BT- Lấy mốc thời gian từ trấn Thuận Thành (1693) đến khi Triều Nguyễn khởi nghiệp (1802), vùng đất Bình Thuận xưa hình thành chưa bao lâu nhưng vẫn có những bậc danh nho, người đỗ đạt ra làm quan. Cũng như đội ngũ quan lại xuất thân từ “cửa Khổng, sân Trình”, một số quan lại người Bình Thuận lặng lẽ góp sức mình vào sự phát triển hưng thịnh, chứng kiến quá trình suy vong của triều đại phong kiến cuối cùng, khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công cửa biển Đà Nẵng, năm 1858.
Hoàng thành Huế. |
Góp nhặt qua các sử liệu tản mạn, rời rạc của Quốc sử quán Triều Nguyễn, thấp thoáng được hành trạng của một số quan lại quê Bình Thuận như: Chưởng cơ Lưu thủ dinh Bình Thuận Võ Văn Lân, Khâm sai Chưởng cơ Nguyễn Văn Tại, Binh bộ Thượng thư Nguyễn Đăng Hựu, Bố chánh Bùi Tăng Huy, Tuyên phủ sứ Nguyễn Song Thanh… Trong đó, Hiệp biện Đại học sĩ Binh bộ Thượng thư Nguyễn Đăng Hựu làm quan dưới 2 đời vua Gia Long, Minh Mạng.
Xuất thân nghiệp võ, thành công nghiệp văn
Ông Nguyễn Đăng Hựu, sinh năm Tân Mùi (1751), người phủ Hòa Đa (nay là huyện Bắc Bình). Lúc nhỏ theo thầy học chữ, lớn lên gặp lúc chiến tranh loạn lạc nên theo việc quân ngũ, ông được làm Khâm sai Cai cơ, là chức quan võ đứng đầu một cơ (khoảng từ 400 - 500 quân), như Tiểu đoàn trưởng hiện nay.
Sau khi từ Xiêm La trở về đánh chiếm lại Gia Định từ nhà Tây Sơn (tháng 7/1787), chúa Nguyễn Ánh xây dựng nơi đây và cả vùng đất Nam bộ thành căn cứ vững chắc; hình thành các cơ quan triều đình: Lục bộ (Hình, Binh, Lại, Hộ, Lễ, Công), Hàn lâm viện (cơ quan soạn thảo chế cáo, chiếu chỉ, nghiên cứu và biên soạn tác phẩm cho nhà vua, như Văn phòng Chính phủ hiện nay)…; xây kinh thành Gia Định hình bát giác; chia đặt các dinh: Trấn Biên (Đồng Nai), Phiên Trấn (TP. Hồ Chí Minh), Long Hồ (sau đổi thành Vĩnh Trấn, tức Vĩnh Long ngày nay)...
Nhận thấy ông Nguyễn Đăng Hựu là người có chữ nghĩa, tháng 3/1789, chúa Nguyễn Ánh triệu hồi ông về Gia Định bổ làm Hàn lâm viện Chế cáo, là chức quan văn giữ việc biên soạn chế cáo Hàn lâm viện, phẩm hàm chánh ngũ phẩm (phẩm hàm là căn cứ để triều đình cấp lương bổng hàng tháng, tùy chức vụ mà phẩm hàm cao hay thấp). Bốn tháng sau, lại bổ ông đi dinh Vĩnh Trấn nhận chức Ký lục, là chức quan theo dõi, ghi chép việc quân ở trấn thành, như ghi chép việc các tướng lĩnh siêng lười, nhút nhát để tâu lên vua xem xét. Tháng 11/1791, ông và quan Cai bạ dinh Vĩnh Trấn bị chúa Nguyễn Ánh bãi chức, do “dung túng cho người thuộc quyền nhũng lạm”. Nhưng hai năm sau, ông được khôi phục chức như cũ, làm Ký lục tại dinh Phiên Trấn.
Sau khi lấy được Phú Xuân (Huế), chúa Nguyễn Ánh chọn nơi đây để xây dựng kinh đô của Triều Nguyễn. Tháng 11/1801, Ký lục Nguyễn Đăng Hựu được triệu hồi về Phú Xuân, bổ làm Hình bộ Tả Tham tri; là chức quan thứ hai sau Hình bộ Thượng thư, giúp quan Thượng thư điều hành công việc trong bộ, như Thứ trưởng thường trực hiện nay. Hình bộ là một trong Lục bộ Triều Nguyễn, chuyên trách soạn thảo, điều chỉnh và trông coi việc thực hiện luật pháp, tương đương Bộ Tư pháp hiện nay.
