Đồi Cát Mũi Né chụp năm 1963 (ảnh tư liệu). |
Đồi cát bay Mũi Né được hình thành từ rất xa xưa, trải dài trên diện rộng với diện tích chừng 50 ha; mặt cát màu sắc đa dạng, nhưng chủ yếu là màu vàng, trắng ngà, đỏ sẫm, đỏ nhạt trộn lẫn vào nhau trông rất đẹp mắt. Độc đáo nhất ở đồi cát là sau 1 trận gió lớn hoặc trải qua thời gian 1 ngày đêm thì diện mạo đồi cát lại trở về mới nguyên. Người dân địa phương lý giải về hiện tượng này là do đồi cát chịu ảnh hưởng các yếu tố của tự nhiên như: Gió mùa, khí hậu, thời tiết… Chính gió đã tạo nên những cảnh quan vô cùng độc đáo. Đồi cát Mũi Né là “hoang mạc” thơ mộng vì hình dạng luôn biến chuyển, đổi thay, gây sự thích thú, tò mò của du khách. Tại đây du khách có thể thi thố leo lên đồi cát nhỏ hoặc chơi trò trượt cát hấp dẫn. Tôi đã chứng kiến, khi 2 người ngồi trên ván trượt đến nửa dốc thì bị té lăn đùng, đau nhưng cứ cười thốn cả ruột. Theo các lão ngư cao tuổi sống gần đồi cát cho biết: “Trước đây khu vực này còn nhiều khoảng trống gió thổi mạnh, lượng cát di động rất lớn tạo nên những đồi cát cao hoặc hố sâu thẳm. Bây giờ các dự án du lịch phát triển, nhà cao tầng che chắn bớt gió, cát không còn bay như xưa. Nói vậy thôi, chứ xế chiều mùa gió bấc ra đồi cát thì “người đi sau không thấy dấu chân người đi trước”.
Có thể nói, đồi cát Mũi Né là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất đầy nắng và gió. Từ những cái khắc nghiệt của khí hậu mà đồi cát Mũi Né trở thành nơi có nhiều cảm hứng nghệ thuật. Cát Mũi Né không chỉ có cát vàng, hồng, trắng mà có cả cát đen. Nhiều Nghệ sĩ đã tận dụng sắc màu trên cát để có những tác phẩm ảnh nghệ thuật tuyệt vời.
Lê Thanh