Theo dõi trên

Người Bình Thuận đỗ đạt trong các kỳ thi Hương thời Nguyễn. Bài 1

17/06/2022, 05:40

Bài 1: Vài nét về hệ thống giáo dục triều Nguyễn

Bình Thuận là vùng đất mới, chính thức thống thuộc chính quyền Đàng Trong cuối thế kỷ XVII. Dân Bình Thuận đa phần là những nông dân nghèo đến từ các làng xã ven biển miền Trung. Do phải đương đầu với những khó khăn trên vùng đất mới nên việc học hành trong thời kỳ đầu chưa được chú trọng. Sang thế kỷ thứ XIX, giáo dục Bình Thuận từng bước được nâng lên, dần dự nhập vào hệ thống giáo dục Nho học thống nhất của cả nước.

quoc-tu.jpg
Quốc Tử Giám nay là Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế (số 1, đường 23 Tháng 8, TP. Huế). Ảnh: huecity.gov.vn.

Như các triều đại phong kiến trước, giáo dục khoa cử triều Nguyễn cũng làm nhiệm vụ đào tạo nhân lực, tìm kiếm nhân tài để bổ sung cho bộ máy Nhà nước. Do đó, sau khi thống nhất đất nước, một trong những yêu cầu cấp thiết của triều Nguyễn là tổ chức lại hệ thống giáo dục các cấp từ Trung ương xuống địa phương.

Trường học các cấp

Tại Kinh đô, năm 1803 vua Gia Long (1802-1820) đã cho lập nhà Quốc học (sang thời Minh Mạng gọi là Trường Quốc Tử Giám) để đào tạo sinh viên là những người trong hoàng tộc hay tôn thất (gọi là Tôn sinh), con các quan (Ấm sinh), con nhà bá tánh học giỏi, được địa phương sát hạch và tiến cử (Cống sinh); ngoài ra, những người đã đỗ các kỳ thi Hương cũng được xét vào học để chuẩn bị thi Hội, hoặc những người rớt kỳ thi Hội muốn vào để ôn luyện chuẩn bị thi ở khoa sau. Đồng thời, vua cũng cho lập Tập thiện đường (1816) để dạy các hoàng tử và hoàng thân; Tôn học sở (1850) để dạy dỗ cho các công tử (con của các hoàng tử)…

Tại các địa phương, trường học được tổ chức từ cấp dinh/trấn (sau này là tỉnh), phủ, huyện xuống tới cấp tổng, xã, thôn/ấp. Những tỉnh có số người đi học đông, giáo dục phát triển thì lập từ 11 - 15 trường; những địa phương khác trung bình có 3 - 5 trường. Bình Thuận có 6 phủ, huyện, 13.163 suất đinh nên lập được 4 trường. Số này không ít khi so với một số tỉnh trong vùng như: Phú Yên, Khánh Hòa đều 2 trường, Biên Hòa 3; Gia Định có tới 32.826 suất đinh nhưng cũng chỉ có 5 trường.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí (soạn thời vua Tự Đức) cho biết, trường tỉnh Bình Thuận đóng ở phía tây tỉnh thành, thuộc thôn Xuân An, huyện Hòa Đa. Trường huyện Hòa Đa dựng năm 1820 tại thôn An Hòa. Trường phủ Hàm Thuận dựng năm Minh Mạng thứ 4 (1823) tại Phú Tài, huyện Tuy Định và trường phủ Ninh Thuận dựng năm Minh Mạng thứ 13 (1832), đóng ở phía đông phủ lị, thuộc thôn Kinh Dinh, huyện An Phước.