Thời gian làm việc ở kinh đô, Nguyễn Đăng Hựu tham dự vào một số việc quan trọng như: phòng giữ Phú Xuân cùng Quốc thúc quận công, Đô thống chế dinh Túc trực, khi vua Gia Long tiến quân ra Bắc Hà (tháng 5/1802); tham gia tiếp Án sát Quảng Tây Tề Bố Sâm (sứ nhà Thanh) đem cáo sắc, quốc ấn, phẩm vật mừng đến thành Thăng Long (Hà Nội) làm lễ phong vương cho vua Gia Long và chuẩn danh xưng quốc hiệu nước ta là Việt Nam (tháng 1/1804); nhưng cũng bị quở phạt khi quản lý lỏng lẻo tội phạm giam trong ngục (tháng 4/1806).
Tháng 12/1813, ông được thăng làm Binh bộ Thượng thư, phụ trách quân sự, như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hiện nay. Cùng thăng chức Thượng thư với ông, còn có Lại bộ Thượng thư Trịnh Hoài Đức, người biên soạn bộ “Gia Định thành thông chí”, một trong ba thi nhân nổi tiếng “Gia Định tam gia”.
Tháng 5/1818, Binh bộ Thượng thư Nguyễn Đăng Hựu được 67 tuổi, xin cáo lão hồi hương Bình Thuận.
Tháng 12/1827, nhân dịp lục tuần đại khánh tiết Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (sinh nhật mẹ vua Minh Mạng), Nguyễn Đăng Hựu về kinh chúc thọ. Vua Minh Mạng triệu ông vào hầu, khen ngợi lòng trung, ban bài thơ ngự chế (thơ do vua sáng tác), quần áo, chăn đệm, 100 quan tiền và thăng chức Hiệp biện Đại học sĩ, là chức quan đại thần trong tứ điện (Cần Chánh, Văn Minh, Võ Hiển, Đông Các), phụ tá cho các quan Đại học sĩ.
Tháng 8/1832, Hiệp biện Đại học sĩ Binh bộ Thượng thư Nguyễn Đăng Hựu mất. Liệt truyện chép, “…Mùa thu năm Minh Mạng thứ 13 (tức năm 1832 -Tg), tháng 8, ốm chết, tuổi 81”( ). Để tỏ lòng thương tiếc lão thần kỳ cựu hai triều, vua Minh Mạng cấp tiền tuất, 2 cây gấm Tống, 10 tấm lụa, 20 tấm vải, 300 quan tiền và 1 tuần cúng tế.
Vua còn truyền chỉ dụ, con trai ông là Nguyễn Đăng Du, tuổi còn nhỏ, sau này trưởng thành sẽ do Lại bộ đề đạt. Đến tháng 3/1839, Nguyễn Đăng Du được bổ làm Lại bộ Tư vụ, giúp việc trong văn phòng Lại bộ. Hơn một năm sau, được hưởng ấm thụ (chế độ kế vị người cha mà không phải sát hạch, thi cử), nhận học bổng, vào Quốc Tử Giám học tập.
Những lần thăng, giáng chức
Quan lộ của Hiệp biện Đại học sĩ Binh bộ Thượng thư Nguyễn Đăng Hựu được xem là vinh hiển, hanh thông, dĩ nhiên cũng có lúc bị khiển trách, bãi chức. Khi vua nghiêm trị quan lại triều đình thì đều có lý do như: thể hiện luật pháp nghiêm minh, làm gương cho các quan lại khác; thể hiện uy quyền quân vương, lấy lòng dân chúng khi mới lên ngôi. Nhưng khách quan nhìn nhận, có thể thấy hai lần Nguyễn Đăng Hựu bị vua quở phạt được xem là phần nào “phạt nặng hơn tội”.
Lần đầu tiên khi ông làm Ký lục dinh Vĩnh Trấn. Thực lục chép, “…Cai bạ Vĩnh Trấn là Nguyễn Mộng Bi, Ký lục là Nguyễn Đăng Hựu, vì dung túng cho người thuộc quyền nhũng lạm, bị bãi chức”. Qua dòng sử liệu ngắn có thể hiểu, do dung túng cho thuộc hạ có hành vi lạm dụng quyền hành, gây phiền hà, lấy tài sản của người dân mà ông bị bãi chức. Luận theo tội trạng hiện nay, thì ông mang tội liên đới trách nhiệm trong quản lý, để thuộc cấp lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của mình làm bậy, đáng chịu mức phạt cao nhất là khiển trách. Thế nhưng chúa Nguyễn Ánh nghiêm trị bãi chức. Mãi đến hai năm sau, có lẽ nhận thấy hình phạt hơi nặng so với tội trạng, nên khôi phục chức, bổ ông làm Ký lục dinh Phiên Trấn.
