Hôm 8/5, bệnh viện Ram Manohar Lohia tại trung tâm Thủ đô New Delhi, Ấn Độ đã đưa vào sử dụng một bộ phận chuyên khoa điều trị cấp cứu cho người bị say nắng, sốc nhiệt. Đây là bệnh viện đầu tiên tại Thủ đô của Ấn Độ có một đơn vị độc lập để điều trị cho các bệnh nhân gặp phải vấn đề sức khỏe do thời tiết quá nóng. Tại phòng chuyên khoa này, các bác sỹ, điều dưỡng được trang bị các kiến thức và máy móc hiện đại nhất để giúp cấp cứu cho các trường hợp say nắng, sốc nhiệt, mất nước do nắng nóng. Việc ra mắt bộ phận này được cho là cần thiết trong bối cảnh Ấn Độ đang trải qua những ngày nắng nóng kéo dài từ cuối tháng 6. Nhiệt độ ngoài trời, đặc biệt là tại các đô thị luôn vượt mốc 40 độ C, có những nơi trên 45 độ C.
Trong bối cảnh đó, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ đã ra nhiều khuyến cáo về thời tiết và hướng dẫn xử lý về y tế trong trường hợp gặp sốc nhiệt, say nắng để phổ biến tới người dân. Bộ Y tế Ấn Độ cũng yêu cầu các bệnh viện cần trang bị ngay các túi trườm nước đá, glucose và nước điện giải để có thể cấp cứu cho các trường hợp bị say nắng ngay lập tức.
Người lao động tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ chật vật mưu sinh trong nắng nóng (Ảnh: ANI)
Trong khi đó, để đối phó với nguy cơ say nắng, sốc nhiệt ở ngoài trời trong những ngày này, người dân Ấn Độ cũng sử dụng nhiều biện pháp khác nhau. Tại thành phố Ahmedabad, bang miền Tây Gujarat, một trong những bang đang phải chịu nắng nóng gay gắt, chính quyền ở đây đang sử dụng một biện pháp đơn giản là lắp đặt và vận hành các dàn phun sương và nước trên đường phố, nhất là tại các ngã tư đèn đỏ. Cách làm này được cho là có hiệu quả trong bối cảnh thành phố này phải trải qua đỉnh điểm nhiệt độ là 43 độ C trong tuần này. Người dân địa phương cũng được khuyến khích làm mát khu vực xung quanh nhà bằng cách phun nước ra hè phố.
Ông Abdul Wakar Abdul Khelji, một chủ cửa hiệu sửa xe máy tại Ahmedabad mấy ngày nay thường phun nước vào những người lái xe ô tô đi ngang qua. Ông cho biết, làm việc này một cách tự nguyện để ngăn mọi người ngất xỉu vì nắng nóng.
“Hễ trời nóng là tôi mở nước và bắt đầu phun. Nếu nhiệt độ từ 40 độ C trở lên, tôi bắt đầu phun nước. Tôi xịt đường và bất cứ ai đi qua để không ai bị ngất vì nắng nóng, đó là việc làm tình nguyện của tôi”, ông Abdul Wakar Abdul Khelji nói.
Hôm 9/5, bang miền Nam Tamil Nadu đã yêu cầu các trường học tại bang này không tổ chức các lớp học thêm, chương trình ngoại khóa trong kỳ nghỉ hè năm nay để bảo vệ học sinh khỏi tác động của nắng nóng. Chính quyền bang này yêu cầu thực hiện nghiêm trong toàn bộ hệ thống giáo dục để đảm bảo không có trường hợp sốc nhiệt, say nắng nào xảy ra vì tới trường. Quan chức chính quyền bang này cho biết, nhiệt độ tại một số khu vực của bang Tamil Nadu có thể vượt quá ngưỡng 40 độ C cho tới tận ngày 16/5.