Theo quy định từ năm 1824 của vua Minh Mạng, trường học cấp tỉnh (trước gọi là dinh/trấn) bao gồm: 1 tòa giảng đường 3 gian 2 chái, lòng nhà dọc ngang đều 6 thước 4 tấc, cột cái cao 10 thước 5 tấc; sau hạ xuống, lòng nhà chỉ 6 thước 1 tấc (năm 1833), 5 thước 9 tấc (1836). 1 tòa nhà vuông 1 gian 2 chái, lòng nhà dọc ngang đều 7 thước và cột cái cao 10 thước 5 tấc; sau hạ xuống, lòng nhà dọc 5 thước 1 tấc, ngang 6 thước; rồi còn 5 thước 9 tấc (năm 1836). Trường học cấp phủ được triều đình cấp kinh phí là 300 quan tiền để xây cất và theo quy cách trường tỉnh (1 giảng đường và 1 nhà vuông). Riêng trường huyện chỉ có 1 tòa nhà 3 gian 2 chái, dài 3 trượng 9 thước, rộng 2 trượng 6 thước 4 tấc, cột cái cao 10 thước 5 tấc; kinh phí được cấp để xây dựng là 250 quan tiền.

Tổ chức giảng dạy và chương trình học

Cùng với xây dựng hệ thống trường lớp, các vua triều Nguyễn rất quan tâm tới việc chọn cử quan lại phụ trách công tác quản lý, giảng dạy.

Trước hết, nhân sự phụ trách việc dạy dỗ những người trong hoàng tộc (Tập thiện đường, Tôn học sở) được các vua Nguyễn lựa chọn rất kỹ lưỡng trong hàng các quan văn, có đức hạnh.

Phụ trách nhà Quốc học là những quan văn, vua Gia Long cho đặt chức Đốc học chính đường (Chánh tứ phẩm), giúp việc có 2 Phó Đốc học. Sang thời Minh Mạng, đứng đầu Quốc Tử Giám là Tế tửu và 2 Tư nghiệp; thuộc viên có 2 Học chính và các chức quan khác như: Tôn học, Giám thừa, Điển bạ, Điển tịch… Tế tửu có nhiệm vụ trông coi về việc học và đào tạo nhân tài để giúp cho nền văn học được thịnh đạt; Tư nghiệp thì tham gia điều hành và làm phó cho Tế tửu; còn Học chính thì theo việc giáo dưỡng, giảng dạy và theo dõi việc học tập của sinh viên. Sang các đời vua sau, cơ cấu nhân sự của Quốc Tử Giám ít nhiều có một số điều chỉnh.

Ở trường tỉnh (trước đó là dinh/trấn), triều đình đặt các chức Đốc học và Phó Đốc học để đôn đốc, kiểm tra và quản lý việc học hành của con em ở địa phương. Đốc học là chức quan văn, trật Chánh ngũ phẩm; theo lệ định, người giữ chức này phải là Cử nhân, Phó bảng hoặc Tiến sĩ. Nếu không cũng thuộc hàng cựu sinh viên Trường Quốc Tử Giám hay Tú tài vào hạng xuất sắc, được học trò trong tỉnh mến phục và quan trên xét thực có học thức và đức hạnh.

Tại Bình Thuận, mãi đến năm 1822 vua Minh Mạng mới đặt chức Đốc học (Phú Yên, Định Tường, Vĩnh Long, Hà Tiên và Ninh Bình cũng đặt Đốc học trong năm này). Trường phủ thì đặt chức Giáo thụ (văn giai, Chánh thất phẩm) đảm nhận việc giáo dục trong phủ (hoặc 1 tỉnh nhỏ). Ở huyện thì đặt chức Huấn đạo (văn giai, Chánh bát phẩm) phụ trách.

Việc chọn cử học quan ở phụ trách trường học các cấp được ghi thành điển lệ của triều đình: “Phàm cất bổ giáo chức tất phải lấy Tiến sĩ, Phó bảng, Cử nhân xuất thân, nếu là Giám sinh (sinh viên Trường Quốc Tử Giám, trừ Tôn sinh – Đ.T.D), Tú tài tất phải quả có học hạnh, có danh vọng đủ tin trong đám sĩ phu; những người thi Hội không đỗ trong đó nếu có người hai kỳ thông được ba phân trở lên thì bổ Giáo thụ, hai kỳ được hai phân và một kỳ được ba phân trở lên thì bổ Huấn đạo”.