Lần tiếp theo khi ông làm Hình bộ Tả Tham tri. Có người tâu lên vua việc tội phạm trong nhà giam xiềng khóa lỏng lẻo. Vua triệu quan Hình bộ Thượng thư và ông đến trách mắng, sai lính trói lại tống giam vào ngục, rồi sau lại tha. Thực lục chép, sau khi tha Hình bộ Thượng thư và ông, vua Gia Long dụ rằng: “Bọn ngươi coi việc hình mà không giữ phép thường của hình thì lấy gì để làm phép cho thiên hạ được? Một lần đầu lầm lỗi trẫm tạm tha cho, sau còn thế thì quyết khó mong khoan hồng nữa”. Cũng như lần sai phạm trước, lần này cũng là cái tội “liên đới trách nhiệm trong quản lý”; nhưng khác lần trước, hình phạt của vua đối với ông mang tính răn đe, nhốt vào ngục một vài ngày rồi thả ra, không bãi chức.
Vì sao lại không bãi chức ông Nguyễn Đăng Hựu? Bởi thời điểm này, ông đã được vua Gia Long tín cẩn, tin dùng. Dưới nhãn quan của mình, vua Gia Long đã chuyển ông từ một võ quan (Cai cơ) tiến triển theo ngạch văn quan. Dù đứng đầu Binh bộ, liên quan đến quốc phòng, nhưng chủ yếu là quản lý hành chính, chứ ông không trực tiếp cầm quân chinh chiến. Ngoài khoảng mười năm ở dinh Vĩnh Trấn, Phiên Trấn, phần lớn ông làm việc tại Phú Xuân, ngay trong triều đình (Hình bộ Tả Tham tri, Binh bộ Thượng thư), tham gia các việc quan trọng do vua Gia Long giao phó:phòng giữ Phú Xuân, tham gia phái đoàn tiếp sứ nhà Thanh hoặc tham gia trực tiếp giải quyết những ân oán giữa hai triều đại Nguyễn và Tây Sơn...
Suy nghĩ về đạo làm quan
Trong cuộc đời làm quan của mình, Nguyễn Đăng Hựu lưu truyền dân gian một giai thoại thể hiện quan điểm về đạo lý làm quan.
Nhất thống chí chép, “…Đầu đời Minh Mạng, Tri phủ Bình Thuận là Tô Trân đến yết kiến, hỏi về thuật trị dân. Hựu nói: Người yêu trâu thì phải đập lằng (ruồi nhặng), người yêu dân thì phải trị bọn lại dịch”.
Hoặc trong cuốn L’Annam ses grands hommes a travers les provinces (Những người nổi tiếng các tỉnh ở An Nam), chép rằng (tạm dịch): “Trong thời gian nghỉ hưu, có một ngày, Tri phủ đến xin ông lời khuyên về cách quản lý hành chính tốt. Ông trả lời: người nông dân yêu con trâu của mình trên hết phải bảo vệ nó khỏi bị ruồi tấn công; quan lại thực sự yêu dân trên hết bảo vệ họ khỏi sự nhũng nhiễu của nền hành chính” (nguyên văn: Pendant sa retraite un Tri Phủ vint un jour lui demander conseil sur les règles d’une bonne administration. Il répondit: “le paysan qui aime son buffle doit avant tout le soustraire à l’attaque des mouches; le mandarin qui aime vraiment ses administrés doit avant tout les soustraire aux abus des agents administratifs sans conscience”).
Câu nói của Nguyễn Đăng Hựu như là đạo lý, là phương châm cho những người lấy đường quan nghiệp lập thân, chiêm nghiệm lại mình.
Thay lời kết
Nguyễn Đăng Hựu (1751 - 1832), người phủ Hòa Đa (nay là huyện Bắc Bình), làm quan hai đời vua Gia Long và Minh Mạng, đảm trách các chức vụ: Cai cơ, Chế cáo Hàn lâm, Ký lục, Hình bộ Tả Tham tri, Binh bộ Thượng thư hàm Hiệp biện Đại học sĩ. Ông là một trong số ít quan lại Bình Thuận tham gia vào một số sự kiện quan trọng của đất nước thời vua Gia Long; là quan lại Bình Thuận làm chức cao nhất dưới thời phong kiến, cũng như cho đến sau này (tương đương Bộ trưởng Bộ Quốc phòng).
Dù đang làm quan hay cáo lão hồi hương, Hiệp biện Đại học sĩ Binh bộ Thượng thư Nguyễn Đăng Hựu, vẫn đặt mình ở địa vị một quan lại luôn đứng về phía dân. Câu nói về cách quản lý đất nước của ông thể hiện đạo lý, phương châm làm quan có giá trị xuyên suốt lịch sử. Có lẽ vì thế nên Quốc sử quán Triều Nguyễn đã trân trọng chép hành trạng của ông, xếp vào mục quan đại thần trong bộ Đại Nam liệt truyện.
HÀ NGÂN