Trùng tu di tích tháp Pô Sah Inư. |
Năm 1986 – 1987 khi đang hướng dẫn tu bổ tôn tạo tháp Pô Klong Garai ở Phan Rang, đoàn chuyên gia Ba Lan và Trung tâm tu bổ di tích Trung ương (Bộ Văn hóa Thông tin) đứng đầu do Kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski (tên thường gọi thân mật là Kazik), làm Trưởng Ban hợp tác Việt Nam – Ba Lan về tu bổ di tích vào Phan Thiết khảo sát, đặt vấn đề với Bộ VHTT và UBND tỉnh cho nghiên cứu và thiết kế thi công nhóm đền tháp Podam và Pô Sah Inư. Sau nhiều lần đến khảo sát và nghiên cứu thực địa, năm 1989 - 1992 Tiểu Ban hợp tác Việt Nam – Ba Lan đã đến nghiên cứu và gia cố cấp thiết chống sụp đổ ở các tháp.
Ở thời đó, giới chuyên môn ở Việt Nam còn ít kinh nghiệm về trùng tu di tích, nhất là di tích kiến trúc Chăm. Khi trùng tu di tích Chăm làm bằng đất nung và một phần bằng đá ở dạng phế tích, Kazik tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc của trường phái “trùng tu khảo cổ học” được quốc tế công nhận: Đó là giữ gìn nguyên vẹn di tích gốc và các thành phần gốc, không làm sai lệch và không làm giả di tích, chủ yếu sử dụng biện pháp gia cố kỹ thuật để duy trì hiện trạng, phục chế từng phần nếu có cơ sở khoa học, không phục nguyên, không làm lẫn cái gốc với cái mới đưa vào để gia cường. Nhờ đó, đã loại bỏ được tình trạng đổ nát của các phế tích, cải thiện tình trạng tồn tại và khôi phục từng phần các di tích bằng các giải pháp kỹ thuật phù hợp, không làm tổn hại đến di tích mà ngược lại còn phát huy giá trị của di tích, là cơ sở khoa học cho nhiều năm sau này dựa trên cái gốc để phục hồi từng phần.
Lúc này gần như tất cả các thứ đều do Nhà nước Ba Lan viện trợ từ con người đến phương tiện, kỹ thuật. Để có bộ giàn giáo leo lên cao trên tháp rất khó, do đó phía Ba Lan đã tặng bộ giàn giáo bằng ống thép tròn được đưa về từ Bình Định. Đây là bộ giàn giáo chuyên dụng vừa chắc chắn vừa tiện dụng, ứng với bất kỳ hình thù và chiều cao nào của các tháp Chăm. Cũng nhờ leo lên đỉnh các tháp Pô Klong Garai, Pô rômê, Podam và Pô Sah Inư mà lần đầu tiên chúng tôi khám phá và phát hiện ở tầng trên cùng của các tháp nhiều điều lý thú mà nếu không lên đó sẽ không nhìn thấy. Đó là 4 lỗ thông hơi từ trong ra ngoài. Sau này một số vị Cả sư khi làm lễ trong lòng tháp cho rằng, các vị thần linh ra vào bằng con đường này. Nhưng thú vị hơn cả là lần đầu thấy hình khắc trên tảng đá lớn ở đỉnh tháp Pô Klong Garai và Pô rômê, nhưng rõ và sắc nét là hình khắc ở đỉnh tháp Pô rômê. Chụp ảnh và hỏi một số trí thức Chăm ở Phan Rang được biết đó là hình của Homkar, là hình ảnh thu nhỏ của vũ trụ. Theo họ Homkar của người Chăm có mặt trời, mặt trăng, trái đất; có âm và dương trong hình vẽ và cũng là hình con người.
Tất cả những phần việc tu bổ, gia cố chống sụp đổ các tháp ở Podam và Pô Sah Inư thời kỳ này đều do KTS. Kazik vừa thiết kế vừa hướng dẫn thực hiện. Giai đoạn này làm gì có thời gian để thiết kế, thời gian đâu để các cơ quan nhà nước thẩm định, phê duyệt thiết kế. Bởi như nói ở phần trên, việc tu bổ di tích Chăm thời kỳ này ở Việt Nam còn rất mới. Tại công trường, KTS. Kazik hướng dẫn và anh em Việt Nam làm theo. Kazik bắt đầu công cuộc trùng tu di tích theo nguyên tắc của mình là cố gắng giữ gìn nguyên vẹn ở mức tối đa các yếu tố nguyên gốc tháp Chăm.
Việc gia cố và tu bổ, tôn tạo đã mang lại những lợi ích, như giữ lại được nguyên trạng hình dáng kiến trúc ban đầu của từng vị trí trên từng tháp, đảm bảo tính nguyên gốc để sau này làm căn cứ tu bổ, tôn tạo. Những đợt tu bổ tôn tạo sau này cũng dựa vào phần cốt chính và hình dáng đã được gia cố chống xuống cấp của thời kỳ này. Việc gia cố chống xuống cấp đã liên kết được giữa vật liệu cũ và vật liệu mới một cách bền vững, hoàn toàn chống được sự sụp đổ lây lan. Việc làm trên là tiền đề để phát huy các giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa nghệ thuật dân gian và cả việc phục dựng lễ hội sau này. Nhờ kết quả của cả quá trình hàng chục năm của biết bao thế hệ những nhà khoa học, những kiến trúc sư, nhân công mà đứng đầu là KTS. Kazik vừa nghiên cứu vừa gia cố, tu bổ tôn tạo đã trả lại hình dáng xưa cho các tháp trong nhóm đền tháp Podam và Pô Sah Inư. Để ghi công và tôn vinh ông, ở Mỹ Sơn và phố cổ Hội An đã tạc tượng đá KTS. Kazik. Thiết nghĩ ở Podam và Pô Sah Inư cũng nên có hình ảnh KTS. Kazik đặt trang trọng trong nhà trưng bày để mọi người biết đến ông như là người có công đầu trong việc phục hồi các phế tích trở thành di tích và tài sản như hôm nay.
NguyỄn Xuân Lý