ thành Tú tài.

Sau khi đậu thi Hương, các tân cử nhân có thể trở về quê hoặc xin vào Trường Quốc Tử Giám tiếp tục học tập để chờ thi Hội, thi Đình để lấy học vị Tiến sĩ; nếu không có thể xin vào tập sự ở các bộ với chức danh Hành tẩu, ở tỉnh với chức danh Hậu bổ sau 2 năm mới được bổ nhiệm làm quan. Cũng có trường hợp không ra làm quan, không thi Tiến sĩ mà ở nhà mở trường dạy học hưởng cuộc sống an nhàn. Về quyền lợi, cử nhân được xã hội trọng vọng, được nhà nước miễn thuế thân và lao dịch trọn đời.

Người Bình Thuận đậu các khoa thi Hương

Như đã trình bày ở trên, thí sinh Bình Thuận thi Hương tại Trường Gia Định; từ năm 1813-1858, có 7 thí sinh đến từ Bình Thuận đậu cử nhân ở trường thi này. Đinh Hưng Thiệu, người xã Thanh Hải, huyện Hòa Đa; xếp thứ 10/15 khoa Ất Dậu (1825), sau được bổ làm quan tới chức Tri huyện. Nguyễn Song Thanh, người Phụ lũy Thanh Giang, huyện Hòa Đa, xếp vị thứ 9/16; sau một thời gian tập sự, ông được bổ chức Án phủ sứ, sau bị miễn và lại được phục chức làm Tri phủ. Nguyễn Hữu Thành, quê xã Thành Đức, huyện Tuy An(?), xếp thứ 9/17 (khoa 1849), được bổ nhiệm chức Bố chánh Quảng Bình; cũng tại khoa thi này, người xã Thiện Nghiệp, huyện Hòa Đa là Nguyễn Văn Khoa cũng đậu và xếp vị thứ 13. Nguyễn Thành Ý, người xã Long Khê, huyện Tuy Định, đậu thứ 12/13 (khoa 1852); làm quan tới chức Hải phòng sứ Quảng Nam, được trao hàm Hồng lô tự khanh, sung Thương cục. Tại khoa thi năm 1855, người xã Nội Lũy, huyện Hòa Đa là Nguyễn Văn An, đậu vị thứ 7/13 và Lê Văn Thị, quê ở xã Đăng Bình, huyện Tuy Lý đứng hạng 9/13.

tranh-ve-1.jpg
Các tân Cử nhân được ban cấp áo mũ và làm lễ bái tạ. Ảnh: Tư liệu năm 1897.

Trường Gia Định tổ chức khoa thi đầu tiên vào năm 1813, trường được thiết trí trên khu đất thôn Hòa Nghĩa, phía tây thành; với chu vi khoảng 850m, tường cao gần 2m. Trong gần nửa thế kỷ tồn tại, nơi đây đã mở 20 khoa thi, lấy đậu 272 người. Do vậy Trường Gia Định không chỉ có vai trò quan trọng đối với nền giáo dục khoa cử Nam kỳ, mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của nền giáo dục Nho học Bình Thuận. Trường Gia Định ngày nay ứng với khu vực Nhà văn hóa Thanh Niên (số 4, đường Phạm Ngọc Thạch, TP. Hồ Chí Minh).

Năm 1859, Pháp tiến đánh Gia Định và chiếm 3 tỉnh Đông Nam kỳ, nên từ sau khoa thi năm 1858 Trường Gia Định không tổ chức nữa; thay vào đó triều Nguyễn mở Trường An Giang. Tại khoa Giáp Tý (1864), Trường An Giang lấy đỗ 10 người; trong đó có Nguyễn Đức Hậu, người xã Mỹ Hiệp, huyện Hòa Đa, đứng vị thứ 5. Cũng vì tình hình chiến sự và 3 tỉnh Tây Nam kỳ bị Pháp chiếm năm 1867, nên Trường An Giang chỉ tổ chức được 1 khoa thi. Sau này khi triều đình mở khoa thi, thí sinh Bình Thuận phải ra Bình Định dự thi.

Trường thi Bình Định được vua Tự Đức lập năm 1850. Đó là nơi dự thi của thí sinh đến từ Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa và sau có thêm Bình Thuận. Trường xây bằng đá ong, trên vùng đất gò có chu vi khoảng 1.000m, tường cao gần 2m, tại Hòa Nghi, tổng Thời Đôn, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn (nay thuộc phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn). Trường Bình Định là trung tâm thi cử quan trọng ở Nam Trung kỳ thời bấy giờ. Từ khoa đầu tiên đến năm 1918, Trường Bình Định đã mở 23 khoa, tuyển chọn được 355 cử nhân, trong đó có 8 người quê ở Bình Thuận, góp phần vào thúc đẩy sự nghiệp học tập cho nhân dân trong vùng.

Người Bình Thuận đậu cử nhân đầu tiên tại Trường Bình Định là 2 anh em Lương Hữu Lý (đậu Á nguyên, xếp thứ 2/15) và Lương Hữu Liễu (xếp thứ 7/15), người Long Khê, huyện Tuy Lý, tại khoa Quý Dậu (1873). Người thứ 3 là Lê Văn Cơ, quê ở xã Phú Chánh, huyện Tuy Lý, tại khoa thi năm 1876, xếp thứ 11/12. Tiếp đến là Từ Hữu Trực, người xã Bình Thạnh, xếp thứ 7/17 khoa thi 1891; Nguyễn Văn Bính (người Tuy Lý) xếp thứ 18/19 khoa 1894, lúc 28 tuổi. Tại khoa thi năm 1900, có Bùi Hữu Chí 42 tuổi, người Nam Ngãi, huyện Tuy Lý và Nguyễn Hữu Chánh (37 tuổi), người xã Liêm Công huyện Hòa Đa; được bổ tới chức Khảo hiệu Sử quán, thăng Thị giảng. Khoa năm 1903, Nguyễn Sủng, người xã Xuân Phong, huyện Tuy Lý, đỗ năm 26 tuổi, làm quan tới chức Huấn đạo. Và cuối cùng là Nguyễn Doãn Nguyên, người xã Liêm Công, huyện Hòa Đa, khoa Bính Ngọ (1906) lúc 38 tuổi.

Thay lời kết

Từ năm 1807 - 1918 (khoa thi Hương cuối cùng), triều Nguyễn mở được 43 khoa, lấy đỗ 5.236 người; trong số này, Bình Thuận có 17 người. Dù số lượng không nhiều và chỉ dừng lại ở học vị cử nhân đã phản ánh phần nào sự nỗ lực học tập của người dân Bình Thuận, góp phần đưa giáo dục tỉnh nhà dần dự nhập vào hệ thống giáo dục khoa cử Nho học rất phát triển của triều Nguyễn. Sự cố gắng vươn lên và đỗ đạt của tiền nhân trong lịch sử là tấm gương sáng để lớp cháu con Bình Thuận hôm nay và mai sau noi theo.

ĐỖ THÀNH DANH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Người Bình Thuận đỗ đạt trong các kỳ thi Hương thời Nguyễn. Bài 1
Bài 1: Vài nét về hệ thống giáo dục triều Nguyễn
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người Bình Thuận đỗ đạt trong các kỳ thi Hương thời Nguyễn. Bài 2