Cùng với hệ thống trường công, thời Nguyễn còn có loại hình trường tổng, theo mô hình “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Theo đó, các tổng đề xuất từ 2-3 người có sức học và hạnh kiểm tốt để trình lên; người được chọn sẽ được Nhà nước (ở địa phương) cấp bằng và cho giữ chức Tổng giáo để làm nhiệm vụ dạy bảo học trò tại các lớp sơ học thuộc trường tổng. Thầy giáo trường tổng không nằm trong hệ thống quan chế triều đình, nhưng được Nhà nước hỗ trợ một phần lương bổng, gồm: 1 quan tiền và 1 phương gạo (30 bát gạt bằng miệng). Còn nhân dân có con theo học thì đứng ra tổ chức trường lớp và phụ cấp thêm một ít về điều kiện sống cho thầy giáo. Đến năm 1824, khi xét thấy không cần thiết duy trì mô hình trường tổng, bộ Lễ đã tâu với vua Minh Mạng bãi bỏ chức Tổng giáo (nhưng sau đó ở một số địa phương cho lập trở lại).

Nếu như trường tổng là loại hình nửa công tư và chỉ được tổ chức ở các trấn phía Bắc thì trường học ở cấp xã, thôn/ấp được thiết lập khắp cả nước. Mô hình trường cấp xã, thôn do nhân dân địa phương tự đứng ra tổ chức, từ xây dựng trường sở, mời thầy về dạy học, trả lương đến tổ chức các hoạt động khuyến học cho con em trong xã. Có thể nói, hệ thống trường tư làng xã đã lấp được những khoảng trống khi hệ thống trường công chưa thể phủ tới; nhờ đó, học trò được cung cấp nền tảng kiến thức ban đầu để có thể tiếp tục học lên và tham dự các kỳ thi do triều đình tổ chức.

Về chương trình học, học trò khi còn ở làng xã theo học bậc Tiểu tập. Ở cấp này người học chỉ cần viết lách thành thạo, cùng với những kiến thức nhất định về Nho học; nếu muốn lên cấp cao hơn phải thi đỗ Sinh đồ mới được lên cấp Trung tập và học tại trường công thuộc phủ, huyện.

Chương trình Trung tập ngoài Kinh truyện, Thơ phú, Kinh nghĩa và Văn sách thì học trò còn được học Cổ văn, Thi vận, Bắc sử, Nam sử, đọc sách của Bách gia chư tử và được luyện tập về mặt thi cử. Có thể thấy, ở bậc học này trình độ nâng cao hơn, cho nên Nho sinh phải kiên trì học tập cả ngày lẫn đêm thì mới có thể lĩnh hội được nội dung của chương trình học.

Sang cấp Đại tập thuộc trường phủ, Nho sinh sẽ phải tiếp tục “dùi mài kinh sử”; đồng thời còn được Giáo thụ đứng ra giảng sách, tập văn và bình văn để chờ đại khoa. Cuối giai đoạn này, học trò còn được quan Đốc học trực tiếp đứng ra bồi dưỡng, luyện tập cho những thí sinh đã đỗ Khảo khóa và được lựa chọn để đi thi Hương.

Tóm lại, nhiệm vụ chính của các trường công lập ở địa phương là phải rèn cho học sinh đủ trình độ Nho học và kỹ năng để có thể đi thi Hương. Việc này đòi hỏi sự cố gắng ở cả hai phía thầy và trò, vì kết quả thi cử không chỉ ảnh hưởng đến đường công danh của người đi thi, mà nó còn tác động lớn đến hoạn lộ của các học quan tại địa phương. Học trò đỗ đạt được nhà vua ban cấp áo mũ, đãi ăn yến, vinh quy bái tổ, được bổ dụng vào bộ máy Nhà nước. Quan chức địa phương cũng được thơm lây vì được khen thưởng, thậm chí thăng chức; ngược lại triều đình cũng quy định, nếu số học sinh được cử đi thi mà không đậu thì những học quan này sẽ bị Nhà nước cách chức.

Bài 2: Thi Hương thời Nguyễn và 17 vị cử nhân người Bình Thuận

ĐỖ THÀNH DANH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Công trình Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ: Nỗ lực hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm nay
Văn phòng UBND tỉnh vừa có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh tại buổi kiểm tra thực địa tiến độ triển khai dự án Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ (thuộc địa bàn xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc).
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người Bình Thuận đỗ đạt trong các kỳ thi Hương thời Nguyễn. Bài 1