Theo dõi trên

Người xưa quản lý tâm linh (*)

15/11/2024, 05:37

Văn hóa là phạm trù rộng lớn, nội dung bao hàm tất cả những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình phát triển lịch sử. Có những hiện tượng, sự việc, hình ảnh… văn hóa từ nhiều đời để lại chứa đựng những giá trị dễ bị phai mờ nếu không nghiên cứu, khôi phục, làm sáng rõ nội dung ý nghĩa của nó để lưu giữ, truyền bá. Trong thực tế, có những vấn đề thuộc về văn hóa không dễ dàng cảm nhận để thấu hiểu.

Từ văn hóa chúng ta thường dùng không lạ, chữ văn (文) có nghĩa là nét đẹp, còn hóa (化) là chỉ sự giáo hóa, tức là lấy cái hay, cái đẹp để giáo dục, chuyển hóa con người hướng về những gì tốt đẹp. Cho nên người nào không có được cái hay, cái đẹp đó gọi là “vô văn hóa”.

2.net-dep-cua-van-hoa-tam-linh-.png

Trước đây, chúng ta quan niệm văn hóa thuộc kiến trúc thượng tầng, nghe ra trừu tượng, cách xa cuộc sống hằng ngày. Đến khi mở rộng giao lưu với văn hóa thế giới chúng ta mới có sự thay đổi trong cách nhìn, đánh giá, văn hóa không chỉ ở phạm vi cao siêu mà nó bao hàm tất cả những khía cạnh, nó chính là cơ sở nền tảng hạ tầng, tồn tại chi phối mọi mặt trong hoạt động đời sống con người xã hội. Ở đó có sự tín ngưỡng, thờ cúng các vị thần.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, người Việt rất giỏi sáng tạo ra các truyền thuyết về người anh hùng, sau đó thể hiện lòng kính cẩn, tôn thờ. Cụ thể như các thành hoàng, là vị thần thường được tôn vinh vì tin tưởng xem thần là đấng anh hùng luôn che chở bảo vệ dân làng khỏi những tai họa, nên họ tỏ lòng tri ân, lập đền, miếu mạo kính cẩn thờ cúng. Từ những sinh hoạt văn hóa đó của nhân dân ở các vùng miền trên toàn lãnh thổ quốc gia, làm cho nhà cầm quyền phong kiến hết sức quan tâm, bởi họ thấy người dân xem các vị thần là đối tượng có quyền lực cao nhất chi phối đời sống tinh thần của họ. Trong thực tế, người dân ở mỗi làng, trong quá trình lao động sản xuất, khi đã hoàn thành nghĩa vụ với triều đình như đóng thuế, đi lính, dân làng được tự do sinh hoạt tuân theo phong tục tập quán riêng của mình, chỉ biết thần thành hoàng là tối thượng, trên cả nhà vua. Nên mới có câu tục ngữ “Phép vua thua lệ làng”.

Thế nên xưa kia nhà nước phong kiến muốn tham gia trực tiếp định hướng nhận thức tín ngưỡng của công chúng. Vào thời Lê Trung Hưng, một vị quan trong Bộ Lễ là cụ Nguyễn Bính đã yêu cầu tất cả các làng nộp lý lịch của các vị thần mà họ thờ lên trung ương. Sau đó, ông đã chỉnh sửa lại các truyền thuyết, biến những nhân vật này thành các vị anh hùng để phù hợp với tinh thần dân tộc – nhất là ở miền Bắc, bởi lịch sử Việt Nam luôn gắn liền với những cuộc chiến tranh chống xâm lược, làm cho các anh hùng huyền thoại từ truyền thuyết đánh giặc Ân đến suốt thời kỳ chống quân xâm lược phương Bắc về sau trở nên có lý lịch rõ ràng. Còn ở miền Trung và miền Nam, quan niệm về thờ thần của các làng xã có đôi phần khác biệt, người dân thờ cúng các vị đi tiên phong khai phá đất đai, lập làng, khai canh, sản xuất, tức là những người có công mở mang đất đai, bờ cõi. Điều đó giúp hiểu thêm tại sao ở Việt Nam mỗi làng đều có những phong tục khác nhau, tạo nên sự đa dạng trong văn hóa. Một điều hết sức trân trọng, mặc dù chịu nhiều tác động từ bên ngoài, nhưng văn hóa Việt Nam vẫn giữ được nét riêng nhờ vào các phong tục và tín ngưỡng dân gian này.

Một đặc trưng hết sức lưu ý trong văn hóa thờ cúng ở Việt Nam là hệ thống các vị thần thành hoàng được phong cấp: Từ hạ đẳng thần, trung đẳng thần đến thượng đẳng thần, tùy thuộc vào công lao mà các vị thần đó đã cống hiến. Lâu nay, bản thân tôi cũng đã được đọc một số tờ sắc phong, chủ yếu là xem nội dung nói những gì, nhưng bây giờ mới hiểu ý nghĩa chính trị cực kỳ quan trọng của việc sắc phong thần ở các đình làng xa xôi là nhằm giúp vua nắm quyền kiểm soát các vị thần và từ đó quản lý dân chúng một cách gián tiếp. Nhằm cho dân chúng thấy rằng các vị thần được tôn vinh thờ cúng là chiếu theo việc nhà vua thừa nhận phong sắc, vậy vua là bậc chí tôn, quyền uy trên tất cả các vị thần. Xây dựng hệ thống này vừa giúp vua quản lý đất nước, vừa tạo ra sự gắn kết giữa vua và các địa phương thông qua các vị thần được phong sắc.

Ở đây chỉ tìm hiểu về một vấn đề nhỏ trong không gian văn hóa rộng lớn đó là hình thức quản lý tâm linh của người xưa – cụ thể là của chính quyền nhà nước phong kiến, mới thấy động lực và sự chi phối của văn hóa về mọi mặt đời sống xã hội với những biểu hiện hết sức tế nhị nhưng vô cùng thâm thúy. Xem ra người làm công tác văn hóa đúng nghĩa từ xưa cho đến ngày nay không phải dễ.

(*) Nguồn tham khảo: GS TS Lê Hồng Lý – Những nhận thức mới về văn hóa trong bối cảnh đương đại và một số vấn đề lý luận.

VÕ NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Người thầy của chúng tôi
Tại La Gi, những ai đã sống cách đây 30 năm đều còn nhớ ngày đưa tang trong mưa gió cho thầy dạy sử Lê Văn Hộ, một liệt sĩ thời bình. Đó là hình ảnh đoàn người tiễn ông về nghĩa trang dài 3 cây số trong cơn bão số 10. Ngày ấy người dân đứng xem nói với nhau rằng: Đây là buổi tiễn đưa người về với đất buồn và đông nhất của xứ biển quê mình.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người xưa quản lý tâm linh (*)