Theo dõi trên

Phan Chính vẫn miệt mài say mê “Tìm lại dấu xưa”!

15/11/2024, 05:26

Nhà nghiên cứu Phan Chính, khá nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ Bình Thuận, được biết đến với những đóng góp trong lĩnh vực văn học và khảo cứu văn hóa địa phương. Ông sinh năm 1942, quê quán La Gi, Bình Thuận, còn có bút danh thơ là Đông Thùy và đã hoạt động tích cực trong văn học nghệ thuật tại Bình Thuận xuyên suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Các tác phẩm đã in sau năm 1975 của Phan Chính, gồm: “Giọt sương”- tập thơ 1983, “Giữa truông đời”- tập thơ 1997, “Biển trắng như lòng ta thức đợi”- tập thơ 2006, “Bảng lảng gió giêng”- tập thơ 2016, “An nhiên hạt bụi”- tập thơ 2021; lĩnh vực văn có các tác phẩm: “Hàm Tân, chuyện thuở đầu”- 1988, “Huyền thoại xứ biển”- 2007, “Đất xưa Bình Thuận”- 2014, “La Gi đất xưa- diện hải bối lâm”- 2017, “Bình Thuận, tìm lại dấu xưa”- 2020…

binh-thuan-tim-lai-dau-an.jpg

Ngoài ra, ông còn viết và xuất bản chung nhiều đầu sách với các tác giả khác. Một minh chứng mới đây thôi, tập sách Lý luận phê bình văn học có tên “Chân dung tác giả, tác phẩm Văn học Bình Thuận) của Phan Chính và Võ Nguyên được vinh danh trong số 25 tác giả, tác phẩm, bao gồm các lĩnh vực lý luận phê bình văn học, nghệ thuật đã nhận được tặng thưởng của Hội đồng Lý luận phê bình văn học Trung ương về chất lượng nội dung, đáp ứng tiêu chí về tính học thuật và sức lan tỏa trong xã hội thời kỳ mới.

Cả đời người ngoài làm thơ, viết văn, viết báo, Phan Chính thật sự say mê và dành nhiều công sức, tâm huyết cho thể loại biên khảo, khảo cứu địa danh, quê hương, đất nước và con người Bình Thuận. Với kiến thức và năng lực chuyên môn của mình, ông cũng đã được mời tham gia soạn thảo nhiều công trình địa chí, lịch sử của tỉnh và của các địa phương trong tỉnh. Ông đã tạo được thành tựu và dấu ấn của cá nhân, nhất là ở lĩnh vực nghiên cứu, khảo cứu văn hóa - lịch sử vùng đất Bình Thuận. Báo chí sẽ không quá lời khi gọi ông là nhà “Bình Thuận học”.

Tưởng rằng qua ngưỡng 82 tuổi, ông sẽ nhẹ nhàng xếp bút nghiên, an hưởng tuổi già, nhưng không, Phan Chính vẫn miệt mài say mê “Tìm lại dấu xưa”. Thượng tuần tháng 11/2024 này ông vừa tái bản “Tìm lại dấu xưa” với phần bổ sung gần chục bài viết khá “nặng ký” về học thuật nghiên cứu đã được đăng ở Tạp chí Xưa và Nay (Tạp chí chuyên ngành của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam).

Xin nhắc lại, ở tập sách “Tìm lại dấu xưa” xuất bản năm 2020, gần 200 trang, gồm hơn 20 bài viết về đất và người Bình Thuận, trong đó hầu hết đã được báo Bình Thuận Cuối tuần giới thiệu với độc giả, như: “Địa danh Bình Tuy”, “Về địa danh Mường Mán hay Mương Mán”, “Có nhiều địa danh chỉ còn trong ký ức”, “Phan Lý xưa, Phan Rí Cửa nay”, “Núi Cẩm Kê Mũi Kê Gà”… Ngoài ra còn nhiều bài viết về lịch sử mở đất, mở làng “tiền hiền khai cơ, hậu hiền khai khẩn” công phu với nguồn tư liệu khá phong phú, như: “Bình Thuận - Trong hành trình mở đất”, “Đường cái quan qua đất Bình Thuận”, “Dấu xưa Tuy Phong”, “Trở lại vùng đất xưa Tánh Linh”, “La Gi đất cực Nam Trung bộ”, “Người Chăm trên đất Tuy Phong”, “Nếp sống và tín ngưỡng người Hoa Phan Thiết”, “Con heo lễ vật cúng tế miền biển”, “Tục thờ cúng ông Nam Hải”…

Riêng lần tái bản năm 2024 này, “Tìm lại dấu xưa” dày lên gần 300 trang, được tác giả bổ sung thêm gần chục bài nghiên cứu, khảo cứu đều được đăng ở Tạp chí Xưa và Nay. Trong đó, đáng kể là một số bài khảo cứu có giá trị về học thuật như: “Giao Loan trong vùng biển Tây Nam Bình Thuận”, “Tuy Phong và tên đất xưa”, “Lạm bàn về sơn danh Tà Cú”, “Thiển nghĩ qua vài địa danh xưa nay của Bình Thuận”, “Lễ hội Hòn Bà”, “Âm và ngữ nghĩa về địa danh La Gi”…

Cầm cuốn sách tái bản có bổ sung này trên tay, ông tâm sự khá khiêm tốn nhưng vẫn không giấu được nhiệt huyết đam mê nghiên cứu: “Tôi 82 tuổi rồi, hiểu biết, tích lũy được gì mà giữ lại. Rất tiếc tôi không là nhà nghiên cứu chuyên nghiệp - như tôi đã tự nhận: “Qua nhiều nguồn tư liệu và bằng nhãn quan “dân dã”, tác giả mong góp một phần nhỏ cho cuộc hành trình chung đầy thú vị và nhọc nhằn này”. Trầm tư ít phút, ông tiếp tục thổ lộ: “Bản thân dính vào văn chương từ những năm 1965 qua những bài thơ thời trẻ rồi sau này tiếp xúc, tham gia công tác nghiên cứu lịch sử cách mạng, truyền thống địa phương… nhận ra nhiều góc xưa về một vùng đất, địa danh rất thú vị và say mê viết lĩnh vực này (đã xuất bản 5 tập). Coi như tạo tiền đề cho những người quan tâm để bổ sung, nghiên cứu”.

Với tập tái bản có bổ sung “Bình Thuận- tìm lại dấu xưa” năm 2024 này không chỉ là cuốn sách tập hợp lưu giữ những bài báo, mà là một tập hợp tư liệu quý đối với những ai yêu thích nghiên cứu về địa danh, về phong tục tập quán, về văn hóa Fonklo, về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Bình Thuận. Cuốn sách này cũng cần nên có tại các thư viện, nhất là ở các thư viện trường học trong tỉnh, để giúp cho học sinh có thêm kiến thức về văn hóa- lịch sử của vùng đất mà mình được sinh ra và lớn lên.

HUỲNH THANH


(0) Bình luận
Bài liên quan

Hội thao Cụm thi đua 9, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch
BTO-Chiều 14/11, tại Nhà thi đấu tổng hợp Bình Thuận đã khai mạc Hội thao, hội thi Cụm thi đua 9, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024. Ông Huỳnh Ngọc Tâm – Phó giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Bình Thuận, cùng lãnh đạo các ngành Văn hoá Thể thao và Du lịch của các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hoà, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Yên đã đến dự.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phan Chính vẫn miệt mài say mê “Tìm lại dấu xưa”!