Đời rớ
Với người dân Phan Rí Cửa, con sông Lũy đã gắn liền với cuộc sống, từ cái thời cha ông về đây khai thiên lập địa. Là sông lớn thứ 2 của tỉnh Bình Thuận, dài hơn 98 km, khởi nguồn từ các suối ở sườn nam núi cao Gung Ré (Di Linh, Lâm Đồng) đổ về cửa biển thị trấn Phan Rí Cửa, hợp lưu với sông Đồng (huyện Bắc Bình). Trước khi hòa mình vào biển lớn, sông Lũy vẫn mở lòng mang đến nguồn sống cho cư dân hạ nguồn, trong đó có những mành rớ óng ánh trên sông.

Cả không gian dòng sông Lũy thức giấc và nhộn nhịp từ lúc tia nắng đầu tiên còn chưa ló dạng cho tới khi những cánh chim hải âu cuối cùng bay về tổ. Sáng tinh mơ, cửa biển đã tấp nập tàu thuyền xuôi ngược mang về bao mẻ cá tươi óng ánh bạc - thành quả sau chuyến vươn khơi của những ngư dân. Đêm về, những ánh đèn soi cá vẫn trải dài trên mặt sông, mang đến vẻ đẹp long lanh, huyền ảo… Đặc biệt, những chiếc rớ trắng trắng, xinh xinh bập bềnh trên sóng nước, ngày đêm gió biển thổi về, mắt lưới vẫn hát ca những giai điệu ngọt ngào của biển…“Nước mắm ngon dầm con cá đối/Em biểu anh chờ để tối em qua”…
Ngày xưa con sông Lũy rất nhiều cá. Trên mặt nước lợ dọc sông thường trông thấy hàng đàn bầy cá đối bơi lội tung tăng hoặc đứng yên từng đám hàng trăm con. Ở các bãi bồi, cồn đất giữa sông có nhiều loại cá, tôm, cua... quần tụ. Người hành nghề rớ ngày đêm có thể bắt được 5- 7 chục kg cá đủ loại. Một giàn rớ có thể nuôi sống cả gia đình đông con.
Ở vùng này, ngày trước người ta chủ yếu sống bằng nghề rớ. Lúc cao điểm, có rất nhiều chiếc rớ giăng trên mặt sông. Sau, dòng sông mở rộng ra, nhiều cồn đất lớn giữa sông, chỗ đặt rớ ít đi nên nhiều người không làm nữa. Rồi kinh tế khấm khá dần lên, người nào có điều kiện sắm tàu to thì làm chủ, người nào không sắm được tàu thì đi bạn, làm công. Toàn bộ vùng cửa sông Lũy giờ chỉ còn trên dưới chục chiếc rớ.
Men theo dòng sông Lũy, dễ dàng nhìn thấy những chiếc rớ nhấp nhô vẫn đang được bà con ngày đêm cất lên xuống bắt cá, tôm... Giữa sông nước mênh mông, những chiếc rớ chốc chốc lại “đội” sông nhô lên mặt nước thu về bao loại cá tôm. Lấp ló trong các chòi rớ là những người lao động vùng biển da đen nhẻm, bền bỉ làm việc trong cái gió biển, nắng biển từ ngày này sang tháng nọ, nhưng có nụ cười rất tươi, thân thiện. Khi rớ được kéo lên, người ta bơi thúng ra, nhẹ nhàng dùng tay vén bụng rớ từ ngoài vào trong để dồn tôm cá vào phía cửa thoát nằm ở ngay dưới bụng rớ. Lúc cá tôm được dồn về một chỗ, người ta lại nhẹ nhàng túm lấy miệng cửa thoát kéo thấp xuống để cho cá tôm trút hết vào lòng thúng. Sản phẩm đánh bắt được của nghề rớ cũng rất đa dạng, phong phú. Loại lớn có cá chai, cá hồng, cá hanh, cá dìa... Nhỏ thì cá đối, cá trích, cá liệt, cá bống, cá sơn… Ngoài cá ra, còn có tôm, cua, ghẹ, mực nang, mực lá, bạch tuộc nhỏ từ ngoài biển vào cũng bắt được.
Đúng như tên gọi của nó, vẫn còn những người đã và đang tiếp tục làm nghề rớ một cách bền bỉ. Thuộc thế hệ thứ 3 làm nghề rớ, ông Lê Tâm (60 tuổi) cho biết theo nghề truyền thống của gia đình đến nay đã gần 20 năm. Quanh năm suốt tháng hầu như ông đều ở chòi rớ, chỉ về nhà ăn uống, nghỉ ngơi vài tiếng đồng hồ là ra lại. Tùy thời tiết sẽ cất thả rớ liên tục vào ngày đẹp trời, nước lặng, trừ những ngày mưa bão. Theo ông Tâm kể trước đây, người dân chưa có điều kiện đi biển đánh bắt xa bờ nên chiếc rớ là công cụ mưu sinh chủ yếu, nuôi sống gia đình. Để có được một chiếc rớ, phải tìm được một địa điểm nằm gần bờ, có độ sâu hợp lý, có dòng chảy vừa phải, thích nghi với khả năng di chuyển của tôm cá theo thời tiết và mùa vụ của con nước. Lúc đầu, rớ chỉ làm bằng các cột tre, buộc với nhau bằng dây lạt, dùng tấm vải lớn thay lưới và mỗi khi cất rớ phải dùng sức người. Giờ, rớ được "cải tiến" rất nhiều, dùng máy để nâng và hạ giàn rớ mỗi khi đánh bắt, giảm sức lao động con người.
