Theo dõi trên

NGUYỄN THÔNG VÀ BÌNH THUẬN

18/03/2016, 09:51

Kỳ 2:  Khai khẩn đồn điền và lập “Đồng Châu Xã"

Kỳ 3:  Ngọa du sào và những ngày cuối đời

BT- Năm Tân Tỵ 1881, Nguyễn Thông được bổ nhiệm làm Phó sứ điền nông kiêm Đốc học Bình Thuận. Ở tuổi 55, sức lực suy giảm nhiều,  Nguyễn Thông  mua một khu đất ở làng Long Khê, thuộc tổng Đức Thắng, huyện Tuy Lý, phủ Hàm Thuận (theo bản đồ Phan Thiết năm 1900 thì  Long Khê nằm giữa làng Phú Tài và  Hưng Long) để lập thi xã  trước là ngâm vịnh, sau nữa là gặp gỡ bạn bè đồng chí hướng.

                
Ngọn du sào và nhà thờ Nguyễn Thông trong    khuôn viên Khu di tích Dục Thanh.

Cũng tại đây Nguyễn Thông cho dựng đền Ngụ Hiền, làm nơi thờ cúng các bậc thánh hiền, những người có công với đất nước mà theo ông qua đó "nhân dân và sĩ phu trông vào để bắt chước". Ngày nay không còn dấu tích của ngôi đền này. Tuy nhiên, theo nhiều tài liệu  thì  đền nằm phía sau Bưu điện trung tâm Phan Thiết trước đây (góc đường Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hồng Phong hiện nay).

Năm 1882, đền Ngụ Hiền được khánh thành, cũng là năm ông được triều đình phong hàm Hồng Lô Tự Khanh, tức phẩm hàm chánh tứ phẩm của triều đình.

Lập Ngọa du sào

Với tâm hồn thi nhân, Nguyễn Thông  phát hiện ở  hữu ngạn sông Phan Thiết có  con rạch nhỏ chảy vào làng Thành Đức, khung cảnh giống hệt vùng sông nước Nam kỳ, nơi ông trải qua thời thơ ấu, nên Nguyễn Thông đã mua một miếng đất rồi dựng lên ngôi nhà, mà sườn nhà được dỡ từ Sa Ra về. Khu đất Nguyễn Thông dựng nhà nay là Khu di tích Dục Thanh.

Trong "Ngọa du sào văn tập", Nguyễn Thông tả: “Từ sông Phan Thiết có con rạch nhỏ chảy vào nhà, đi lại bằng xuồng rất tiện. Trên bãi đất nhỏ phía trước mọc lên một cây dừa nước thân to mấy người ôm. Buổi sáng nào cũng có chim quốc đến đậu cành cây, kêu rất não nùng. Đến buổi nước ròng, dọc hai bờ sông nổi lên bãi cồn mọc đầy bần đước”. Nguyễn Thông cho cất thêm bên cạnh nhà một cái đình nhỏ đặt tên là Ngọa du sào tức là "tổ nằm chơi", vách xây bằng ghè ống, thềm gót gạch thẻ, mái lợp ngói âm dương, bên trên có một gác nhỏ với lan can ló ra ngoài được gọi là "Hiên Ỷ Nguyệt". Ông thường đọc sách trên gác, ngắm cảnh sông nước,  với hy vọng sự trong lành của thiên nhiên sẽ làm căn bệnh lao  sớm lành.

Những tháng ngày về sống tại Phan Thiết, Nguyễn Thông thật sự hưởng được những giờ phút thanh thản tâm hồn.  Ông từng để lại tâm sự của mình trong văn thơ: "Mỗi khi sóng lặn, trăng lên, nhàn hứng cởi thuyền đi chơi, hết hứng lại về, cùng với người bạn thân ngâm vịnh làm vui. Tuy trong lòng thường xót xa nhớ cảnh tùng cúc nơi vườn cũ nhưng ở đây lâu ngày quen thuộc, dần dần cũng khuây" (trích bài "Ngọa du sào văn tập").

Cũng tại "Ngọa du sào", Nguyễn Thông đã ghi chép, tu chỉnh các tác phẩm của mình gồm hàng chục quyển của các bộ sách: Ngọa du sào văn tập, Độn Am văn tập, Kỳ Xuyên văn sao, Kỳ Xuyên công độc...

                              
Bàn thờ Nguyễn Thông.
   
Khu mộ Nguyễn Thông và bài ký khắc trên mộ.

Vì sao có hiệu "Kỳ Xuyên"?

Chúng tôi cất công tìm hiểu tại sao Nguyễn Thông lấy hiệu là "Kỳ Xuyên" và nhận thấy trong Đại Nam nhất thống chí có ghi: "Sông Kỳ Xuyên ở huyện Hòa Đa tỉnh Bình Thuận, ở phía tây nam huyện. Cầu Kỳ Xuyên ở huyện Hòa Đa bắc qua sông Kỳ Xuyên, 16 nhịp dài hơn 30 trượng làm năm Minh Mạng thứ 6, nay đã hư...". Như vậy Kỳ Xuyên chính là một khúc sông của sông Lũy, huyện Bắc Bình ngày nay.

