Theo dõi trên

Nhà đóng gói, sơ chế thanh long theo dự án QSEAP - Vì sao khai thác chưa hiệu quả?

23/08/2017, 08:56

Bài 2: Lỗi chủ quan hay khách quan?

BT- Trên thực tế, 3/5 nhà đóng gói, sơ chế, bảo quản thanh long thuộc dự án QSEAP đã không phát huy hiệu quả, đóng cửa trong thời gian dài. Nhưng khi có đơn vị khác xin tiếp nhận sử dụng nhà đóng gói tại xã Hàm Minh (Hàm Thuận Nam), lại có sự tranh giành đến khó hiểu...   

Nhà ðóng gói xã Hàm Minh đóng cửa im lìm hơn năm nay.

Ðóng cửa vì… quên!

Cũng như những nhà đóng gói khác nằm trong dự án QSEAP, nhà đóng gói ở xã Hàm Minh cả năm nay mặc cho bụi bặm, cỏ úa mọc cao ngang người. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhà đóng gói này được chính thức giao cho Tổ hợp tác (THT) Minh Thành vào tháng 7/2016, nhưng không hiểu sao hơn cả năm nay nhà đóng gói không đi vào hoạt động. Thấy vậy, Liên hiệp HTX DV – SX Thanh long Bình Thuận (Liên hiệp) đã có chủ trương xin tiếp nhận nhà đóng gói này để đưa vào sử dụng, tránh lãng phí đầu tư của nhà nước. Sau nhiều lần họp bàn, đánh giá lấy ý kiến, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPT&NT) đã có tờ trình gửi UBND tỉnh xin chủ trương. Ngày 21/7/2017 UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương giao nhà đóng gói thanh long tại thị trấn Ma Lâm cho Tổ hợp tác sản xuất thanh long Gò Cà 3, riêng nhà đóng gói tại xã Hàm Minh thì giao cho Liên hiệp quản lý, sử dụng trong thời gian 2 năm. Tuy nhiên, sau khi có quyết định trên, thì ông Nguyễn Đình Sơn – Tổ trưởng THT Minh Thành lại cho rằng, mình mới nhận được biên bản bàn giao nhà đóng gói đúng vào ngày UBND tỉnh ra công văn (21/7), do đó không đồng ý chủ trương của UBND tỉnh, mong muốn được tiếp tục quản lý. Giải thích việc chậm trễ gửi biên bản bàn giao nhà đóng gói cho THT Minh Thành, ông Phạm Hữu Thủ - Chánh văn phòng Sở NN&PTNT cho biết: “Bà Đào Thị Kim Dung – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển (NCPT) cây thanh long cho rằng mình… “quên” và đã nhận khuyết điểm, xin lỗi các bên liên quan trong cuộc họp, do quá trình thu thập chữ ký của các đơn vị trong biên bản mất nhiều thời gian…”.

Theo Sở NN&PTNT, trước đó sở cùng lãnh đạo huyện, xã đã tổ chức 3 cuộc họp để lấy ý kiến của các đơn vị liên quan về vấn đề này, từ đó mới đi đến thống nhất đề xuất UBND tỉnh bàn giao nhà đóng gói xã Hàm Minh cho đơn vị khác. Ông Phạm Hữu Thủ cho biết thêm: “Trong báo cáo gửi sở, Trung tâm NCPT cây thanh long cũng cho rằng THT Minh Thành chưa có nhu cầu sử dụng nhà đóng gói, thiếu năng lực và thực tế đi kiểm tra nhà đóng gói không hoạt động 1 năm kể từ ngày bàn giao. Do đó, để tránh lãng phí tài sản sau đầu tư, sở mới đề nghị huyện, xã chọn HTX, đơn vị khác có đủ năng lực để tiếp nhận. Nay đã có chủ trương của UBND tỉnh, thì đề nghị các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện chỉ đạo, sớm giao nhà đóng gói cho Liên hiệp quản lý và sử dụng. Nếu sau 2 năm Liên hiệp hoạt động không hiệu quả thì sẽ thu hồi”.

 Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong cuộc họp lấy ý kiến các đơn vị liên quan ngày 14/3/2017, Tổ trưởng THT Minh Thành có mặt nhưng không tham gia ý kiến. Đến cuộc họp ngày 13/6/2017, ông Nguyễn Đình Sơn lại vắng mặt và cũng không cử thành viên trong THT tham dự để nghe thông báo lập phương án sử dụng nhà đóng gói gửi về Sở NN&PTNT. Tại cuộc họp ngày 31/7/2017, ông Phan Văn Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: “Sở đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu BQL Dự án QSEAP và đã tổ chức nhiều cuộc họp để sớm đưa nhà đóng gói tại xã Hàm Minh đi vào hoạt động nhưng không thấy ai có ý kiến khác. Và tại cuộc họp ngày 13/6,  tất cả các thành viên tham dự đã thống nhất đề nghị UBND xã Hàm Minh, UBND huyện Hàm Thuận Nam thông báo đến các tổ chức, đơn vị có năng lực trên địa bàn xây dựng phương án sản xuất và sử dụng nhà đóng gói gửi về sở xem xét trình UBND tỉnh. Do đó, hiện chỉ tập trung triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh theo công văn 2763/UBND – KT. Đề nghị Liên hiệp xây dựng phương án sử dụng nhà đóng gói, sau đó làm việc với các bên liên quan thống nhất phương án và cam kết sử dụng nhà đóng gói có hiệu quả gửi về Sở NN&PTNT”. Kết thúc cuộc họp ngày 31/7, lãnh đạo sở, đại diện UBND huyện Hàm Thuận Nam, xã Hàm Minh đều thống nhất chủ trương của UBND tỉnh, hạn cuối đến ngày 15/8 phải có phương án để đưa nhà đóng gói này vào hoạt động dưới sự giám sát của các đơn vị liên quan. 

Ách tắc từ ðâu?

Tuy nhiên, trong cuộc họp mới nhất ngày 4/8 được tổ chức tại UBND xã Hàm Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Non lại chuyển sang “ủng hộ” THT Minh Thành, cho rằng Liên hiệp trước đây chưa tham gia dự án, trong khi THT đã sát cánh cùng dự án từ trước nên toàn bộ xã viên rất tin tưởng và hầu hết bà con không đồng tình chủ trương của UBND tỉnh! Có lẽ vì vậy mà việc bàn giao nhà đóng gói ở xã Hàm Minh đến thời điểm này cứ nhùng nhằng, kéo dài đến khó hiểu. Ông Trác Anh – Tổng Giám đốc Liên hiệp, cho biết: “Liên hiệp rất mong được sớm tiếp nhận nhà đóng gói để phát huy hết công suất. Mấy ngày gần đây, nhiều đối tác muốn xem nhà đóng gói để đủ điều kiện ký kết hợp đồng với Liên hiệp trong vụ mùa này. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Liên hiệp vẫn chưa được bàn giao chìa khóa để tiếp quản”.

Tại cuộc họp này, bà Đào Thị Kim Dung cho rằng: Theo phương án kinh doanh của Liên hiệp, sản lượng thanh long tiêu thụ chỉ khoảng 6.000 tấn/200 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP chưa đủ phục vụ cho diện tích xã Hàm Minh. Và Liên hiệp chưa xây dựng phương án sử dụng lao động địa phương. Vì vậy, nếu các đơn vị đăng ký phương án sử dụng không phát huy hiệu quả của nhà đóng gói thì cả 2 đơn vị sẽ cùng tham gia dưới sự điều hành quản lý của Trung tâm NCPT cây thanh long. Giải thích về vấn đề này, bà Dung cho biết thêm: “Hiện nay nhà đóng gói tại xã Hàm Minh được xây dựng trên quỹ đất của Trung tâm NCPT cây thanh long và trong hợp đồng có nhiều điều khoản ràng buộc. Thứ nhất, nếu nhà đóng gói hoạt động không hiệu quả hoặc có sự di chuyển tài sản thì kịp thời lấy đất giao lại cho trung tâm. Thứ hai, khi nhà đóng gói đi vào hoạt động, thì trung tâm sẽ được hưởng 10% lợi nhuận sau thuế. Do đó, đơn vị nào tiếp quản đều do trung tâm giám sát…”. Được biết, hiện trung tâm đang tổng hợp các phương án sử dụng nhà đóng gói trình sở xem xét. “Trước đó, Trung tâm NCPT cây thanh long đã chọn THT Minh Thành tham gia vào mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ thanh long nhằm quảng bá trái thanh long Bình Thuận, và cũng đề xuất sử dụng nhà đóng gói phục vụ chuỗi liên kết. Nhưng trung tâm trình Sở NN&PTNT phê duyệt kinh phí xây dựng từ tháng 5/2017 đến nay vẫn chưa giải quyết”, bà Dung cho biết.

Từ thực tế sử dụng kém hiệu quả, phải nói là lãng phí các nhà đóng gói thời gian vừa qua cho thấy cần thiết phải làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Đồng thời sự nhùng nhằng khó hiểu trong quá trình bàn giao cho đơn vị mới sử dụng cho thấy cần thiết phải có sự minh bạch, rõ ràng, để các nhà đóng gói phát huy hiệu quả như mục đích ban đầu dự án đề ra. 

Ðiều tra: Minh Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà đóng gói, sơ chế thanh long theo dự án QSEAP - Vì sao khai thác chưa hiệu quả?