Thừa hưởng nghề truyền thống gia đình, chòi rớ của ông Trần Văn Hưng (50 tuổi) nằm gần cửa sông Lũy. Sau hơn 10 năm theo nghề, ông Hưng đã cải tạo chòi rớ thêm chắc chắn, là nơi vừa để bắt cá kiếm thu nhập mỗi ngày. Đến mùa đánh bắt, ngày ít cũng được vài ký cá, tôm... mang ra bán tươi tại chợ, lo cho bữa cơm gia đình. Theo ông Hưng, con cá con tôm ở sông hay ở biển đều có một đặc điểm giống nhau, đó là luôn hướng về ánh sáng. Khi màn đêm buông xuống, chúng thường kéo đàn đến những nơi phát sáng để kiếm mồi. Lợi dụng đặc điểm này, người dân dùng cây đèn để nhử cá, vì vậy mà năng suất đánh bắt cũng được tăng hơn trước. “Nghề này thu nhập không bao nhiêu, nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống. Được cái nghề này không xô bồ, cạnh tranh với người khác nên tui chọn nó để gắn bó” - ông Hưng tâm sự.
Trải nghiệm
Quán cà phê gần cầu sông Lũy hội tụ khá đông đúc những ngư phủ sau chuyến biển trở về. Gặp tôi, lão ngư Nguyễn Văn Hiếu (66 tuổi) cho biết từ thuở khai thiên lập địa đến nay, ngư dân sinh sống bằng đủ thứ nghề đánh bắt trên biển, tàu lớn thì có nghề vây rút chì, lưới rê, giã, mành chụp khai thác tuyến khơi, còn tuyến lộng thì có lưới, câu, lặn… Đó là những nghề tạo thu nhập cho ngư dân ở một ngư trường có nhiều nguồn lợi được coi là “cá tìm người” hay “làm chơi ăn thiệt”, chứ không phải là “biển giả”. “Nghề biển nào cũng có phần vất vả, gian nan, nhưng thong dong thì có lẽ là thả rớ. Lên rớ, cứ vô tư hóng mát, cà phê thuốc lá… rồi kéo rớ… lượm tiền”- ông Hiếu cười vui.
Theo chân ông Trần Lực (45 tuổi) ra chòi rớ của ông nằm bên tả ngạn con sông Lũy. Ông Lực cho biết, kéo rớ chủ yếu dựa vào thời tiết và con nước, ban ngày kiếm cá, ban đêm kiếm thêm ít tôm, cua sông chắc thịt. Nói rồi ông rít một hơi thuốc lá phả khói mịt mù, bắt đầu quay rớ. Thật mê mẩn là khi bốn cây tre cong gắn tấm lưới nằm trên một hệ thống đòn bẩy có cánh tay đòn nâng lưới từ từ nâng lên khỏi mặt nước thấy lũ cá, tôm nhảy múa tung tăng trên tấm lưới bạc... Néo rớ, ông Lực nhanh chân nhảy xuống chiếc thúng chai bơi ra bụng rớ, vài phút sau ông đã đưa “chiến lợi phẩm” vào bờ. Tay quơ vội mấy cục than khô, đốt lên bếp lửa, bắt con cá dìa to như bàn tay, nhảy đùm đụp cho vào lò lửa đang đỏ rực nướng xèo xèo. Độc chiêu nhất khi thưởng thức con cá dìa, đó là bóp nhẹ vào cái mình, tách lấy chiếc xương, thịt con cá dìa mới nướng còn hơi nóng phả hương thơm kỳ lạ, xông lên tận mũi. Chấm dĩa mắm nhỉ dầm ớt me, bỏ miếng thịt cá vào miệng, vị ngọt lịm lan nhanh đến mát lòng.
Trên “diễn đàn phượt”, du khách đến thị trấn Phan Rí Cửa, đi dạo dọc con đường Hòa Thắng đến cầu sông Lũy đều dừng chân chụp ảnh, quay phim ghi lại hình ảnh những chiếc rớ, chiếc thuyền, thúng chai... rồi trầm trồ, thích thú với những chiếc rớ được dựng lên vừa để kiếm cá tôm, vừa tạo nên một vẻ đẹp độc đáo cho vùng cửa biển mặn mòi này. Nhiều người đề xuất ý tưởng hỗ trợ cho các chủ rớ nâng cấp sửa sang chiếc rớ bảo đảm tính thẩm mỹ, tính văn hóa của một phương tiện đánh bắt thủy sản, để đạt hai yếu tố là vừa phát triển kinh tế đi đôi với phát triển du lịch.
Thị trấn Phan Rí Cửa là đô thị loại IV, nằm trong quần thể khu du lịch quốc gia Mũi Né, có truyền thống văn hóa đặc sắc với nhiều di tích lịch sử văn hóa đền, miếu, lăng, vạn... Sự có mặt của những chiếc rớ như tăng thêm nét cộng hưởng cho du khách trải nghiệm lý thú mỗi khi đến vùng biển mặn mòi.