Tuy nhiên, ngọn lửa chiến tranh “ủy nhiệm” giữa Mỹ và Iran lại bắt đầu nhen nhóm. Hai quốc gia có ảnh hưởng lới với Iraq này đang không ngừng leo thang đe dọa lẫn nhau. Trong khi Tổng thống Donald Trump cảnh báo sẽ buộc Iran “phải trả giá đắt”, thì Iran cũng triệu tập cơ quan đại diện Mỹ để phản đối các hành vi mà nước này cho là “hiếu chiến” của Washington.
Người biểu tình phóng hỏa nhằm vào tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, Iraq. Ảnh: Reuters. |
Suốt 2 ngày qua, rất đông người biểu tình đã tràn vào khu vực quanh Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad để phản đối các cuộc không kích mới đây của nước này nhằm vào lực lượng vũ trang người Hồi giáo dòng Shiite được Iran hậu thuẫn Kata'ib Hezbollah. Đến tối 1/1, những người biểu tình đã rút khỏi khu vực quanh Đại sứ quán Mỹ. Theo lực lượng vũ trang Kata'ib Hezbollah, thông điệp của những người biểu tình đã được lắng nghe.
Tuy nhiên chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục duy trì lệnh tạm dừng các hoạt động lãnh sự tại Baghdad cho tới khi có chỉ thị mới, đồng thời khuyến cáo công dân tránh xa khu vực Đại sứ quán Mỹ tại Iraq. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thì thông báo hoãn chuyến công du tới Ukraine, Belarus, Kazakhstan và Cộng hòa Síp để theo dõi tình hình Iraq. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Iraq Abdel Mahdi, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đã lưu ý nghĩa vụ của chính phủ Iraq là phải cảnh báo nguy cơ các vụ tấn công mới.
Còn tại Tehran, Bộ Ngoại giao Iran hôm qua (1/1) đã triệu Đại biện lâm thời Thụy Sĩ để phản đối các hành vi mà nước này cho là hiếu chiến của Mỹ.
Thủ lĩnh tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei thì mạnh mẽ đáp trả Tổng thống Donald Trump rằng, Mỹ sẽ không thể làm được gì: “Hãy nhìn vào những gì người Mỹ đang làm tại Iraq và Syria. Họ đang tấn công chính người đã sát cánh với họ trong cuộc chiến chống IS. Họ đang tìm cớ để tấn công Iraq. Iran lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công độc hại của Mỹ”.
Những diễn biến xấu bên ngoài Đại sứ quán Mỹ tại Iraq đã khiến người ta nhớ lại cuộc khủng hoảng con tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran (Iran) hồi năm 1979 và vụ tấn công nhằm vào phái bộ Mỹ ở thành phố Benghazi, Libya năm 2012. Tại Baghdad, các quan chức thân Iraq đang thúc đẩy một bản kiến nghị tại Quốc hội nhằm phản đối thỏa thuận hợp tác giữa Mỹ và Iraq cho phép Mỹ triển khai 5.200 binh sĩ trên lãnh thổ Iraq.
Có thể nói, cuộc tấn công nhằm vào Đại sứ quán Mỹ, cũng như cuộc không kích của Mỹ nhằm đáp trả các vụ bắn rocket nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở miền Bắc đã làm gia tăng lo ngại Iraq sẽ trở thành mặt trận mới trong cuộc đối đầu giữa Iran và Mỹ.
Thủ tướng Iraq Abdel Mahdi mới đây đã lên án các cuộc không kích, cho rằng nó sẽ gây ra hậu quả nguy hiểm: “Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nói với tôi rằng Mỹ sẽ tấn công các căn cứ của lực lượng dân quân Kata'ib Hezbollah và điều này sẽ diễn ra ngay sau vài giờ. Tôi đã nói với ông ấy rằng nếu xảy ra, thì đây sẽ trở thành một vấn đề nguy hiểm và sẽ làm leo thang căng thẳng. Các bên nên thảo luận kỹ vấn đề trước khi hành động".
Tổng thống Donald Trump khẳng định không mong muốn một cuộc chiến tranh với Iran. Tuy nhiên, theo một quan chức cấp cao Mỹ, nước này đã triển khai 750 binh sĩ bổ sung tới Trung Đông và rất có khả năng số binh sĩ này sẽ sớm được điều động tới Iraq.
Một điều rõ ràng là kể từ khi rút quân khỏi Iraq năm 2011 sau 8 năm tham chiến, Mỹ đã mất đi phần lớn ảnh hưởng tại quốc gia Trung Đông này. Hệ thống chính trị dựa trên cơ sở tín ngưỡng và sắc tộc mà Mỹ dày công vun đắp đang ngày càng bị lung lay, mà một trong những nguyên nhân là ảnh hưởng ngày một tăng của Iran.
Đình Nam/VOV