Có thể Nguyễn Thông lấy tên đất, tên sông làm hiệu của mình. Vậy hiệu Kỳ Xuyên, Nguyễn Thông đặt tự bao giờ? Những tác phẩm ký tên hiệu Kỳ Xuyên chỉ xuất hiện thời gian gần cuối cuộc đời của Nguyễn Thông nên theo chúng tôi có lẽ hiệu này ông đặt vào năm 1881 khi ông kiêm chức Đốc học Bình Thuận. Tuy nhiên, hiện vẫn có một giả thuyết khác cho rằng hiệu Kỳ Xuyên là xuất phát từ địa danh Kỳ Son tức quê của Nguyễn Thông, nơi có chợ Kỳ Son.

Những ngày cuối đời

Thời gian sống tại Phan Thiết, cả gia đình cụ Nguyễn Thông, gồm vợ là bà Ngô Thị A Thúy và 5 người con là: Nguyễn Trọng Lỗi, Nguyễn Quý Anh, Nguyễn Thị San, Nguyễn Thị Chuyên và Nguyễn Thị Lúa  đều sống trong ngôi nhà ở làng Thành Đức. Gia đình đông người, lương bổ có hạn, để có thêm thu nhập, Nguyễn Thông đã  làm thêm ruộng rẫy (30 mẫu ta ở Sa Ra),  nước mắm, hầm vôi sò, đúc ghè ống xây vách...

Năm Đinh Sửu 1877, khi đang đương chức Bố chánh, nhân đi qua thôn Ngọc Lâm, phía Đông phủ Hàm Thuận (nay là thôn Ngọc Hải, xã Phú Hài, Phan Thiết)  thấy cảnh non nước hữu tình, sau khi nhờ người coi hướng và bình phong thủy, Nguyễn Thông quyết định chọn nơi này làm nơi đặt phần mộ của mình sau này.

Tiết Đông chí năm Quý Mùi 1883, Nguyễn Thông viết bài ký đặt tại bia mộ mình: "Sau khi tôi trăm tuổi rồi, hồn phách có còn nhớ đến núi này chăng? Hoặc rốt cuộc cũng về chốn không còn gì chăng? Điều đó không thể biết được, còn như hoa rừng, trăng biển, buồm ngư phủ, chòi tiều phu cũng những cảnh khói mây thay đổi, sóng nước chập chờn, cảnh ấy có thể giúp cho cuộc thưởng thức của tao nhân, du khách sau này đoái hoài đến tôi mà tới đây thăm viếng vậy".

Những ngày tháng cuối đời của Nguyễn Thông cũng là thời gian xảy ra nhiều sự kiện đen tối của đất nước như: Thành Hà Nội thất thủ năm 1882, Pháp chiếm Thuận An, triều đình Huế ký hòa ước thừa nhận Nam kỳ trở thành thuộc địa của Pháp và chấp nhận Trung kỳ, Bắc kỳ là xứ được Pháp bảo hộ vào năm 1883.

Ngày 25/8/1883, Pháp sáp nhập Bình Thuận vào Nam kỳ coi như để trừ nốt khoản tiền bồi thường chiến tranh mà triều đình Huế còn thiếu Pháp từ hiệp ước 5/6/1882. Việc này khiến cho dân Bình Thuận hết sức xôn xao, quan lại thì lo di tản, duy chỉ có Nguyễn Thông vẫn bình tĩnh ở lại đối phó với Pháp và trấn an nhân dân. Cũng năm này vua Tự Đức mất, Nguyễn Thông ra Huế thọ tang và trở về bằng đường biển.

Ngày 6/6/1884, triều đình Huế ký với thực dân Pháp hiệp ước Pa Tơ Nốt giao toàn bộ chủ quyền cho Pháp, lúc này Bình Thuận lại được quy định thuộc lãnh thổ xứ Trung kỳ.

Đất nước non sông ngày càng bi đát, sức khỏe của Nguyễn Thông cũng giảm sút nhiều. Ngày 16/6/1884 ông cố gắng viết xong bản "Kỳ Xuyên lão nhân di chúc" căn dặn con cháu về cách sử dụng gia sản của ông cha để lại, giữ gìn phép tắc trong gia đình như "gia ước" ông đã viết trước đó vào năm 1877.

Khoảng 2 tháng sau, vào ngày mùng 6 tháng 7 năm Giáp Thân (tức ngày 24/8/1884 cảm thấy mình không còn sống được bao lâu nữa,  Nguyễn Thông tắm rửa sạch sẽ, mặc chiếc áo nho sinh giản dị thường ngày rồi bình thản nằm đọc sách. Qua ngày hôm sau 25/8/1884, nhà trí thức đáng kính ấy lặng lẽ giã từ cõi đời. Khi ông nhắm mắt quyển sách vẫn để bên mình.

Hơn 130 năm trôi qua sau ngày Nguyễn Thông vĩnh viễn nằm lại tại đất Bình Thuận. Cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của Nguyễn Thông đối với mảnh đất này luôn được hậu thế nhớ mãi. Ông xứng đáng là niềm tự hào của người Bình Thuận.

Lê Huân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Trại giam Thủ Đức công bố Quyết định đặc xá năm 2025 của Chủ tịch nước
BTO - Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), sáng 1/5, Trại giam Thủ Đức (Bộ Công an) đóng trên địa bàn huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về đặc xá năm 2025. Đồng chí Nguyễn Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan đến tham dự.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
NGUYỄN THÔNG VÀ BÌNH THUẬN